Để điện ảnh Việt Nam có thể vươn xa, cần thay đổi cách làm
Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào sáng 23/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, sau 14 năm triển khai thực hiện, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của ngành Điện ảnh.
“Điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh”.
Được biết, số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân, các sự kiện phổ biến phim đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế là những minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng cho điện ảnh.
Tuy nhiên, do sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã đòi hỏi một môi trường pháp lý mới cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, vào năm 2019, Bộ VHTTDL đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, với xu thế hội nhập như hiện nay, điện ảnh cần được nhìn nhận như một ngành công nghiệp văn hóa, chứ không chỉ là một loại hình nghệ thuật nên cần có hành lang pháp lý thuận lợi, có chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) khẳng định, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm tính thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng chính trị.
Nhấn mạnh văn hóa nghệ thuật phải chú trọng con người, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm.
Trải qua các lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 2 được đánh giá là bám sát và thể hiện khá đầy đủ 4 chính sách mà Quốc hội đã thảo luận, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trong đó, 3 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, được xã hội quan tâm và tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự án Luật. Thứ nhất là sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Thứ hai là việc quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng sẽ áp dụng hậu kiểm hay tiền kiểm. Thứ ba là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Hai phương án về quy định sản xuất phim bằng ngân sách Nhà nước
Tại phiên thảo luận, việc phổ biến phim trên không gian mạng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Về quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, đối với Quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Theo đó, phương án 1 là sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong 2 hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục lựa chọn phương án 2, gồm cả hình thức đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.