Trong khi đó, WB cho rằng, do mức giảm sâu lịch sử, có thể, tăng trưởng Việt Nam năm nay chỉ đạt từ 2 – 2,5%.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng Delta khiến rủi ro tăng lên, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
IMF: GDP Việt Nam tăng cao nhất nhóm 5 nước ASEAN
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong nhóm 5 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mức GDP dự kiến là 3,8% cho năm 2021.
Năm ngoái, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh xu hướng toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay 2021 có thể ở mức 3,8%, và sang năm 2022 đạt mức 6,6%.
Đây là các đánh giá dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khu vực châu Á, ASEAN được nêu trong báo cáo triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF (World Economic Outlook).
Chỉ số tăng GDP 3,8% cho năm 2021 và 6,6% cho năm 2022 của Việt Nam cũng là mức dự báo cao nhất so với các nước có lại gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, nước được dự báo có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay là Singapore với mức 6%. Hồi năm ngoái, đảo quốc sư tử có mức tăng trưởng âm 5,4%.
4 nước khác ngoài Việt Nam gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia năm 2020 đều tăng trưởng âm, do đó, năm nay, IMF dự báo những nước láng giếng trong khu vực này của Việt Nam chỉ tăng GDP dưới 3,5%.
Đáng chú ý, IMF còn dự báo, Thái Lan chỉ tăng 1% năm 2021, do năm ngoái GDP nước này tăng trưởng âm 6,1%.
So sánh dự báo của IMF và WB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Thực tế, có vẻ như IMF đánh giá lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 cũng như triển vọng phục hồi trong năm 2022.
Mức GDP dự báo 3,8% đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021 cao hơn đáng kể so với đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) là 2%-2,5%.
Như trước đó, Sputnik đã thông tin, hôm 13/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo kinh tế vĩ mô với GDP năm 2021 của Việt Nam, qua đó, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay – GDP chỉ đạt từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% cơ quan này công bố hồi tháng 8 vừa qua.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam không hẳn là không có cơ sở. Theo tính toán của WB, GDP quý 3/2021 của Việt Nam đã giảm gần 6,2% so cùng kỳ năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý.
Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4/2021, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2,5% là có thể xảy ra.
Cũng theo đánh giá mới nhất của WB, việc vận hành lại nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức như tình hình thị trường lao động xấu đi đáng kể, thể hiện tác động kinh tế bất lợi của đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế lớn.
Với thực tế này, việc nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB khá gần với ước tính của Ngân hàng Standard Chartered khi công bố mức tăng GDP của quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2021 có thể chỉ ở mức 2,7%.
Tuy nhiên, điểm chung trong dự báo của tất cả các thể chế tài chính lớn của thế giới này đối với nền kinh tế Việt Nam chính là niềm tin và sự lạc quan vào triển vọng phục hồi của một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu khu vực.
Standard Chatered kỳ vọng tốc độ hồi phục kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì mức dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%.
Cả IMF và WB trước đó đều đánh giá, nhờ nền tảng vững chắc, khả năng chống chịu tốt, dư địa tăng trưởng của Việt Nam vẫn hết sức lạc quan, thậm chí có thể phục hồi về tốc độ tăng trưởng thần kỳ như đã từng ghi dấu trước đại dịch ở mức 6-7% kể từ năm 2022 trở đi.
Nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo triển vọng kinhh tế toàn cầu của IMF, hai nền kinh tế đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có mức tăng GDP ấn tượng trong năm nay.
IMF dự báo Trung Quốc đạt mức tăng 8% và Ấn Độ tăng 9,5%. Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tăng lần lượt 2,4% và 4,3%.
Đặc biệt, theo các chuyên gia của IMF, nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng nhiều động lực gặp trở ngại bởi biến chủng Delta.
Chuyên gia của IMF thẳng thắn, trong khi hơn 60% dân số các nền kinh tế phát triển đã được tiêm vaccine đầy đủ, thậm chí nhiều nước còn tiến hành tiêm tăng cường thì 96% dân số ở những nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiếp cận vaccine.
Đời sống khó khăn, dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội ở những quốc gia này chịu “đòn giáng” mạnh hơn từ cú sốc và khủng hoảng do Covid-19.
IMF: Biến chủng Delta đe dọa nền kinh tế thế giới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, Covid-19, đặc biệt là biến chủng Delta vẫn đe dọa nền kinh tế thế giới với nhiều rủi ro khó lường. Thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng và sức ép giá cả đang kiềm chế đà phục hồi của các nền kinh tế.
Theo đó, việc dịch bệnh bùng phát mạnh ở các nước trong khu vực là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…) đã khiến làm cho nguồn cung bị gián đoạn kéo dài, tăng nguy cơ lạm phát ở nhiều quốc gia.
Do đó, tổ chức này đánh giá rủi ro với triển vọng kinh tế có thể tăng lên. Việc lựa chọn các chính sách trở nên khó khăn hơn và dư địa chính sách còn ít.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nhận định, lực lượng lao động tham gia vào thị trường kém hơn so với mức trước dịch. Đánh giá tổng thể, thị trường lao động ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển chịu ảnh hưởng, tổn thương nặng nề hơn thực tế diễn ra ở các nước phát triển.
So với dự báo đưa ra trước đó vào tháng 7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% và giữ nguyên mức dự báo 4,9% cho năm sau 2022.