Dự án Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc thiếu hợp tác, Việt Nam tính thế nào?

Dự án “bảo tàng” Cát Linh – Hà Đông tiếp tục làm nóng dư luận Việt Nam. Bộ GTVT lý giải nguyên nhân vì sao dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn, chậm tiến độ, chưa thể đưa vào khai thác thương mại.
Sputnik
Theo Bộ GTVT, Tổng thầu EPC Trung Quốc không thực hiện kết luận của Kiểm toán, thiếu hợp tác, từ chối thực hiện các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam vẫn nhắc khéo Trung Quốc về dự án Cát Linh – Hà Đông

Như Sputnik đã cập nhật, tại hội đàm cấp cao lãnh đạo Việt Nam – Trung Quốc, gần nhất là trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Vương Nghị, ngoài Biển Đông, các dự án ‘nóng’ như đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông tiếp tục được đề cập.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác “cùng có lợi”, phải đạt tiến triển thực chất theo đúng tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong đó, phía Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào đất nước nhưng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hai bên cần tích cực phối hợp, giải quyết một số khó khăn, tồn tại trong một số dự án hợp tác “điển hình” như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đẩy nhanh triển khi các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc.
Chuyên gia: “Trên thế giới chưa có dự án nào như Cát Linh – Hà Đông”
Trong cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính quyền Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc củng cố hợp tác thực chất, trong đó có phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc giữa hai bên.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019. Tuy nhiên, mãi đến nay vẫn chưa xác định được ngày vận hành chính thức.
Dự án có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu vào khoảng 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD).
Sau đó, có sự điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án Cát Linh – Hà Đông ‘có tính chất phức tạp’

Trong báo cáo dự thảo gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho biết nhiều nguyên nhân khiến dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể vận hành, khai thác thương mại, trong đó có nêu, Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu hợp tác.
Nêu rõ trong dự thảo báo cáo (dự kiến Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội) về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT khẳng định, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020.
Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu cũng được Bộ GTVT hoàn thành và gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến.
Dự án Cát Linh – Hà Đông 10 lần lỗi hẹn, phía Việt Nam hay Trung Quốc chịu trách nhiệm?
Tuy nhiên, theo phía Bộ GTVT, vì dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.
Hiện nay, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường.
Dự kiến hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021.
Bộ GTVT cũng nêu rõ, sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, cơ quan này sẽ bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định. Tuy nhiên, như đã biết, lãnh đạo Hà Nội sẽ chỉ nhận bàn giao dự án Cát Linh – Hà Đông khi dự án hoàn thiện toàn bộ, chứ không có chuyện bàn giao từng phần.
Liên quan đến vấn đề này, như Sputnik đã thông tin, hồi tháng 7 năm nay, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng các bộ, ngành, phối hợp với Hà Nội khẩn trương hoàn thành dự án.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, nỗ lực đưa dự án vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ, Chính phủ đã đôn đốc Bộ GTVT đẩy nhanh bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội.

Tổng thầu Trung Quốc thiếu hợp tác?

Trong dự thảo gửi Thủ tướng, Bộ GTVT một lần nữa nêu rõ nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đội vốn.
Trong đó, lãnh đạo Bộ GTVT nêu về việc giải phóng mặt bằng chậm, quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ. Cần nhắc lại, dự án Cát Linh – Hà Đông do chính Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
“Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật”, Bộ GTVT thừa nhận.
Với những nguyên nhân trên, dự án Cát Linh – Hà Đông phải điều chỉnh nhà ga tăng 2-3 tầng, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, thay đổi vị trí bãi đúc dầm… làm tăng tổng mức đầu tư lên 9.231 tỷ đồng (từ hơn 8.769 tỷ đồng lên hơn 18.001 tỷ đồng như chúng tôi đã thông tin trước đó – PV).
Đáng chú ý, cũng theo Bộ GTVT, vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay là việc thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu, bàn giao để vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT: Có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc đối với dự án Cát Linh - Hà Đông
Cụ thể, năm 2018, dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư.
Trên cơ sở kết luận của kiểm toán, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính, kế toán.
Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức EPC, việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp khó.
Cụ thể, tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (của Trung Quốc - được chỉ định trong hiệp định vay) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
“Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với dự án Cát Linh – Hà Đông, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục tập trung rà soát, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc để giải quyết dứt điểm vướng mắc trên.
Như Sputnik thông tin, hồi tháng 8 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, trong đó trao đổi về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, qua mấy đời Bộ trưởng GTVT, sắp “chạy thật”
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã thông qua Đại sứ Hùng Ba, đề nghị hai nước cần phối hợp thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc của một số dự án, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Hùng Ba cũng cam kết, nhất trí sớm hoàn tất một số dự án hợp tác trọng điểm trong đó có tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Như TS. Nguyễn Xuân Thủy từng nêu quan điểm, ông cho rằng, có lẽ trên thế giới chưa có công trình nào đạt nhiều dấu mốc đáng buồn như dự án Cát Linh – Hà Đông. Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, chuyên giao giao thông chỉ rõ nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm là do chúng ta chọn đối tác kém. Do không biết đối tác của mình từng thi công những công trình gì, có hiệu quả không, năng lực đến đâu để rồi khi vào Việt Nam thực hiện dự án yếu kém đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn về vấn đề công nghệ, tài chính, kể cả quan hệ quốc tế điều này được thể hiện rõ ở dự án Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, hợp đồng ký với đối tác cũng chưa có nhiều điều khoản ràng buộc về trách nhiệm, thời gian, hiệu quả tài chính dẫn đến dễ bị “dắt mũi”.
Một vấn đề khác cũng cần phải lưu tâm là xác định có hay không nhóm lợi ích, Chính phủ, Bộ GTVT cần đặc biệt lưu ý, lựa chọn nhân sự quản lý dự án, theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, cần tránh tình trạng cài cắm người thân cận để tạo ra lợi ích nhóm, bớt xén tiền của người dân.
“Nhìn sang nước Nga, chúng ta thấy tuyến Metro đầu tiên của họ chỉ 4-5 km, sau đó họ kéo dài ra dần và bây giờ những tuyến này dài hàng chục, hàng trăm kilomet, đó là một lưu ý trong vấn đề quy hoạch”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Thảo luận