Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu Hub cho khu vực và quốc tế.
Đưa Việt Nam thành Digital Hub khu vực đến năm 2030
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và xin ý kiến về Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 – 2030.
Chiến lược đến năm 2030, dự thảo quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập tới việc thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, yêu cầu đến năm 2030, Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực.
Đối với định hướng phát triển Digital Hub, dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối khu vực “Digital Hub”.
Trong đó, hướng đến việc đưa Digital Hub Việt Nam thành nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa hình thành Digital Hub. Ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng mới chỉ có 3 Digital Hub là Singapore, Hong Kong, Nhật Bản.
Bộ cũng khẳng định, đến năm 2025 sẽ hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu Hub cho khu vực và quốc tế.
Tiếp đó, đến năm 2030 sẽ hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của Digital Hub.
Để trở thành Digital Hub của khu vực, theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam cần phải đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy và giá cả phải chăng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đáp ứng được các tiêu chí hạ tầng pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân hoàn thiện; sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển nền kinh tế Internet; và sự liên kết, hợp tác quốc tế...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, xét về các điều kiện cần, Việt Nam có một số lợi thế chiến lược phù hợp về mặt không gian lãnh thổ địa lý để trở thành Digital Hub khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 27 Trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với hơn 113.120 máy chủ.
Tổng diện tích mặt sàn là 173.619 m2 với tổng công suất 15 MW11, tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế, đang cung cấp cho hơn 26.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 60.000 TB dữ liệu.
“Điều này giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiết kiệm chi phí khi hoạt động trên môi trường đám mây, giúp các đơn vị chuyển đổi số nhanh, hiệu quả hơn”, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Các trung tâm dữ liệu này tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, top 5 đơn vị cho thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu gồm VNPT, Viettel IDC, FPT và CMC và Hanoi Telecom.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016- 2020 vừa qua, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 12,69%, với quy mô năm 2020 đạt 858 triệu USD.
Đặc biệt, quy mô thị trường này liên tục tăng qua từng năm, từ hơn 532 triệu USD năm 2016 lên hơn 653 triệu USD vào năm 2018 và hơn 728 triệu USD năm 2019.
Đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam
Dự thảo cũng lưu ý, trong phát triển hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng viễn thông và IoT, hạ tầng điện toán đám mây, cũng cần phải chú ý tới yêu cầu, định hướng phát triển trung tâm dữ liệu.
Trước đó, theo hãng nghiên cứu và báo cáo Research And Markets đánh giá, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường mới nổi về Dữ liệu toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Research And Markets hồi tháng 7 năm nay cho rằng, thị trường dịch vụ Trung tâm Dữ liệu của Việt Nam đạt khoảng 858 triệu USD vào năm 2020 được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026.
“Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trên Thị trường Trung tâm Dữ liệu Toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng cùng năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, năng lực tổ chức, doanh nghiệp lớn”, Research And Markets nhận xét.
Một số doanh nghiệp trong Thị trường Trung tâm Dữ liệu Việt Nam bao gồm Tập đoàn FPT, Viettel-CHT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, KDDI Việt Nam, Hitachi Asia (Việt Nam), Hewlett Packard, SAP Việt Nam, IBM Việt Nam, Microsoft Việt Nam và Amazon Web Services Việt Nam.
Theo Dự thảo mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Chính phủ muốn xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, với tinh thần “đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, sẽ hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và trung tâm dữ liệu điện toán biên kết nối đồng bộ và thống nhất.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, dự thảo này nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Dự thảo cũng nêu yêu cầu phát triển đến năm 2025, sẽ có khoảng 70% dịch vụ Trung tâm dữ liệu chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Việt Nam cũng sẽ thành từ 3- 6 trung tâm dữ liệu quốc gia dự phòng lẫn nhau phục vụ lưu trữ, xử lý và dự phòng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.
Đáng chú ý, trung tâm dữ liệu quốc gia ưu tiên đặt tại những nơi có quy mô người dùng lớn như Hà Nội, , Đà Nẵng, các hành lang kinh tế vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có nguồn năng lượng dự trữ, khí hậu lạnh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và giao thông thuận lợi.
Bên cạnh đó, sẽ có một Trung tâm giám sát thông minh các trung tâm dữ liệu tích hợp nằm trong Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử. Tất nhiên, các Trung tâm dữ liệu của Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ ra quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dự định sẽ thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đầu tư, ít nhất là vào một trung tâm dữ liệu quốc tế ưu tiên đặt tại các Trung tâm tài chính của đất nước.
Giới chuyên gia cho rằng, để làm hạ tầng số, Việt Nam cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa, quyết tâm cao, cách làm hiệu quả như kết nối liên thông nhưng phải kèm với chia sẻ dữ liệu.
Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam quyết định đến sự thành công của Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, hay nói cách khác Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 hay không, để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao, thành trung tâm số (Digital Hub) thì điều kiện tiên quyết là hạ tầng số.
Chính phủ Việt Nam chú trọng đến kinh tế số hậu Covid-19
Vừa qua, Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế trong việc chuyển đổi kinh tế số ứng phó đại dịch Covid-19”.
Cuộc trao đổi dưới do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì có sự tham gia của Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, các tham tán Đại sứ quán Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ cùng các diễn giả là các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số.
Các chuyên gia đã thẳng thắn phân tích về tổng quan kinh tế số ở Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam, nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch.
Quốc hội Việt Nam tổ chức sự kiện này cũng nhằm trao đổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số; gợi ý chính sách cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả và bền vững.
Thực tế, Covid-19 đã tạo ra động lực rất lớn cho chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong 5 tháng cuối năm 2020, ngành thương mại điện tử đã đạt mức tăng trưởng cộng dồn của 5 năm trước đó.
Các đại biểu cho rằng, thực trạng ở Việt Nam hiện nay, mức độ bao phủ hạ tầng kết nối mạng internet tương đối tốt nhưng chưa đồng bộ, băng thông và chất lượng đường truyền chưa tốt, kỹ năng công nghệ số còn yếu.
Cùng với đó, mức độ chia sẻ dữ liệu để làm gia tăng giá trị dữ liệu chưa cao, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, bảo mật được thực hiện tốt nhưng bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, thiếu quy định bảo vệ người dùng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số còn thiếu và yếu, kinh tế hệ sinh thái số ở Việt Nam dường như mới đang ở bước sơ khai, chưa phát triển mạnh như nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới hiện tại.
Khuyến nghị để kinh tế số Việt Nam phát triển, đưa đất nước vươn lên thành một trung tâm số (Digital hub) của khu vực, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào các yếu tố mang tính chất nền móng như con người, thể chế, công nghệ và dữ liệu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đầu tư vào những yếu tố mang tính đột phá như tăng khả năng kết nối, xây dựng khung chính sách pháp lý cập nhật, bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới và khu vực, tăng cường năng lực bảo vệ an toàn, an ninh mạng, nhất là bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hiện nay.
“Why Vietnam” không chỉ đơn thuần là từ khóa tìm kiếm của bạn bè quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trên Google.
Đó còn là minh chứng và cách thức để tìm hiểu vì sao Việt Nam có thể giành chiến thắng vẻ vang trong những cuộc chiến mà kẻ thù đến từ các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cho đến cạnh tranh địa chính trị, công nghệ khốc liệt như ngày nay.
Việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, tăng đầu tư vào chất lượng con người, nhân lực, công nghệ, kỹ thuật số sẽ là nền tảng để Việt Nam vươn lên, hướng đến mục tiêu thành nước có thu nhập trung bình cao, công nghiệp phát triển giai đoạn 2030-2045.