Việt Nam sẽ có Liên hoan phim như Cannes?
© Sputnik / Ekaterina Chesnokova
/ Đăng ký
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đang ấp ủ đề án đưa Liên hoan phim Việt Nam thành “thương hiệu quốc gia”, thu hút sự chú ý từ giới điện ảnh và dư luận quốc tế mạnh như mô hình Liên hoan phim Cannes nổi tiếng của Pháp.
Chuyên gia đánh giá việc Việt Nam xác định xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia về điện ảnh, định hướng tổ chức một LHP nhằm quảng bá nghệ thuật điện ảnh, hình ảnh quốc gia, sức hấp dẫn văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Vì sao Việt Nam cần xây dựng LHP mang thương hiệu quốc gia?
Có quan điểm cho rằng, càng mở cửa hội nhập, các Liên hoan phim (LHP) Việt Nam càng phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về việc xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia một cách bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá điện ảnh, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.
Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan phim Việt Nam” đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng phê duyệt năm 2018 tại Quyết định 1755. Đến thời điểm hiện tại, đề án này bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai.
Phát biểu tại Hội nghị Xây dựng và quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Liên hoan Phim Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà từng cho biết, đề án này chứa đựng nhiệm vụ hàng đầu là “quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”.
Theo lý giải của vị lãnh đạo, thông qua các tác phẩm điện ảnh được chiếu ở LHP, những thông tin về địa lý, lịch sử, các sắc màu văn hóa, tập tục truyền thống sẽ được thể hiện sinh động, ấn tượng, dễ đi vào lòng người, đây là hình thức quảng bá rất tốt.
Theo bà Hà, điện ảnh là ngành có tiềm năng lớn trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chiếm lĩnh vị trí trung tâm, trọng yếu để giới thiệu các sản phẩm điện ảnh không nơi nào thuận lợi, hiệu quả hơn các LHP trong nước và quốc tế.
“Do vậy, việc quảng bá “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Liên hoan Phim Việt Nam” là một lựa chọn hàng đầu cho nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định.
Vị chuyên gia phân tích, điện ảnh là một trong những phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước rất hiệu quả dù rằng lượng người xem phim ít hơn người xem truyền hình và các kênh truyền thông xã hội. Nhưng tác phẩm điện ảnh lại có sức cuốn hút, để lại những dấu ấn sâu đậm, bền vững, điều mà các phương tiện truyền thông khó có thể thay thế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho hay, nhu cầu và xu hướng hội nhập với điện ảnh quốc tế đã đặt ra những thách thức đòi hỏi cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia của LHP Việt Nam được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới.
Theo Cục trưởng, cần xây dựng được thương hiệu để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Điện ảnh cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, qua đó thu hút công chúng trong nước và bạn bè quốc tế đến với nghệ thuật điện ảnh nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung.
“Việc xây dựng thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam cũng là một trong những nội dung quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện ảnh trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Việt Nam hướng tới một Liên hoan phim như Cannes của Pháp
Đáng chú ý, cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Điện ảnh, Liên hoan phim “mang thương hiệu quốc gia” mà Việt Nam hướng đến sẽ được triển khai tương tự như mô hình LHP Cannes của Pháp.
Đáng chú ý, thống kê của Cục Điện ảnh cho thấy, hơn 10 năm trở lại đây, mỗi kỳ LHP của Việt Nam đều đón trên dưới 1.000 đại biểu, số lượng khán giả xem trực tiếp và giao lưu với nghệ sĩ đạt từ 3.000 – 12.000 lượt người, còn khán giả tham dự tuần phim cũng ở số lượng lớn từ 8.000 – 15.000 người.
“Chúng ta sẽ đi theo mô hình Cannes. Của mình thì đương nhiên phải hướng tới tôn vinh giá trị các tác phẩm điện ảnh. Mình phải theo mô hình Pháp chứ theo cách tôn vinh giải trí sao được”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Đề án Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam có ba mục tiêu chung cơ bản. Đầu tiên, LHP Việt Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực điện ảnh, khẳng định vị thế, uy tín ở trong nước và quốc tế. Thứ hai, góp phần quảng bá nghệ thuật điện ảnh, hình ảnh quốc gia, sức hấp dẫn văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Thứ ba, góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo QĐ 1755 của Chính phủ.
Để hoàn thành những mục tiêu này, đề án chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ làm công tác tổ chức, truyền thông, quảng bá sự kiện Liên hoan phim Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến bộ phận chuyên trách tổ chức, giám đốc, cũng như Đại sứ của LHP Việt.
Đối với yêu cầu nâng cao chất lượng phim dự LHP, đề án nêu ra một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, phải nâng cao hiệu quả của công tác đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tăng cường chất lượng đầu vào liên hoan. Thứ hai, xây dựng kế hoạch lựa chọn đề tài, kịch bản đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đặt mục tiêu tham dự LHP Việt Nam đồng thời cùng các nhiệm vụ khác.
Tiếp đến, các nhà làm điện ảnh Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư một phần ngân sách nhà nước cho tư nhân sản xuất phim nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới mục đích gửi phim tham dự LHP Việt Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng tuyển chọn phim tham dự LHP Việt Nam thời gian tới.
Đối với việc lựa chọn mô hình LHP, giải thưởng đã từng thành công trên thế giới, đề án chia làm 3 loại tiêu biểu. Đầu tiên là LHP tài liệu quốc tế Florence của Ý với trọng tâm nghiêng về chức năng giao lưu văn hóa, trao đổi ngành điện ảnh, không ưu tiên đầu tư phát triển thị trường.
Trong khi đó mô hình LHP Cannes, Pháp đề cao tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tích cực xúc tiến giao dịch thương mại.
Còn mô hình Oscar, Mỹ thiên về thương mại, doanh thu phòng vé, truyền thông và tính thương mại được ưu tiên.
Cục Điện ảnh và các chuyên gia điện ảnh Việt Nam đánh giá, Việt Nam sẽ đi theo mô hình của LHP Cannes.
Chuyên gia nói gì về việc Việt Nam sẽ có LHP theo mô hình Cannes?
Nhiều nhà làm phim, nghệ sĩ, đạo diễn, chuyên gia điện ảnh đã bày tỏ ý kiến về đề án Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Là người từng có thời gian công tác tại một LHQ quốc tế lớn và tham dự nhiều LHQ khác nhau, đạo diễn Lương Đình Dũng từng phát biểu cho rằng, việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng.
“Ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia thì điện ảnh sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn”, theo đạo diễn Lương Đình Dũng.
Chuyên gia này cũng đề cập một số giải pháp như cần có Ban Giám đốc LHP Việt Nam cố định để hoạt động ổn định, liên tục, xác định tác phẩm điện ảnh là nhân tố cốt lõi để tập trung phát hiện, đầu tư.
Ngoài ra, LHP Việt Nam cũng cần mời ban giám khảo uy tín, có thương hiệu quốc tế. Đồng thời, LHP Việt Nam cũng cần lập quỹ để mỗi năm đầu tư cho một số bộ phim chất lượng, các phim này sẽ tham dự LHP quốc tế để nâng tầm vị thế cho điện ảnh Việt.
Chia sẻ thẳng thắn về đề án, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tỏ ra khá ngạc nhiên về việc chọn LHP Việt Nam để phát triển thành thương hiệu quốc gia, trong khi có LHP quốc tế Hà Nội vẫn đang hoàn thành vai trò này khá tốt. Theo chuyên gia chia sẻ ý kiến với Thanh Niên, điểm cốt lõi của đề án đã sai từ đầu khi nói là LHP quốc tế không phù hợp mà là LHP quốc gia mới phù hợp để thành thương hiệu quốc gia.
“Điện ảnh không cần sợ yếu tố quốc tế. Đọc đề án thấy dường như có áp lực phải chứng minh LHP quốc gia tốt hơn LHP quốc tế Hà Nội”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.
Chuyên gia cũng lưu ý, LHP phải là nơi phát hiện và phát triển điện ảnh. Điện ảnh cũng không phải câu chuyện của du lịch. Theo bà Điệp, việc coi điện ảnh như công cụ để quảng bá du lịch, điện ảnh hay nhận tiền từ các đơn vị du lịch là hoàn toàn sai trách nhiệm của một liên hoan phim, đồng thời lưu ý, nếu lựa chọn sai thì sẽ đầu tư sai, kế hoạch hành động cũng sai.
Bàn về vấn đề này, đạo diễn Phan Đăng Di nêu quan điểm, trước hết các nhà làm chính sách phải hiểu rõ vấn đề nếu muốn thúc đẩy điện ảnh có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập, thành nhân tố mạnh trong xây dựng công nghiệp văn hóa.
“Không thể lơ mơ về các tiêu chuẩn chung để được công nhận. Cơ bản chúng ta đang áp dụng hệ giá trị một mình một chợ, rất xa các tiêu chuẩn chung của quốc tế không chỉ trong kiểm duyệt, hợp tác làm phim với nước ngoài, thúc đẩy tính cạnh tranh của điện ảnh quốc gia, đối xử với tài năng và cả trong hội nhập quốc tế”, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, việc chọn LHP Việt Nam để xây dựng thành thương hiệu quốc gia thay vì một LHP quốc tế cũng cho thấy tư duy kiểu “không giống ai”.
“Cách gì khiến một LHP quốc gia vốn chỉ để tuyên dương phim của một nền điện ảnh nhỏ như Việt Nam lại có thể trở thành một thương hiệu để quốc tế biết đến?”, đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn.
Với tư cách một đạo diễn hàng đầu và là người tiên phong trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, ông Di nhấn mạnh, đó phải là một LHP quốc tế do một quốc gia tổ chức, được thử thách qua thời gian, là điểm đến được tin tưởng lựa chọn của giới điện ảnh toàn cầu thì mới trở thành một thương hiệu quốc gia được.
Nhà biên kịch này cũng khẳng định, việc cải thiện cho được những vấn đề nội tại đang rất trầm kha của ngành mới là việc cần làm ngay.
“Thay vì nghĩ ra những đề án đao to búa lớn nhưng thiếu thực tiễn và không có cơ sở khoa học vững như đề án này”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Ông cũng lưu ý đến một trong những vấn đề cần quan tâm chính là việc đầu tư bài bản cho những người làm phim trẻ, mà theo ông, nhiều người đã dự các LHP lớn trên thế giới một cách chính thức mà không hề có hỗ trợ của nhà nước.
Ở góc độ của một chuyên gia về tiếp thị, ông Phạm Vũ Tùng, người từng giữ vị trí phụ trách phát triển kinh doanh và marketing của Piaggio tại Việt Nam, cũng từng đảm trách công việc marketing cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Dolce&Gabbana, Rayban, Burberry, Versace nhận định, đề án Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam “bị ngược”.
Ông Tùng phân tích, phần đề án liên quan đến các việc truyền thông như mang quảng bá phim ở các hội chợ du lịch, lập ban truyền thông… lại nhiều hơn phần việc cần làm cho giá trị liên hoan.
Trong khi đó, cần phải hiểu rằng, đối với một liên hoan phim thì quan trọng nhất là phim.
“Phim không hay thì không thu hút và truyền thông cũng chẳng làm gì được”, chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng thẳng thắn.
Chuyên gia tiếp thị dày kinh nghiệm này đánh giá việc xây dựng giá trị LHP chủ yếu trên giá trị phim nhà nước hiện tại không còn phù hợp khi lượng phim lèo tèo và cũng không thu hút khán giả như hiện nay.
Hầu hết các chuyên gia có chung nhận định rằng, tính cấp thiết của đề án là không cần bàn cãi, yêu cầu nâng cao và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam ai cũng thấy, nhưng làm như thế nào, thực hiện chuyên nghiệp ra sao, đạt kết quả thực tiễn đến đâu thì cần một chiến lược dài hơi, thực tế.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, các nhà làm điện ảnh Việt Nam cũng cần có biện pháp cụ thể, khả thi trong đầu tư nâng cao số lượng, chất lượng phim tham dự, chất lượng nguồn nhân lực, khâu tổ chức, vận hành, quảng bá mà một LHP quốc tế thực thụ cần có.