Ngoài ra, nhà máy thủy điện này cũng không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9 về xử lý việc tích nước.
Thủy điện Thượng Nhật có thể bị xử phạt thêm 500 triệu đồng
Ngày 21/11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam tại thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông). Nguyên nhân là thủy điện Thượng Nhật vi phạm các quy định về tích nước, không chấp hành nghiêm túc việc mở 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang củng cố hồ sơ để trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt thêm hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đó đã lập biên bản hành vi vi phạm này của Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam và gửi đề xuất lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị xử phạt. Với vi phạm này, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật có thể bị xử phạt mức tối đa 500 triệu đồng.
Ngày 18/11, sau khi nghiên cứu hồ sơ và làm việc với đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với đơn vị quản lý thủy điện Thượng Nhật.
Cụ thể, đơn vị này không thực hiện quan trắc và vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quy định tại khoản 3, Điều 16 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo quy định pháp luật, tổng mức xử phạt đối với hai hành vi vi phạm này là 130 triệu đồng đối với vi phạm quy định về giấy phép hoạt động điện lực.
Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, luật sư nói gì?
Theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên - Huế, dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng với hành vi vi phạm nhiều lần của thủy điện Thượng Nhật, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố tại Điều 238 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, với hành vi vận hành hồ chứa không đúng quy trình vận hành hồ chứa mà không thuộc trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và mặc dù hành vi trên chưa gây ra một trong các hậu quả được nêu tại khoản 1 Điều 238 BLHS, nhưng căn cứ theo quy định tại Điều 15 BLHS, thì cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt của tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS.
Trong trường hợp hành vi nêu trên là do cá nhân thực hiện thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên với mức hình phạt cao nhất là 1 năm 6 tháng tù theo quy định khoản 1 Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS. Nếu có tình tiết khác thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2, 3 Điều 238 BLHS thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao hơn.
Trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 75 BLHS thì Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam có thể đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tư cách là pháp nhân thương mại về tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS.
Theo đó, công ty sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, còn có thể bị phạt áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng (nếu không áp dụng là hình phạt chính), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm.