Theo VCSC, trong 9 tháng đầu năm 2021, VCSC ghi nhận doanh thu 2.584 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.267 tỷ đồng, tăng trưởng ba chữ số và vượt kế hoạch năm.
Tình hình kinh doanh của Chứng khoán Bản Việt
Ngày 20/10, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt VCSC (mã chứng khoán VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ nổi tiếng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021.
Cần nhấn mạnh rằng, với báo cáo tài chính vừa công bố, đặc biệt là mức lãi hơn 1.030 tỷ đồng sau thuế, 1.267 tỷ đồng trước thuế, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng là một trong 6 công ty chứng khoán tại thị trường Việt Nam báo lãi nghìn tỷ.
Cụ thể, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chỉ xếp sau các ‘ông lớn’ chứng khoán khác như TCBS (2.847 tỷ đồng), SSI (2.063 tỷ đồng), VNDirect (1.822 tỷ đồng). VCSC với mức lãi trước thuế 1.267 tỷ đồng đứng thứ tư, sau đó là HSC (1.151 tỷ đồng), SHS (1.028 tỷ đồng).
Theo bản báo cáo tài chính do Phó Tổng Giám đốc VCSC Đinh Quang Hoàn ký cho thấy, mức lợi nhuận tăng hơn 10% so với quý 3/2020.
Chứng khoản Bản Việt cho biết doanh thu thuần tăng mạnh 228% và lợi nhuận trước thuế quý III đều tăng trưởng ba chữ số (mức tăng 245%) so với cùng kỳ 2020, lần lượt đạt khoảng 922 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và giá trị giao dịch tăng mạnh trên thị trường (286%) so với cùng kỳ năm trước nên các mảng kinh doanh đều vô cùng “thuận buồm xuôi gió”.
VCSC cũng cho hay, một số giao dịch trong hoạt động tư vấn đã được hoàn thành và ghi nhận trong kỳ vừa qua.
Ngoài ra, công ty còn thực hiện hoá lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu bán tài sản tài chính nhảy vọt đáng kể ở mức 502% so với cùng kỳ.
VCSC cũng nhấn mạnh, mảng đầu tư dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu với gần 47% và 63% lợi nhuận quý này.
Mảng môi giới xếp thứ hai khi đóng góp gần 25% doanh thu, tăng 172% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 229 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận mảng này tăng 200% lên 71 tỷ đồng cho dù ban lãnh đạo cho biết vẫn theo đuổi chiến lược không chạy đua thị phần môi giới trong nước mà tập trung tối đa hoá lợi nhuận.
VCSC của bà Nguyễn Thanh Phượng lãi vượt cả năm
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mà Bản Việt mới cập nhật, nguồn thu còn lại đến từ cho vay ký quỹ với 17% và ngân hàng đầu tư 12%.
Cùng với đó, các hoạt động giao dịch từ khối khách hàng trong nước duy trì ở mức cao giúp hỗ trợ doanh thu môi giới cá nhân tăng 200%.
Hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện giúp doanh môi giới tổ chức tăng 142%. Chứng khoán Bản Việt hiện đứng thứ 5 về thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Đối với mảng ngân hàng đầu tư (IB), VCSC ghi nhận doanh thu 102 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 44 tỷ đồng (so với mức lợi nhuận trước thuế 33 tỷ đồng trong quý III/2020 và lỗ trước thuế 5 tỷ đồng trong quý II/2021).
Riêng mảng tự doanh ghi nhận doanh thu 433 tỷ đồng, tăng mạnh 368% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 529% khi công ty chốt lời tại các cổ phiếu như TCB, VPB, và DGC.
Về phẩn mảng cho vay ký quỹ ghi nhận doanh thu 158 tỷ đồng trong quý, tăng mạnh 166% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 32 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Đồng thời, mức dư nợ cho vay ký quỹ của VCSC đạt 6.449 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối quý 2/2021 và tăng 66% so với đầu năm 2021 này.
Đáng chú ý, VCSC cho biết bộ phận ngân hàng đầu tư đã thực hiện các giai đoạn cuối của một số thương vụ lớn trong 9 tháng đầu năm, điển hình là bán 49% cổ phần của FE Credit cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), nhưng chưa ghi nhận doanh thu vì thương vụ vẫn đang hoàn tất thủ tục.
Luỹ kế 9 tháng, công ty có doanh thu thuần hơn 2.584 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm 26%. Lợi nhuận trước thuế cũng vượt kế hoạch 1% khi đạt 1.267 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 146% lên 1.031 tỷ đồng. Cần nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên VCSC vượt con số 1.000 tỷ đồng.
Tổng vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Bản Việt tính đến cuối tháng 9 (hết quý III/2021) đạt 6.338 tỷ đồng, tăng 20%.
Tổng tài sản tăng 5.280 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 13.660 tỷ đồng. Giá trị cho vay chiếm khoảng 6.450 tỷ đồng trong số này, tăng 2.500 tỷ đồng.
Như chúng tôi trước đó đã thông tin, năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.050 tỷ và lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng, công ty đã có lợi nhuận trước thuế 1.267 tỷ đồng và vượt kế hoạch năm.
Đồng thời, thu nhập trên mỗi phiếu (EPS) đạt 3.100 đồng, tăng 145% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,5% cho 9 tháng đầu năm (là 31,1% nếu loại trừ chênh lệch từ đánh giá lại tài sản theo giá thị trường được ghi nhận trong vốn chủ sở hữu), VCSC cho biết.
Chứng khoán Bản Việt tối đa hóa lợi nhuận
Trước đó, doanh nghiệp của bà Thanh Phượng luôn khẳng định việc theo đuổi chiến lược tối đa hóa lợi nhuận.
VCSC không tập trung chạy đua thị phần môi giới trong nước nên duy trì mức sinh lời vượt trội so với ngành. Công ty cũng không huy động vốn mới trong năm nay, do đó chỉ số EPS cũng tăng trưởng cao.
VCSC cũng tăng cường vay nợ lên 6.333 tỷ đồng, tăng 88% so với thời điểm đầu năm.
“Tất cả các khoản nợ đều là nợ ngắn hạn và chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động cho vay ký quỹ”, Chứng khoán Bản Việt khẳng định.
Trước đó, Chứng khoán Bản Việt cũng đã thông qua kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu với lần chào bán thứ 6 trong năm nay với giá trị huy động 200 tỷ đồng, lãi suất cố định 8%/năm và kỳ hạn 2 năm.
Doanh nghiệp của ái nữ nhà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn huy động vốn để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và thanh toán chi phí liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu.
Từ đầu năm tới nay, Chứng khoản Bản Việt đã huy động 5 đợt chào bán trái phiếu, với tổng vốn thu về khoảng 730 tỷ đồng.