Qua khảo sát, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cho biết họ hiện không có ý định chuyển đi bất kỳ nơi nào khác vào giai đoạn này.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, không chỉ có một nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng, Việt Nam còn sở hữu điều kiện địa lý đa dạng từ núi cao, rừng rậm đến biển khơi, đồ ăn tuyệt vời và những con người thân thiện dễ mến.
Chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam xếp thứ hai thế giới về mức độ lạc quan
Vừa qua, Ngân hàng HSBC đã triển khai một nghiên cứu khảo sát mang tên Expat Explorer lần thứ 14, trong đó thu thập ý kiến của hơn 20.000 người đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến gần 65% chuyên gia nước ngoài cho biết vẫn lạc quan về tương lai trong vòng 1 năm tới, mặc cho những khó khăn trong 18 tháng qua.
Theo ý kiến của những người tham gia khảo sát, điều khiến họ lạc quan nhất là niềm hy vọng quay về cuộc sống bình thường (75%).
Có khoảng 61% chuyên gia cho biết cảm thấy tích cực với chất lượng cuộc sống mà họ có thể tận hưởng.
Nhóm lạc quan nhất là các chuyên gia ở Đài Loan (85%), theo sát sau đó là các chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, New Zealand và Úc (cùng đạt 83%).
Có thể thấy, hầu hết các chuyên gia đang sống ở nước ngoài đều dự định tiếp tục ở lại nơi họ đang sống trong tương lai gần, bất chấp những khó khăn mà đại dịch mang lại trong thời gian qua.
Việt Nam đứng thứ 19 thế giới về nơi để sống và làm việc
Có 80% chuyên gia cho biết muốn tiếp tục sống ở nước sở tại trong ít nhất 1 năm tới. Chỉ có khoảng 7% dự định rời đi.
Có 67% chuyên gia cho rằng, chất lượng cuộc sống ở quốc gia sở tại là tốt hơn. Tính chung, có khoảng hơn 46% chuyên gia cảm thấy rằng cộng đồng nơi họ đang sống đã thay đổi theo hướng hỗ trợ nhiều hơn trong mùa dịch Covid-19.
Đặc biệt, con số này ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn, với 51% chuyên gia nước ngoài ghi nhận rằng, cộng đồng địa phương giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn từ khi dịch bệnh xảy ra.
Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam đã lọt top 5 nước tốt nhất để sinh sống và làm việc trong năm 2021 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tính chung trên toàn thế giới, Việt Nam đứng thứ 19, được nâng lên 3 bậc so với trước đây.
Cầu Long Biên, Hà Nội
© AFP 2023 / Manan Vatsyayana
Theo Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans, tinh thần lạc quan đang dâng lên nhờ việc triển khai vaccine đang diễn ra nhanh chóng hơn, đồng nghĩa với việc cuộc sống bình thường sẽ sớm quay trở lại.
“Ở Việt Nam, điều đó còn đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại với một đất nước năng động và thú vị”, ông Tim Evans nói.
Theo lãnh đạo HSBC Việt Nam, không chỉ có một nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng, quốc gia này còn sở hữu điều kiện địa lý đa dạng từ núi cao, rừng rậm đến biển khơi, đồ ăn tuyệt vời và những con người thân thiện dễ mến.
“Là một chuyên gia nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, tôi không muốn chuyển đi bất cứ nơi nào khác trong giai đoạn đặc biệt hiện nay”, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định.
Khảo sát cũng tiếp cận đến vấn đề tài chính của các chuyên gia nước ngoài, nhằm đánh giá các mục tiêu về tài chính của họ trong năm 2021.
Kết quả cho thấy, có 60% số chuyên gia kỳ vọng sẽ tiết kiệm để nghỉ hưu. Có 31% mong muốn tạo dựng một quỹ tiết kiệm khẩn cấp và 30% mong muốn tiết kiệm để mua sắm tài sản.
Có 23% số người được hỏi cho biết họ mong muốn tiết kiệm hoặc đầu tư tiền của vào giáo dục cho con cái.
Việt Nam ngày càng được yêu mến
Nghiên cứu Expat Explorer là một khảo sát chuyên sâu và toàn diện về chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu. Năm nay 2021, Expat Explorer của HSBC đã đem lại cái nhìn bao quát nhất về cuộc sống của chuyên gia nước ngoài, khi thu thập ý kiến từ các chuyên gia đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.
YouGov đã thực hiện lấy ý kiến từ 20.460 chuyên gia trên 18 tuổi đang sống xa quê hương, tại 143 quốc gia, vùng lãnh thổ và thị trường, bằng cách thu thập các câu trả lời từ bảng câu hỏi trực tuyến trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2021.
Điều kiện để một địa phương có mặt trong bảng xếp hạng là địa phương đó phải có tối thiểu 100 người đóng góp ý kiến. Trong cuộc khảo sát năm nay, có 46 địa phương đáp ứng điều kiện để được xếp hạng.
Sinh viên Việt Nam và người nước ngoài
© Depositphotos.com / Vinhdav
Như Sputnik đã thông tin, vừa qua, tác giả cuốn sách The Value Compass (tạm dịch là "La bàn giá trị") Mandeep Rai đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, những điều đặc biệt ở dân tộc, con người Việt Nam.
Bà Rai đánh giá, Việt Nam là “một đất nước tiến bộ”. Tác giả cũng đã dùng từ “resilence”, tức “sự kiên cường, bất khuất” hay “khả năng phục hồi” để miêu tả những điều tuyệt vời mà Việt Nam đã làm được.
“Việt Nam đã cho nhân loại hiểu hơn về ý nghĩa thực sự của “sự kiên cường" khi trải qua một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất vào cuối thế kỷ 20, và đã đứng vững trước những cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới”, bà Rai nói.
Nhà văn này đánh giá, sự phục hồi của Việt Nam sau chiến tranh là một điều phi thường, đồng thời là một minh chứng cho sự kiên cường của con người, đất nước và dân tộc này.
Việt Nam chưa bao giờ đầu hàng trước khí hậu khắc nghiệt, cũng tương tự như cách họ vẫn luôn “bất bại” trước những đe dọa về quân sự hay kinh tế. Dù trong bất kỳ điều kiện nào, Việt Nam đều sẽ tìm cách vượt qua. Thậm chí, họ còn thể hiện tốt cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện càng khó khăn thì sự kiên cường và khả năng thích nghi của Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ.
Việt Nam luôn bao dung, rộng lượng, yêu hòa bình, luôn hướng về những điều tốt đẹp nhất.
“Việt Nam là một tấm gương về khả năng phản ứng khi gặp nghịch cảnh”, bà Mandeep Rai nhấn mạnh và chính điều đó khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư, người nước ngoài, khách du lịch, cộng đồng quốc tế thêm yêu mến Việt Nam.