Không ai có thể phủ nhận tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của đường Hồ Chí Minh trên biển, những “đoàn tàu không số” đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kỳ tích thể hiện nét độc đáo nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Từ đường Hồ Chí Minh trên biển, Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm, nền tảng để xây dựng chiến lược bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia ở Biển Đông, khi sau hơn 35 năm đổi mới, sức mạnh, uy tín quốc gia và tình hình khu vực, thế giới đã có nhiều biến động.
Quyết định lịch sử mở Đường Hồ Chí Minh trên biển
Như đã biết, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến hậu cần chiến lược trên Biển Đông, đảm bảo nhiệm vụ vận tải quân sự đặc biệt, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông, khiến kẻ thù phải nể trọng.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), nhiều nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật quân sự, quốc phòng Việt Nam đã nói về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học của tuyến hậu cần vận tải quân sự chiến lược này.
Theo Đại tá Chu Văn Lộc, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã bảo đảm chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam.
Năm 1959, cùng với việc mở tuyến chi viện chiến lược trên bộ vượt dãy Trường Sơn (Đoàn 559), Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở tiếp tuyến chi viện chiến lược đường biển.
Theo phân tích của Đại tá Lộc trên TTXVN, do khó khăn về điều kiện phương tiện cũng như nguồn nhân lực, nên tuyến chi viện bằng đường biển chưa thành công. Phải đến năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp.
Mỹ - chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách đối phó, chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965).
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện chiến trường miền Nam, cực Nam Trung Bộ, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết thành lập Đoàn vận tải biển 759 có nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”.
Chuyên gia của Viện Chiến lược Quốc phòng nhấn mạnh, quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong điều kiện địch tổ chức ngăn chặn, phong tỏa rất gắt gao là một quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam.
“Đó vừa là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Đại tá Chu Văn Lộc nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự nêu trong bài viết trên QĐND, Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm bên bờ Biển Đông, lịch sử dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với vai trò của Biển Đông.
Như đã biết, đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Trường Sơn trên bộ là hai tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Sáu thập kỷ đã trôi qua, nhưng kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển còn vang vọng mãi, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, dù lượng vũ khí, hàng hóa vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh ít hơn so với đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng ý nghĩa của tuyến vận tải này là vô cùng quan trọng.
Nhiệm vụ vận tải quân sự chiến lược
PGS.TS Nguyễn Văn Sáu cho biết, đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi “thọc sâu, vu hồi” lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 chưa thể vươn tới được, và kẻ địch không ngờ tới sự sáng tạo, táo bạo của Việt Nam.
PGS.TS Sáu cho hay, vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả vận chuyển. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hơn 80.000 cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, trong thời khắc quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã thần tốc vận chuyển gần 9.000 tấn vũ khí hạng nặng trong đó có 50 xe tăng, đại pháo, đưa gần 19.000 cán bộ chiến sĩ vượt 66.000 hải lý tham gia chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, đường Hồ Chí Minh trên biển đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam với một quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đó là “dám đánh, biết đánh, biết thắng và quyết thắng” đế quốc Mỹ xâm lược.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ này, các lực lượng, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, huấn luyện chu đáo, kể cả các lực lượng hiệp đồng tác chiến, tạo điều kiện thuận lợi để công tác vận tải đạt kết quả cao nhất.
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển còn được tạo nên bởi các thế hệ chiến sĩ của Đoàn tàu không số luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Theo Đại tá Chu Văn Lộc, thực tế, trong những ngày đầu mới hoạt động, hiểu biết, kinh nghiệm vận tải quân sự biển của Việt Nam chưa nhiều, quân địch thì đánh phá ác liệt, gây nhiều khó khăn.
“Nhưng với phương châm hoạt động bí mật bất ngờ, thần tốc, táo bạo, sử dụng linh hoạt nhiều loại tàu thuyền, nhiều cung, nhiều tuyến vận tải khác nhau, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam”, Đại tá Chu Văn Lộc nêu rõ.
Chuyên gia của Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho hay, khi tuyến vận tải đường biển này được khai thông, Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên, biểu dương và căn dặn rút kinh nghiệm cho các chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam, để Bắc – Nam sớm sum họp một nhà.
Đại tá Lộc thông tin, trong suốt 14 năm hành trình, đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125 Quân chủng Hải quân) cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải có tuyến đường đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa đón hơn 80.026 lượt cán bộ chiến sĩ, chuyển 152.760 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chiến công và thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ý nghĩa của đường Hồ Chí Minh trên biển và công cuộc bảo vệ Tổ quốc
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện cho ý chí, khát vọng và quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – tuyến đường của “thế trận lòng dân”.
“Đây là bài học để hôm nay, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Theo Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc ở mọi thời đại, từ đó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nâng lên tầm cao mới – từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa, đồng thời, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) có thể khẳng định, không một hoạt động tác chiến nào mà giữa cái sống, cái chết lại mong manh như khi thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến tàu của Đường Hồ Chí Minh trên biển”, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu nói.
Điều này có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay – giỏi vị trí của mình, biết vị trí của người khác, làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, từ đó xây dựng niềm tin, nâng cao năng lực chiến thắng mọi kẻ thù trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Đại tá Chu Văn Lộc cho rằng, Việt Nam đang phải tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vưng chắc Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động. Tại khu vực Đông Nam Á, việc tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo còn diễn ra căng thẳng, phức tạp.
“Sự ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”, Đại tá Chu Văn Lộc cho biết.
Theo ông, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Nhiệm vụ chi viện bảo đảm cho các hướng, các địa bàn chiến lược, trong đó trên biển, đảo là hết sức phức tạp và nặng nề, do vậy, vận dụng được các bài học kinh nghiệp từ đường Hồ Chí Minh trên biển là vô cùng cấp thiết.
Về hợp tác đa phương, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu của Viện Lịch sử Quân sự cho rằng, những đoàn tàu không số đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất, tinh thần của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, khó lường như hiện nay, lực lượng trong Quân chủng Hải quân phải tiếp tục phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số, xây dựng đơn vị tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Sáu cho rằng, cần tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển, luôn là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng có cùng quan điểm này, Đại tá Chu Văn Lộc nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển, phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần mở rộng chính sách liên kết ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, tạo ra những đối tác đan xen lợi ích để phát triển kinh tế biển.
“Thông qua đó, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạn chế âm mưu lấn chiếm biển đảo của các thế lực thù địch, tạo thế và lực mới để giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp trên biển, đảo với các nước có liên quan”, Đại tá Chu Văn Lộc nêu rõ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển, ưu tiên du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Từ đó, phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.
Theo Đại tá Lộc, còn một yếu tố quan trọng nữa chính là không ngừng tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tiếp tục xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh.
Chuyên gia lưu ý đến việc kết hợp giữa an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trên các vùng biển đảo hợp lý.
“Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng, an ninh trên biển. Đây là chủ trương chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước”, Đại tá Lộc nhấn mạnh.
Việt Nam cũng cần chú trọng đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về biển, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
“Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”, Đại tá Chu Văn Lộc lưu ý.