Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, bóng gió về ‘kẻ thù truyền kiếp’ và phản ứng của Việt Nam

Ông Kim Jong-un tuyên bố ‘kẻ thù truyền kiếp’ của Triều Tiên không phải Hàn Quốc hay Mỹ mà chính là chiến tranh, và để phô trương sức mạnh nền công nghiệp hạt nhân, Bình Nhưỡng đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Sputnik
Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã họp kín về vấn đề Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Việt Nam kêu gọi các bên nhanh chóng đàm phán “sớm nhất có thể”, tránh hành động gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Vì sao Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo?

Như Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới.
Cần nhấn mạnh rằng, việc Triều Tiên thử nghiệm thành công mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới góp phần đưa kho vũ khí hạt nhân, nền công nghiệp hạt nhân của Bình Nhưỡng vươn lên thêm một tầm cao khác.
Theo KCNA, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm “8.24 Yongung” (mẫu tàu ngầm từng thử nghiệm thành công SLBM đầu tiên của Bình Nhưỡng 5 năm trước) trên địa phận thành phố Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông.
Triều Tiên xác nhận vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm
Theo cơ quan thông tấn trung ương của Triều Tiên, SLBM mới với công nghệ dẫn đường hiện đại, sẽ đóng góp lớn vào việc đưa công nghệ quốc phòng của Bình Nhưỡng lên tầm cao mới và củng cố năng lực hoạt động ngầm dưới nước của Hải quân Triều Tiên.
Nếu thực sự được xác nhận là SLBM, đây là vụ thử SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 2 năm qua và là vụ thử vũ khí thứ 8 từ đầu năm 2021 này. Hiện nay, dù Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) chưa chính thức xác nhận loại tên lửa, lộ trình thông tin chi tiết vụ thử vật thể, tuy nhiên, khả năng rất lớn đây có thể là loại tên lửa mới, tiên tiến, đã được trưng bày tại triển lãm phát triển quốc phòng mà Triều Tiên tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên trước đó như Sputnik đã thông tin.
Cũng theo giới quan sát, căn cứ vào số lượng và địa điểm thử, rất có thể, đây là một loại SLBM tầm ngắn tiên tiến mới.
Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần tuyên bố về tăng cường khả năng quân sự và sức mạnh phòng thủ của Bình Nhưỡng. Có thể thấy, vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên khiến thế giới lo ngại bởi thực tế này cho thấy, Triều Tiên dường như đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình SLBM, vì tên lửa được phóng từ tàu ngầm chứ không phải trên mặt đất hay tàu nổi như thông thường. Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có thể đã tới gần hơn với việc đưa SLBM vào hoạt động.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa, đặc biệt là tập trung phát triển SLBM là nhằm củng cố, phô trương sức mạnh quân sự và vị thế quốc gia trong các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai với Hàn Quốc, Mỹ.
Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Triều Tiên
Tuy thế, trong bài phát biểu tại triển lãm quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un lại phát đi thông điệp “nửa kín nửa hở” – vừa muốn đối thoại, vừa khẳng định vị thế quốc gia – thông qua việc tuyên bố “kẻ thù truyền kiếp” của Triều Tiên là chiến tranh chứ không phải Hàn Quốc, Mỹ hay bất cứ nhà nước, quốc gia, lực lượng cụ thể nào. Đơn thuần, đây là công việc vốn đã được lên kế hoạch từ trước nhằm bảo vẹ đất nước, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình, chủ quyền quốc gia.
Giới phân tích cũng cho rằng, Triều Tiên có một số động cơ thúc đẩy tăng cường thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo như thời gian qua đã thấy. Theo đó, Bình Nhưỡng muốn tái khẳng định các yêu cầu trước đây và điều kiện tiên quyết của nước này phải được thực hiện trước khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào.
Tiếp đó, chính quyền của ông Kim Jong-un cũng muốn thử phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế hướng đến việc chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có nguyện vọng quân sự chính đáng.

HĐBA họp khẩn về tình hình Triều Tiên

Rạng sáng ngày 21/10 theo giờ Hà Nội, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tiến hành cuộc khẩn cấp và họp kín về vấn đề Triều Tiên.
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, cuộc họp kín và khẩn này diễn ra chỉ ngay sau khi KCNA của Triều Tiên thông tin Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Trong thông cáo riêng, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã kêu gọi Triều Tiên tránh khiêu khích.
Ngoại trưởng Hàn Quốc bình luận về khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Bắc Triều Tiên
Washington đề nghị Bình Nhưỡng cần tham gia đối thoại thực chất, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không đi kèm điều kiện và cũng không có ý định thù địch đối với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tại trụ sở Liên Hợp Quốc, các nguồn tin ngoại giao đều cho biết, không có thành viên chính thức nào của Hội đồng Bảo an đề xuất ra thông cáo chung sau phiên họp kín và khẩn về tình hình Triều Tiên.
Ba quốc gia ủy viên thường trực HĐBA là Hoa Kỳ, Anh, Pháp cho hay, trong thời gian tới, Mỹ - Anh - Pháp sẽ thúc đẩy các bên nhằm thực thi nghiêm túc hơn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, hai thành viên - ủy viên thường trực còn lại của HĐBA là Trung Quốc và Nga không phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Các nước ủy viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an như Pháp, Ireland Estonia cũng ra thông cáo chung lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nghiêm túc thực thi các lệnh trừng phạt đối Bình Nhưỡng.
Cuộc họp này là lần thứ tư Hội đồng Bảo an LHQ phải họp khẩn về tình hình Triều tiên phóng các loại tên lửa kể từ tháng 3/2021 đến nay.
Như đã biết, theo các nghị quyết của HĐBA, Bình Nhưỡng bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa đạn đạo, đồng thời cũng bị áp rất nhiều lệnh trừng phạt về mọi phương diện từ cấm vận kinh tế, đến hạn chế khả năng quân sự, chuyển giao vũ khí.

Việt Nam nói gì về việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm?

Đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trả lời TTXVN cho biết, với tư cách là ủy viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam chia sẻ mối quan ngại của các nước về vấn đề Triều Tiên thử tên lửa ngày 19/10.
Cũng giống như các tuyên bố được đưa ra trước đó, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tránh có những hành động gây thêm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia Hàn Quốc: Bắc Triều Tiên che lấp thất bại kinh tế bằng cách phóng tên lửa
Hà Nội một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại đàm phán sớm nhất có thể giữa các bên về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Việt Nam một lần nữa nhắc lại chính sách nhất quán ủng hộ giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.
Đại diện phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình liên quan tới các hiệp ước quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng nhất trí rằng các nghị quyết của HĐBA phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ nhưng các bên liên quan cần nỗ lực nhằm tránh những tác động tiêu cực của các nghị quyết đối với người dân Triều Tiên.
Thảo luận