Theo kênh CGTN của Trung Quốc ngày 19/10, nhóm tiêm kích của hải quân Trung Quốc diễn tập bay thấp để né radar, sau đó thả bom, phóng rocket vào mục tiêu giả định trên Biển Đông. Như vậy, theo nguồn tin này, vừa mới đây, đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia về các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng về động thái trên của Trung Quốc để có thể hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra hiện nay ở Biển Đông.
Chiêu thức “mập mờ thông tin” của Trung Quốc
Sputnik: Kênh CGTN của Trung Quốc ngày 19/10 сó công bố đoạn video các tiêm kích bom JH-7 của đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông vừa mới đây, tuy nhiên không có nêu vị trí và thời gian cụ thể. Ông có thể cho bình luận về động thái này của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế:
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982), Trung Quốc có hải phận của mình ở Biển Đông bao gồm phía Đông Vịnh Bắc Bộ (đã phân định với Việt Nam bởi Hiệp định được ký năm 1999), lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế từ đảo Hải Nam đến đảo Đài Loan. Trên vùng biển mà UNCLOS-1982 phân định cho Trung Quốc một cách hợp pháp, hợp lệ thì Trung Quốc có quyền tiến hành các hoạt động triển khai vũ khí và tập trận. Tuy nhiên, nếu cuộc tập trận diễn ra trên các vùng biển ngoài khu vực lãnh hải của Trung Quốc thì nước này phải thông báo cho các bên liên quan theo quy chế về tự do, an toàn hàng hải và hàng không đã được UNCLOS-1982 quy định.
Việc CGTN của Trung Quốc chỉ đăng tin về cuộc tập trận của không lực hải quân Trung Quốc trên Biển Đông chưa thể coi là một thông tin chính thức. Trong quan hệ đối ngoại trên biển, UNCLOS-1982 yêu cầu các quốc gia khi tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh hải của mình phải thông báo chính thức bằng văn bản cho các bên có liên quan. Vì vậy, việc CGTN đăng thông tin về cuộc tập trận này và việc một số cơ quan truyền thông của Việt Nam đăng lại có thể dẫn đến hai hiệu ứng sau đây:
Trước hết, thông tin mà CGTN đăng lên cũng chứa đựng những sự mập mờ nhất định. Nếu cuộc tập trận diễn ra trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc thì họ không cần phải thông báo chính thức. Vì vậy, cách đưa tin tin mập mờ của CGTN và được báo chí Việt Nam đăng tải lại cũng mập mờ như vậy có thể là một “cái bẫy thông tin”. Cái bẫy này rất nguy hiểm ở chỗ nó rất dễ kích động những sự hiểu lầm của các bên và có thể gây ra những va chạm không đáng có, ít nhất là trong dư luận của dân chúng, đặc biệt là trên không gian mạng ở Việt Nam vốn có nhiều người chống Trung Quốc một cách cực đoan.
Tiếp theo, những thông tin mà CGTN đăng lên cũng lại chứa đựng một sự mập mờ khác nữa. Đó là CGTN đã “mặc định” coi Biển Đông là vùng biển của Trung Quốc theo thuyết về cái gọi là “vùng nước lịch sử” mà dư luận quen gọi là “đường lưỡi bò”. Logic của hành động mập mờ này rất đơn giản: Một khi Trung Quốc mặc định vùng “đường lưỡi bò” là vùng biển của Trung Quốc thì họ sẽ không phải “báo cáo” cho ai cả! Chiêu thức “mập mờ thông tin” này được truyền thông Trung Quốc sử dụng liên tục từ cuối thế kỷ XX đến nay và vẫn tiếp tục sử dụng để yểm trợ cho “cái lưỡi bò” của họ.
Trung Quốc coi các hoạt động tăng cường quân sự trên biển của họ là biện pháp đáp trả sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ và phương Tây tại Biển Đông.
Sputnik: Không quân hải quân Trung Quốc tổ chức cuộc diễn tập trong bối cảnh trên Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, nhất là khi Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ tăng cường điều tàu tới khu vực này.
Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Trung Quốc trong tình hình nói trên?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế:
Việc Không lực hải quân Trung Quốc tăng mật độ và cường độ tổ chức diễn tập quân sự trên Biển Đông là nhằm đáp trả các hoạt động quân sự của Mỹ và phương Tây trên vùng biển này. Từ mùa hè năm 2021 đến nay, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia… đã điều động nhiều tàu nổi, tàu ngầm, tàu sân bay đến Biển Đông và Biển Hoa Đông để tập trận với lý do được tuyên bố là để bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không trên các vùng biển này. Một số giới chức quân sự Mỹ và phương Tây cũng nói thẳng rằng, các hoạt động quân sự của họ nhằm ngăn chặn sự “trỗi dậy hung hăng” của Trung Quốc. Còn các nhà nghiên cứu và phân tích chính trị-kinh tế-quân sự trên thế giới thì cho rằng, Mỹ đang lập ra một liên minh quân sự chống Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn tham vọng “Vành đai-Con đường” có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt của Trung Quốc, trong đó nổi lên là các lợi ích chính trị và kinh tế.
Nếu đứng ở vị trí của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy họ có lý do để cảnh giác và tăng cường đề phòng. Trước hết là “Liên minh bộ tứ” (Quard) gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia đã được kích hoạt trở lại. Mỹ Anh và Australia cũng vừa thiết lập một liên minh quân sự (AUKUS) để kiểm soát liên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cho dù giới chính trị-quân sự Mỹ và phương Tây có thể công khai, hoặc không công khai, hoặc công khai một phần chiến lược hoạt động của họ thì với “bản năng tự vệ”, Trung Quốc luôn nhận thức rằng, các liên minh đó lập ra để nhằm mục đích chống Trung Quốc trước hết và trên hết. Vì vậy, điều rất dễ hiểu là mật độ, cường độ các cuộc tập trận của Trung Quốc đang gia tăng tỷ lệ thuận với mật độ và cường độ hoạt động tập trận của các lực lượng Mỹ và phương Tây ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc coi các hoạt động tăng cường quân sự trên biển của họ là biện pháp đáp trả sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của hải quân Mỹ và phương Tây trên các vùng biển này.
Việt Nam đang theo dõi sát hoạt động của các bên ở Biển Đông
Sputnik: Việt Nam sẽ có phản ứng như thế nào về động thái nói trên của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia các vấn đề quân sự và chính trị quốc tế:
Hiện nay, Việt Nam đang theo dõi sát hoạt động của các bên ở Biển Đông và luôn giữ lập trường linh hoạt, mềm dẻo một cách có nguyên tắc đã được nêu rõ trong “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019”. Nếu các hoạt động tập trận quân sự không chỉ của Trung Quốc mà của bất kỳ nước nào xâm phạm vùng biển của Việt Nam đã được UNCLOS-1982 quy định, xâm phạm chủ quyền của Việt nam thì chắc chắn Việt Nam sẽ có các biện pháp để đối phó và mức độ đối phó sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình thực tế. Còn nếu các hoạt động đó không xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam tuy không phản đối nhưng cũng sẽ có tiếng nói kêu gọi các bên kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng để bảo đảm an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sputnik: Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi thú vị.