Động thái này gây bất ngờ vì đây là lần đầu tiên Kho bạc Nhà nước - cơ quan tham mưu giúp Bộ Tài chính quản lý quỹ ngân sách nhà nước, thực hiện chào mua công khai ngoại tệ số lượng lớn như vậy.
Kho bạc Nhà nước chào mua công khai 150 triệu USD
Ngày 7/10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam chào mua công khai 150 triệu USD giao ngay từ các ngân hàng thương mại.
Theo thông báo từ Kho bạc Nhà nước, cơ quan của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết có nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại (NHTM) trong đợt chào 07/ĐTNT-2021.
Căn cứ vào thông báo của Kho bạc Nhà nước, khối lượng mua dự kiến trong đợt này là 150 triệu USD với loại hình giao dịch là ngoại tệ giao ngay.
Ngày giao dịch là 8/10 và ngày thanh toán dự kiến là 11/10 (đầu tuần sau).
Cần nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên Kho bạc Nhà nước chào mua công khai ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
“Việc chào mua ngoại tệ giao ngay từ ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước triển khai dựa trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng cho phép Bộ Tài chính chủ động mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng”, thông báo từ cơ quan tham mưu của Bộ Tài chính này nêu rõ.
Kho bạc Nhà nước cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai việc mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại để đảm bảo khả năng thanh khoản bằng ngoại tệ của Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước cũng mở rộng danh sách các ngân hàng thương mại dự kiến mua ngoại tệ để nâng cao tính cạnh tranh.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank…dao động từ nằm trong khoảng 22.855 - 22.868 VND/USD.
Ước tính theo mức giá trung bình khoảng 22.861 VND/USD, Kho bạc Nhà nước Việt Nam có thể sẽ phải bơm vào hệ thống ngân hàng khoảng 3.429 tỷ đồng trong đầu tuần tới nếu ghi nhận đủ 150 triệu USD chào mua ngoại tệ nêu trên.
Tức nếu tạm tính theo mức giao dịch từ 22.660-22.861 VND/USD, Kho bạc Nhà nước sẽ phải chi ra khoảng trên 3.430 tỷ đồng để thanh toán cho các ngân hàng thương mại ngay trong đầu tuần tới.
Trên thị trường ngoại hối tuần qua (27/9 - 1/10), tỷ giá USD/VND niêm yết ở các ngân hàng thương mại giảm nhẹ khoảng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua và bán.
Cuối phiên giao dịch tuần qua, tỷ giá mua – bán đô la Mỹ ở mức 22.630 - 22.860 đồng/USD (giảm khoảng 1,5% so với thời điểm cuối năm 2020).
Vì sao Kho bạc Nhà nước chào mua ngoại tệ công khai?
Như đã nêu trên, việc chào mua ngoại tệ giao ngay là một trong những nghiệp vụ mới được Kho bạc Nhà nước Việt Nam áp dụng với cơ sở là sự cho phép, ủng hộ phê duyệt của Thủ tướng.
Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ cho phép, tạo điều kiện để Bộ Tài chính chủ động mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu bằng ngoại tệ của Ngân sách Nhà nước Việt Nam.
Theo chính sách này, Kho bạc Nhà nước cũng đồng thời là đơn vị triển khai mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng.
Tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, ngoài nghiệp vụ mua ngoại tệ giao ngay như lần công khai mua 150 triệu USD này, cơ quan có chức năng tham mưu cho Bộ Tài chính quản lý quỹ ngân sách nhà nước này còn có thể bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Trong đó xác định rõ nguồn tiền dùng để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ là nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi.
Đồng thời, đây cũng là nghiệp vụ mới về quản lý nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016 của Chính phủ và mới được thực hiện từ tháng 4/2021.
Kho bạc Nhà nước vừa qua thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, Kho bạc chỉ thực hiện mua 347,85 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất bình quân khá thấp – 0,93%/năm. Mức này thấp hơn nhiều so với tháng 7, tháng 8.
Tính cả quý III/2021, tổng khối lượng giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc chỉ đạt 1.885,84 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với tổng hạn mức dự kiến được sử dụng để thực hiện nghiệp vụ này trong quý là 54.760 tỷ đồng.
Tiền sẽ tiếp tục được bơm ra thị trường?
Việc Kho bạc Nhà nước Việt Nam chào mua 150 triệu USD giao ngay, dù gây bất ngờ khi đây là lần đầu tiên công khai mua ngoại tệ, nhưng cũng có phần nào nằm trong dự đoán của SSI Research, trong đó lưu ý, trong tuần sẽ có thêm lượng tiền đồng được bơm ra ngoài thị trường thông qua các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn, thanh khoản hệ thống được dự báo ở mức dồi dào.
Theo đó, Bộ phận phân tích của SSI Research cho rằng, nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.
Theo SSI Research, số liệu cán cân thương mại ước tính trong tháng 9 từ Tổng cục Thống kê là đương đối tích cực khi Việt Nam trở lại xuất siêu 500 triệu USD. Cho rằng dù phải cần quan sát thêm số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, việc Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế và tập trung khôi phục lại hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm.
“Điều này cũng đồng thời giúp FDI giải ngân cũng có diễn biến tích cực hơn”, SSI Research nêu rõ.
Nhóm phân tích của SSI Research cũng tiếp tục quan điểm chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của HSBC, tỷ giá USD được dự báo sẽ giảm từ 22.750 VND/USD vào cuối quý III xuống 22.525 VND/USD vào cuối năm 2021 và đảo chiều về mức 23.000 VND/USD vào năm 2022.
Như Sputnik Việt Nam thông tin trước đó, theo danh sách "Major foreign holders of U.S. treasury securities as of June 2021" mà trang Statista công bố hồi tháng 8 vừa qua, Việt Nam đang là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Điều này cho thấy xu hướng tăng dần của dự trữ ngoại hối cũng như đa dạng hóa tài sản để dự trữ ngoại hối của Việt Nam.