Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng nhằm gỡ vướng cho các bất cập trong quy trình đầu tư dự án dầu khí tại Việt Nam hoặc liên quan đến Tập doàn Dầu khí Quốc gia Petrovietnam.
Góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam – PVN), ngày 14/10 vừa qua, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) đã tiến hành tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Sputnik từng thông tin cách đây không lâu, liên quan đến dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công Thương vừa qua đã tiến hành rà soát, chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phù hợp với quy định hiện hành.
Hội nghị ngày 14/10 có Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, cùng nhiều đại biểu là các Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam như đồng chí Nguyễn Quốc Thập, Lê Minh Hồng, Trần Ngọc Cảnh.
Ngoài ra, còn có Tổng Thư ký Nguyễn Huy Quý cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành, Văn phòng Hội Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, hôm 6/10, Hội Dầu khí Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến hội viên, đóng góp quan điểm hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Phó Chủ tịch VPA – TS. Nguyễn Quốc Thập chủ trì.
Thông tin về nội dung Hội nghị ngày 14/10, PVN cho biết, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, trao đổi về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Nội dung chủ yếu và các vấn đề được quan tâm nhiều nhất là cần tập trung làm rõ các điểm mấu chốt như vì sao phải sửa đổi Luật Dầu khí; quan điểm soạn thảo Luật Dầu khí; biện pháp để Luật Dầu khí đi vào thực tiễn…
Cùng với đó, các đại biểu cũng so sánh, đánh giá Luật Dầu khí trước đây và Luật Dầu khí hiện hành, đồng thời xác định rõ quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực thi Luật Dầu khí.
Làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất ý kiến về một số vấn đề quan trọng.
Trong đó, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San đã cùng các Phó Chủ tịch của Hội cùng các đại biểu đã đi sâu thảo luận nhiều nội dung đáng chú ý.
Trong đó có việc làm rõ quá trình đầu tư dự án về dầu khí tại Việt Nam. Riêng về vấn đề này, như trong thời gian qua chúng tôi đã đưa tin, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, bản thân là doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư giữa Luật Dầu khí, Luật Đầu tư...
Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ định lượng quy mô các dự án ngành Dầu khí, xác định quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia các dự án trong các hợp đồng dầu khí.
Cùng với đó là xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tình hình hiện nay. Đây là điểm hết sức đáng chú ý.
Các đại biểu cũng nhất trí rằng, trong quá trình thực thi có sự xung đột với các luật khác, phải lấy Luật Dầu khí làm quy chuẩn thực hiện. Ngoài ra, theo các đại biểu, cần có chính sách khuyến khích tốt hơn nữa về thuế để tăng cường thăm dò khai thác dầu khí, có đủ trữ lượng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Trong đó, xác định ưu đãi với việc thăm dò khai thác các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, thăm dò khai thác vùng nước sâu, xa bờ.
Đồng thời, các quan điểm cũng nhất trí cần có hướng dẫn chi tiết về thuế trong trường hợp giá dầu cao, giá dầu biến động thất thường...
Vì sao phải sửa đổi Luật Dầu khí?
Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cấp thiết.
Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được bổ sung một số quyền là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, nhất là sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay.
Ngoài vấn đề trên, dự thảo Luật Dầu khí mới cũng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh (như khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ở Biển Đông).
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc bổ sung quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán của PVN, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của hoạt động dầu khí (tham khảo quy định tại Nghị định số 36/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN).
Kết luận tại Hội nghị ngày 14/10, Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Quốc Thập khẳng định việc sửa đổi Luật Dầu khí là việc làm cấp bách, rất cần thiết đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Việc sửa đổi Luật Dầu khí cũng có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
“Hội Dầu khí Việt Nam với vai trò độc lập, cam kết sẽ góp ý trung thực để bổ sung, góp phần điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua, từ đó tạo cơ sở, hành lang pháp lý thuận lợi, hiệu quả cho các hoạt động dầu khí”, TS. Nguyễn Quốc Thập nêu rõ.
Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Trước đó, ngày 23/9/2021, Bộ Công Thương có Công văn số 5839/BCT-DKT gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ ngành, các đơn vị về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và Dự thảo Tờ trình Chính phủ, nội dung các Dự thảo này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin của Bộ Công Thương.
Viện Dầu khí Việt Nam kiến nghị gì?
Cũng liên quan đến Luật Dầu khí (sửa đổi), vừa qua, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã nêu một số ý kiến quan trọng nhằm “gỡ vướng” cho các bất cập trong quy trình đầu tư dự án dầu khí.
Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), thông thường, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai trên cơ sở hợp đồng dầu khí và Luật Dầu khí, với trình tự gồm các quy trình như tìm kiếm thăm dò, chuẩn bị phát triển mỏ, phát triển mỏ, khai thác, thu dọn công trình.
Giới chuyên gia cũng lưu ý, nếu coi các dự án tìm kiếm thăm dò (rủi ro cao do chủ yếu được thực hiện ở khu vực nước sâu xa bờ, chi phí lớn, điều kiện thi công khó khăn…) như các dự án đầu tư thông thường thì không thể thực hiện được vì thực tế ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò chưa thể khẳng định hiệu quả dự án. Đó là đặc thù của ngành dầu khí.
Do vậy, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, như: Luật Dầu khí, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho những trường hợp đặc biệt.
Về Luật Dầu khí, VPI cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về hồ sơ, quy trình thẩm định và phê duyệt hợp đồng dầu khí, nhất là các dự án dầu khí có sự tham gia của nhà thầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hoặc doanh nghiệp có vốn góp của Petrovietnam.
Theo đó, ngay từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, hồ sơ đề nghị thẩm định cần bổ sung báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư (đối với các dự án phát triển khai thác dầu khí) hoặc đánh giá mức độ rủi ro đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí (đối với các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí) tương ứng với phần tham gia của Petrovietnam hoặc doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đề xuất phương án vốn khi tham gia hợp đồng dầu khí.
Viện Dầu khí cho rằng, Luật Dầu khí cần bổ sung trình tự thẩm định, phê duyệt các báo cáo khi thực hiện các hoạt động dầu khí như Báo cáo đánh giá trữ lượng - RAR, Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí - ODP, Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí - FDP, Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí - EDP và Kế hoạch thu dọn các công trình dầu khí).
Ngoài ra, VPI cũng đề nghị bổ sung trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt chương trình thăm dò dầu khí mở rộng... để có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động dầu khí thay vì quy định trong nhiều văn bản hướng dẫn càng dễ gây khó hiểu, chồng chéo.
Cùng với đó, VPI cũng cho rằng, việc thực hiện các thủ tục sửa đổi, bổ sung kế hoạch phát triển mỏ dầu khí chỉ nên được thực hiện trong các trường hợp như chi phí thực tế của dự án dự kiến vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong kế hoạch phát triển mỏ từ 15% trở lên; hoặc bổ sung các hạng mục công trình dầu khí cơ bản: Giàn khai thác, tàu chứa dầu (FSO/FPSO) so với kế hoạch phát triển mỏ đã được phê duyệt.
Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam cũng đề xuất bổ sung đối với Luật Dầu khí và văn bản dưới luật, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trong việc xây dựng các công trình khí (đường ống, trạm xử lý khí) trên bờ thuộc các dự án thăm dò khai thác có khai thác khí và mở rộng thêm khâu vận chuyển khí về bờ và đến hộ tiêu thụ cuối cùng và bổ sung quy định trong lập, thẩm định Báo cáo FDP tổng thể tương ứng (thống nhất với các quy định liên quan trong Luật Xây dựng).