Dư luận đang quan tâm, liệu Hà Nội có bắt tay với loạt công ty năng lượng Mỹ có nhằm củng cố hợp tác, chống lại thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông?
Việt Nam muốn nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ
Giới quan sát đang dồn sự chú ý vào các hợp đồng năng lượng, dầu khí mà Việt Nam vừa ký kết với đối tác Mỹ, Cuba, Malaysia, Nhật, Úc….
Như Sputnik đã đưa tin, trong chuyến thăm hữu nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Cuba và Hoa Kỳ, các doanh nghiệp dầu khí, năng lượng của Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, bắt tay với các tập đoàn Mỹ, Cuba nhằm tăng cường đầu tư, triển khai dự án tại quốc gia Đông Nam Á này.
Việc doanh nghiệp dầu khí hàng đầu của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PetroVietnam – PVN) hay Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) bắt tay với những ông lớn năng lượng hàng đầu nước Mỹ, được kỳ vọng không chỉ giúp khai thác tài nguyên ngoài khơi, đem lại lợi ích kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo trong nước mà còn mang ý nghĩa giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang kêu gọi dòng vốn đầu tư và sự vào cuộc của các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nga, Australia, Nhật Bản, Cuba… để cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông và kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh luôn kiếm nhiều lý do để ‘làm phiền’ hoạt động kinh tế, hàng hải của Hà Nội.
Như chúng tôi đã thông tin, trong chuyến thăm “nghĩa tình” đặc biệt đến Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với nền tảng tin cậy chính trị cao độ, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác mạnh mẽ về mọi lĩnh vực, trong đó có kinh tế và năng lượng.
Tại tuyên bố chung, Cuba khẳng định xem xét các tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước nhằm mở rộng hợp tác trong các ngành và lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, viễn thông, du lịch, xây dựng, dịch vụ y tế, công nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, công nghệ sinh học và vận tải.
Trong khuôn khổ tham dự Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp với đại diện hàng loạt tập đoàn lớn về năng lượng của Mỹ như Exxon Mobil, AES, Next Decade, Blackrock…
Đáng chú ý là tại buổi tiếp tập đoàn Exxon Mobil trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Nhà máy của công ty Exxon Mobil
© AP Photo / Matt Brown
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát khí thải nhà kính.
“Việt Nam mong muốn nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, qua đó góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và bền vững”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Exxon Mobil, Chủ tịch nước đề nghị tập đoàn tiếp tục làm việc với các đối tác và cơ quan chức năng của Việt Nam để phát triển các dự án Exxon Mobil quan tâm.
“Hoạt động của các công ty dầu khí lớn Mỹ, trong đó có Exxon Mobil tại các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt những khu vực nước sâu và nhiều tiềm năng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, phục vụ mục tiêu chung của cả Việt Nam và Mỹ trong việc góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực”, nhà lãnh đạo đất nước khẳng định.
Trước đó, từng xuất hiện một số thông tin liên quan đến việc, Tập đoàn Dầu khí Mỹ Exxon Mobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh hợp tác với Việt Nam dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc.
PV GAS và AES đạt thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 24/9/2021, trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch nước tham dự Kỳ họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Quốc Vượng, lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và lãnh đạo Tập đoàn năng lượng AES đã có buổi làm việc, tiếp xúc ngoại giao và ký kết các thỏa thuận hợp tác chung dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN.
Hai bên đã chứng kiến lễ ký “Thoả thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa AES, Mỹ và PV Gas của Việt Nam.
Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD.
Công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm (cho giai đoạn 1 và lên đến 6 triệu tấn vào giai đoạn tiếp theo). Kho cảng sẽ tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025.
Tại sự kiện này, ông Bernard Da Santos - Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Điều hành AES đã báo cáo Chủ tịch nước nỗ lực đàm phán giữa AES và PV GAS trên cơ sở các điều khoản chính của Hợp đồng liên doanh Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ được ký vào tháng 10 năm 2020.
Thực tế, đây là dấu mốc quan trọng của quá trình phát triển của toàn bộ dự án, đạt được nhờ sự chấp thuận và chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Lãnh đạo tập đoàn AES cũng khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ nghiên cứu, mở rộng hướng đầu tư sang các lĩnh vực năng lượng mới, an toàn với môi trường như lưu trữ điện, điện năng lượng mặt trời và sẽ kết hợp kho dự trữ LNG với trạm năng lượng mặt trời để thực hiện các dự án tái tạo năng lượng.
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tái khẳng định việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế thương mại đã và đang đóng vai trò động lực chính trong việc thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương Việt – Mỹ, đóng góp một cách thực chất vào mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Ông Diên cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công thương muốn cùng với phía đối tác Mỹ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Washington ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Tư lệnh Bộ Công Thương Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như năng lượng, hàng không, tài chính, nông nghiệp, y tế, giáo dục, phân phối.
Theo Bộ trưởng Diên, những kết quả hợp tác mà Tập đoàn AES, hay các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ khác như Intel, Nike, Cargill…đạt được thành công ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn xây dựng được hình ảnh Việt Nam là địa chỉ đầu tư tin cậy cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong tương lai.
Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tích cực xử lý, giải quyết các kiến nghị của Hoa Kỳ, tạo môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đảm bảo doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển kinh doanh bền vững, phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, việc thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ để triển khai đầu tư xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ sẽ góp phần đảm bảo cung cấp khí hóa lỏng LNG cho nhu cầu phát điện của khu vực kinh tế trọng điểm tại Nam Bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Sự hợp tác của PV GAS và AES là một trong các dự án trọng điểm đối với việc xây dựng mạng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tại Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, hoan nghênh sự hợp tác này trên tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của PV GAS và AES cũng như các hoạt động của AES tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của ngành năng lượng của đất nước.
“Việt Nam luôn ủng hộ, hỗ trợ tập đoàn AES mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, khuyến khích AES và các đối tác tăng cường đầu tư trong ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và hiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác về điện và năng lượng thay thế với Mỹ
Trong chuyến công du của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng có buổi tiếp Tập đoàn Next Decade.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát khí thải nhà kính. Hà Nội cũng hoan nghênh các đề xuất của Next Decade trong việc đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Phía Việt Nam cũng đề nghị Next Decade nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh, cung cấp các giải pháp giảm thải CO2 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong rằng Next Decade cùng các đối tác Việt Nam phối hợp chặt chẽ và tính toán kỹ lưỡng, bám sát Quy hoạch điện VIII để phát triển dự án.
Đối với lãnh đạo Tập đoàn Blackrock, một nhà quản lý tài sản và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, Chủ tịch nước hoan nghênh Blackrock quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Ông đề nghị Blackrock, tiếp tục làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và các cơ quan liên quan của Việt Nam để khai thác ý tưởng này.
Trước việc, Blackrock vừa lập một quỹ về khí hậu với ưu tiên hỗ trợ các thị trường đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam chủ trương đa dạng hóa năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và đề nghị Blackrock tìm hiểu, nghiên cứu triển vọng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam sắp nhập khí hóa lỏng LNG năm 2022?
Với mục tiêu bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2022, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên khoảng 5 triệu tấn LNG vào năm 2025, 10 triệu tấn vào năm 2030 và 15 triệu tấn vào năm 2035.
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tại Hội nghị người tiêu dùng sản xuất LNG lần thứ 10 do Nhật Bản tổ chức.
“Việt Nam hiện đang tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng bến cảng để sẵn sàng tiếp nhận và nhập khẩu LNG”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói thêm.
Theo ông Diên, dự án Sơn Mỹ LNG, dự án phát điện LNG lớn nhất Việt Nam, đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và “nhiều dự án khác do các doanh nghiệp nước ngoài đề xuất đang được xem xét”.
Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam coi LNG là "một trong những giải pháp quan trọng nhất" để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh sản lượng tài nguyên thiên nhiên trong nước suy giảm và kinh tế trên đà tăng trưởng mạnh.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang dựa vào cả nhập khẩu LNG và phát triển các nguồn khí mới để bù đắp cho sản lượng trong nước đang suy giảm trong việc đảm bảo cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình.
Theo S&P Global Platts, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên than, dầu và khí tự nhiên trong nước đang có dấu hiệu suy giảm, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam coi những thách thức do đại dịch gây ra hiện nay là "cơ hội" để xem xét lại mô hình cung cấp năng lượng truyền thống của mình và thúc đẩy "quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững" theo Thỏa thuận chung Paris.
“Việt Nam tin rằng LNG đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và coi đây là loại nhiên liệu sạch hơn so với nhiên liệu dầu và diesel”, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Soạn thảo nghị định về giảm phát thải khí nhà kính
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đang soạn thảo Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với Đóng góp do quốc gia tự quyết định theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống 9%, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 vào năm 2030 với kịch bản "kinh doanh như bình thường".
Đồng thời, khoảng 51,5 triệu tấn CO2 hay 61,4% tổng lượng sẽ được cắt giảm trong lĩnh vực năng lượng, 9,3 triệu tấn do thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, 9,1 triệu tấn trong xử lý chất thải, 7,2 triệu tấn trong các quy trình công nghiệp và 6,8 triệu tấn trong nông nghiệp.
Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực nâng mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính lên 27% có điều kiện, với sự hỗ trợ của quốc tế.
Theo dự thảo nghị định, các công ty và nhà máy có lượng phát thải khí nhà kính hàng năm trên 3.000 tấn CO2 sẽ phải nộp hồ sơ về lượng phát thải của họ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 25 tháng 8 ước tính rằng nghị định sẽ áp dụng cho 2.200 công ty và nhà máy, 1.800 thuộc quản lý của Bộ Công Thương, 250 thuộc Bộ Xây dựng, 90 thuộc Bộ Giao thông vận tải và 80 thuộc Bộ Môi trường, tổng cộng chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải của Việt Nam.
Theo dự thảo nghị định, các bộ này phải nộp báo cáo kiểm kê lượng khí thải hàng năm, bao gồm các công ty và nhà máy trong lĩnh vực tương ứng của họ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với các bộ, tỉnh và thành phố khác, sẽ đệ trình danh sách các nhà máy và công ty chịu sự điều chỉnh của nghị định này trước ngày 31 tháng 3 năm 2022, trong khi các bộ khác phải công khai báo cáo của mình trong giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.
Chọn LNG, Việt Nam đang hướng đến cam kết net zero?
Như Sputnik đưa tin trước đó, Ninh Thuận đã kiến nghị Chính phủ xem xét thay thế dự án điện hạt nhân đã bị tạm dừng bằng dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, quy mô 4.600MW.
Cùng với đó, tập đoàn T&T của bầu Hiển và JAKS Recources Berhad của Malaysia đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thảo luận hợp tác phát triển dự án phát điện khí LNG Quảng Ninh 2 với quy mô 1.500MW.
Chuyên gia tư vấn John Yeap của Pinsent Masons, công ty luật của Out-Law, cho biết, với các cam kết về “net zero” (lộ trình tiến đến cân bằng năng lượng), việc loại bỏ phát thải carbon trong ngành năng lượng điện là khó tránh khỏi, Việt Nam, trong vài năm qua đã không còn ưu tiên đầu tư, phát triển nhà máy nhiệt điện than mới như trước đây.
Chuyên gia cho rằng, khí đốt là nhiên liệu chuyển đổi có ý nghĩa đối với các nền kinh tế như Việt Nam, những “con hổ mới”, năng động, hội nhập sâu nhưng phải cân bằng giữa loạt cam kết về biến đổi khí hậu và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
“Tuy nhiên, các vấn đề xung quanh việc mua và định giá khí, cũng như rủi ro trong công tác bàn giao dự án, nghĩa là việc triển khai các dự án điện khí hóa lỏng LNG sẽ đòi hỏi nhiều giải pháp tổng hòa phức tạp trong ký kết, giao thầu và thỏa thuận tài chính”, chuyên gia lưu ý.
Có thể nhận định, Việt Nam đang đi một “nước cờ” hết sức thông minh – vừa mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng, vừa củng cố vị thế địa chính trị của đất nước trong khu vực.
Điều đáng quan tâm nhất, với việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp dầu khí, năng lượng hàng đầu thế giới đến từ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Australia, hay Malaysia đều sẽ tạo thế kiềng vững chắc giúp Hà Nội vững vàng hơn trước những “sóng gió” vô lý mà Trung Quốc có thể gây nên ở Biển Đông. Mọi hợp tác của Việt Nam đều tuân theo luật pháp quốc tế và vì chính lợi ích quốc gia của mình.