Trước đó, Chủ tịch UBND của bốn tỉnh gồm TP.HCM, Bình Dương, Đắk Nông, Thừa Thiên – Huế không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng qua, theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thừa Thiên – Huế phản hồi vụ Chủ tịch tỉnh 18 tháng không tiếp dân lần nào
Ngày 12/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có văn bản phản hồi, lên tiếng thông tin sau khi bị nêu tên là một trong bốn vị Chủ tịch tỉnh không tiếp dân lần nào 18 tháng qua.
Văn bản do ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ký gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQVN) giải trình về việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Theo văn bản của tỉnh Thừa Thiên – Huế, vào ngày 22/9/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản số 2990/MTTW-BTT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giải trình việc tiếp công dân không đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết, trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Báo cáo số 270 ngày 29/7/2021 về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2021.
Văn bản cho biết báo cáo này bám sát đề cương theo yêu cầu của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, tại báo cáo số 270 này lại chưa nêu rõ việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải trình bổ sung.
Cụ thể, trong kỳ báo cáo (từ 1/1/2020 và 6 tháng đầu năm 2021 (đến 30/6/2021), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (lúc đó đương nhiệm là ông Phan Ngọc Thọ) đã tiếp công dân 10 ngày, với 54 lượt, 73 người.
Ngoài làm Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Ngọc Thọ còn là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Do đó, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, do bận rộn nhiều công việc nên ông Thọ đã ủy quyền cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ thay Chủ tịch tỉnh vào các ngày bận việc đột xuất.
“Việc ủy quyền tiếp công dân đảm bảo ít nhất tiếp công dân một ngày trong một tháng theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013”, văn bản của tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu rõ.
Chiều qua, 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nằm trong danh sách 4 Chủ tịch tỉnh/thành phố ‘không tiếp dân ngày nào’ trong vòng 18 tháng qua của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch 4 tỉnh không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng qua
Chiều 11/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý Báo cáo giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp.
Tại đây, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo một số kết quả giám sát.
Theo ông Vượng, hầu hết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều cơ bản tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc tiếp công dân của các tỉnh lại hầu hết không đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Cụ thể, Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên khắp Việt Nam “không đạt 50% theo quy định.
Cùng với đó, trong kỳ giám sát 18 tháng (từ 1/1/2020 đến 30/6/2021), nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người “không tiếp dân ngày nào”.
Thông tin cụ thể hơn, ông Vượng cho biết, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên cả nước là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, chỉ đạt 42% yêu cầu theo quy định (theo quy định 18 ngày/18 tháng).
“Đặc biệt, Chủ tịch UBND của bốn tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đắk Nông, Thừa Thiên - Huế, không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng (tức từ 1/1/2020 đến 30/6/2021)”, báo cáo giám sát chỉ rõ.
Ông Vượng cũng thẳng thắn, tại nhiều địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh lại đi ủy quyền cho các Phó Chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân đi tiếp dân thay cho mình.
Đó là những mặt tồn tại, còn ở góc độ tích cực hơn, có một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn.
Đồng thời, sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc.
“Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách”, báo cáo nhấn mạnh.
Đối với những vấn đề giám sát đã nêu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định biện pháp, chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết khiếu nại tố cáo chậm trễ, quá thời hạn, phát sinh các vụ việc bức xúc, tụ tập đông người, kéo dài.
Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm quy trình cũng như thời hạn giải quyết.
Phải coi công việc tiếp dân, gần dân, hỗ trợ dân là nhiệm vụ cần thiết, cần được ưu tiên và thực hiện nghiêm túc.