Washington đã thất bại trong việc định hình một chính sách mới với Trung Quốc

Hoa Kỳ sẽ bắt đầu dỡ bỏ một số thuế quan do chính quyền Trump áp đặt đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết về điều này. Đồng thời, bà Tai không loại trừ việc đưa ra các biện pháp hạn chế mới và các cuộc điều tra mới đối với CHND Trung Hoa.
Sputnik
Trong chín tháng qua, chính quyền Biden vẫn không thể định hình một chính sách mới với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, các chuyên gia nói lên ý kiến rằng, những tín hiệu trái ngược mà Washington gửi tới Bắc Kinh là do động cơ chính trị trong nội bộ nước Mỹ.
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã chỉ thị các cơ quan liên quan rà soát lại các chính sách kinh tế và thương mại đối với Trung Quốc. Bước đi này không làm ai ngạc nhiên bởi vì Biden đã xây dựng chiến dịch tranh cử của mình để chống lại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Theo đó, nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden bắt đầu với việc xem xét lại và hủy bỏ các biện pháp được Trump áp dụng trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Hoa Kỳ có thể vận dụng mưu kế để chống lại Trung Quốc

Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Trump xấu đi nghiêm trọng

Trump đã phát động cuộc chiến thương mại chống lại CHND Trung Hoa, và trong hai năm đã áp đặt mức thuế cao đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1 năm 2020, Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. Thỏa thuận này bao gồm việc bãi bỏ một phần nhỏ thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc đổi lấy cam kết của Bắc Kinh tăng cường mua nông sản và hàng hóa, dịch vụ của Mỹ, cụ thể là đến cuối năm 2021 phải mua tăng 200 tỷ USD so với mức của năm 2017. Trump đã định vị thỏa thuận này là bước đầu tiên để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện để Trung Quốc thay đổi cơ bản các chính sách kinh tế và thương mại của mình, và cuối cùng để thỏa thuận này mang lại lợi ích cho Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Sau khi Biden nhậm chức Tổng thống đã có vẻ như Washington lãng quên về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Thỏa thuận giai đoạn một hiếm khi được nhắc đến trên báo chí và trong các bài phát biểu chính thức. Trong mấy tháng đầu năm 2020, Bắc Kinh cũng không thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận này - Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với đại dịch COVID-19, đất nước này đã huy động mọi nguồn lực để chống lại đại dịch. Kể từ quý 2 năm 2020, Trung Quốc bắt đầu phục hồi kinh tế và nối lại hoạt động kinh doanh, bắt đầu mua bán sản phẩm theo thỏa thuận giai đoạn một.
Cộng đồng doanh nghiệp và giới học thuật Mỹ đã nhiều lần chỉ ra rằng, thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc không ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và thương mại của Bắc Kinh, nhưng chúng gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ và cuối cùng gây hại cho người tiêu dùng Mỹ. Các chuỗi cung ứng quốc tế được xây dựng theo cách mà Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất không chỉ thành phẩm mà còn cả các thành phần cần thiết để sản xuất hàng hóa ở các nước khác. Theo thống kê thương mại, có tới 50% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là hàng hóa trung gian. Ví dụ, niềm tự hào của nước Mỹ - Công ty Động cơ Cummins - sản xuất một số linh kiện ở Trung Quốc, chẳng hạn như bộ tăng áp, cũng như động cơ diesel cỡ nhỏ. Công ty có một số nhà máy ở Trung Quốc. Theo đó, sau khi Hoa Kỳ áp thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhà sản xuất động cơ của Mỹ phải trả thêm tiền thuế.
Sản xuất sẽ giúp Trung Quốc vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong 10 năm tới

Số liệu thống kê phản ánh sự thật

Việc áp thuế nhập khẩu không phải là một giải pháp hữu ích để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại. Năm 2017, ngay trước cuộc chiến thương mại, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 375 tỷ USD. Vào năm 2020, mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm do đại dịch COVID-19, con số này vẫn ở mức 310 tỷ USD. Về nguyên tắc, mọi người đều hiểu rằng, chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc hóa ra không hiệu quả. Chỉ có những ý kiến ​​khác nhau về lý do tại sao điều này xảy ra. Những người phản đối chiến tranh thương mại nói rằng, thuế quan đang đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Còn phe “diều hâu” Mỹ cho rằng, các biện pháp này là không đủ. Họ cho rằng, các tập đoàn “hám lợi” đã đưa các cơ sở sản xuất sang Trung Quốc để tạo thêm lợi nhuận, và giờ đây các tập đoàn đang vận động hành lang để Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế trong thương mại. Kết quả là các biện pháp không có tác dụng, Hoa Kỳ vẫn chưa bắt đầu tạo ra những công ăn việc làm mới.
Katherine Tai
Mới đây, chính quyền Hoa Kỳ lần đầu tiên bình luận về lập trường của mình và cố gắng vạch ra các bước tiếp theo đối với CHND Trung Hoa. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, Washington sẵn sàng dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để giảm bớt gánh nặng cho các nhà sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, bà Tai không cho biết ở đây nói về những sản phẩm nào. Ngoài ra, bà Katherine Tai nhấn mạnh rằng, Mỹ không hài lòng với tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Bà chỉ ra rằng, Trung Quốc không thực hiện đầy đủ các cam kết của mình đối với việc mua các sản phẩm của Mỹ. Cuối cùng, đại diện thương mại lưu ý rằng, Washington bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về các hoạt động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và các chính sách trợ cấp doanh nghiệp nhà nước. Bà Tai cho biết, bà mong đợi cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong những ngày tới để thảo luận về tất cả các vấn đề cấp bách này và hoạch định chính sách trong tương lai.
Bài phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ đã mang về nhiều thất vọng cho những người tham gia cuộc họp cũng như các nhà quan sát. Nội dung chính trong bài phát biểu của bà Tai là như sau: chúng tôi sẽ nới lỏng một số biện pháp, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết những biện pháp nào. Nói chung, chúng tôi "giữ nguyên trạng thái", vì chúng tôi chưa biết phải làm gì tiếp theo, chúng tôi cần trao đổi với phía Trung Quốc. Nếu lời tuyên bố này được đưa ra ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden, thì sẽ không có câu hỏi nào. Nhưng, sau chín tháng xem xét lại chính sách thương mại chuyên sâu, những tuyên bố như vậy không có sức thuyết phục. Những biện pháp nửa vời mà chính quyền mới sử dụng trong mối quan hệ với Trung Quốc, những điều luật mơ hồ trong chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ, trước hết là do các nhân tố nội bộ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Alexander Gabuev, người đứng đầu Chương trình châu Á Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, nói với Sputnik.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
“Trong trường hợp này, chính quyền Biden cố gắng tìm kiếm sự cân bằng: muốn làm hài lòng nhiều cử tri trong nước cũng như những nhóm thích các chính sách thương mại của Trump. Ở Hoa Kỳ có một số bang được gọi là tiểu bang chiến trường (battleground state). Và cử tri ở các bang này là rất quan trọng đối với đảng Dân chủ trong cuộc đua tiến tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ năm 2022. Nếu Biden hủy bỏ thuế quan và thừa nhận rằng, người lao động và hộ gia đình Mỹ bị thiệt hại do các chính sách thương mại của Trump, và Hoa Kỳ cần phải có cách tiếp cận khác đối với Trung Quốc, thì đảng Dân chủ có nguy cơ mất phiếu, điều mà Biden không muốn. Do đó, cách tiếp cận nửa vời này phần lớn là do chính quyền đang theo đuổi một số mục tiêu chính trị trong nước. Thứ hai, họ muốn duy trì một số đòn bẩy đối với Trung Quốc. Và mặt thứ ba, Biden vẫn cần làm ít nhất một điều gì đó hơi khác so với Trump. Vì vậy, ở Mỹ có chính sách nửa vời như vậy. Chúng tôi sẽ bãi bỏ một số thuế quan - đây là những mức thuế không gây thiệt hại lớn cho một số bang nhất định nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ gia đình. Đồng thời chúng tôi giữ nguyên chính sách với Trung Quốc, và chúng tôi sẽ yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình".
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, Hoa Kỳ khó có thể thành công với điểm cuối cùng - yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình. Một mặt, Hoa Kỳ liên tục chỉ trích Trung Quốc về các hành vi phi thị trường. Nhưng phải làm thế nào để các yêu cầu tìm nguồn cung ứng theo chỉ thị đối với hàng hóa Mỹ phù hợp với điều này? Vậy thì thị trường có nên quyết định mọi thứ không?
Mỹ dự định bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại mới với Trung Quốc
Trả lời những câu hỏi này, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: “Tôi là một người rất thực tế. Cần phải thực hiện các cam kết của mình. Và câu hỏi đặt ra không phải là tôi nhận thức tất cả những điều này về mặt tư tưởng như thế nào, mà là điều gì là cần thiết để đạt được kết quả, và những biện pháp nào sẽ mang lại hiệu quả".
Theo nhiều ước tính khác nhau, Trung Quốc đã thực hiện được 60% mục tiêu này. Năm nay, nếu mọi thứ diễn ra như ý, Trung Quốc chỉ có thể thực hiện 70% mục tiêu này. Mặt khác, có những yếu tố khách quan không phụ thuộc vào Trung Quốc cản trở việc thực hiện toàn bộ mục tiêu, ông Gabuev giải thích.
“Nói chung, Trung Quốc có một cái cớ khá hợp lý rằng đại dịch đã gây ra cuộc khủng hoảng. Thỏa thuận đã được ký kết vào tháng 1 năm 2020. Sau đó dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở Trung Quốc. Nhiều loại quặng và hàng hóa trao đổi đã giảm giá trị. Hiện nay, những mặt hàng này biến động giá, vì vậy làm thế nào Trung Quốc có thể thực hiện cam kết mua thêm nông sản và hydrocacbon khi đối mặt với sự gián đoạn trong hậu cần toàn cầu và hoạt động bất thường của thị trường thế giới. Theo tôi, trong điều kiện này Trung Quốc sẽ hoan nghênh việc hủy bỏ một số thuế quan và sẽ yêu cầu kéo dài thêm thời gian ân hạn (grace period)".
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Hoa Kỳ sẽ thực hiện những bước nào. Bà Katherine Tai cho biết, bà hy vọng có một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở với những người đồng cấp Trung Quốc, bao gồm cả Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Đại diện thương mại Mỹ cho rằng, cuộc trò chuyện nên làm rõ lập trường của Bắc Kinh. Hoa Kỳ phải hiểu đâu là lý do khiến Trung Quốc không thực hiện cam kết của mình, và tùy thuộc vào các lời đáp sẽ có những hành động tiếp theo.
Hợp đồng tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Úc là tuyệt mật vì lo ngại về phản ứng cứng rắn của Trung Quốc
Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương và Tập đoàn Rhodium được công bố hôm thứ Ba cho biết, Trung Quốc không tìm cách trở thành một nền kinh tế thị trường và không chủ trương thực hiện các cuộc cải cách trong lĩnh vực này. Về phần mình, bà Katherine Tai cũng lưu ý rằng, Trung Quốc có thể không thay đổi, vì thế Hoa Kỳ nên phát triển một chính sách để tương tác với một quốc gia như Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng, Hoa Kỳ đang tiến đến giai đoạn phát triển tâm lý được gọi là “chấp nhận sự thật”: những nỗ lực của họ nhằm thay đổi các quốc gia khác, áp đặt cho các nước khác mô hình dân chủ của riêng mình là một việc làm vô ích. Thất bại của Mỹ ở Afghanistan là một bằng chứng mới về điều này. Đồng thời Hoa Kỳ không có ý định cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận