Trong một diễn biến liên quan, Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Tăng, nguyên là phiên dịch của Văn phòng Tổng Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia giai đoạn 1980-1987, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Campuchia.
Campuchia và Việt Nam thảo luận về vấn đề phân định cắm mốc biên giới
Như đã biết, đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng trên 1.200 km, điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào, điểm kết thúc ở vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ Vịnh Thái Lan, tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).
Giới chức Hà Nội và Phnom Penh hiểu rằng, về tính chất pháp lý của đường biên giới Việt Nam-Campuchia phức tạp hơn so với đường biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Trung Quốc do nhiều lý do lịch sử, địa chính trị “nhạy cảm”.
Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 24/10 ra thông cáo báo chí cho hay, Vương quốc Campuchia và Việt Nam đồng thuận cùng tìm các giải pháp phù hợp với pháp luật, lợi ích của cả hai bên để từng bước giải quyết phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền còn tồn đọng (khoảng 16%).
“Thỏa thuận đã đạt được trong một cuộc họp trực tuyến hôm thứ Năm tuần qua”, đại diện Bộ Ngoại giao Campuchia thông tin.
Bộ Ngoại giao Campuchia cũng cho hay, về hợp tác biên giới, hai bên hoan nghênh lễ trao đổi chính thức hai văn kiện pháp lý quan trọng ghi nhận việc hoàn thành 84% công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia.
Cùng với đó, ngày 24/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia (CBAC) Koy Pisey khẳng định với Khmer Times rằng việc phân định biên giới với Việt Nam là quá trình đang diễn ra và hiện chưa thể thông tin cụ thể khi nào sẽ hoàn thành.
Theo bà Koy Pisey, khi hai bên ký Hiệp ước bổ sung năm 2005 (Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia), Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia nghĩ rằng hai bên có thể hoàn thành việc phân giới ban đầu vào năm 2008, và sau đó vào năm 2012. Tuy nhiên, thực tế, nhiệm vụ phân giới không thể đoán trước được, quá trình này phụ thuộc vào nhiều địa điểm, yếu tố chính trị, lịch sử khác nhau.
“Ở một số nơi, việc phân định cắm mốc biên giới rất dễ dàng, nhất là việc đề nghị người dân chuyển đến sống đúng trên phần lãnh thổ thuộc về đất nước của mình (dù là Việt Nam hay Campuchia), tuy nhiên, ở những nơi khác, phải mất nhiều thời gian để thuyết phục, giải quyết các vấn đề khúc mắc giữa người dân hai bên”, bà Pisey nói.
Bà cũng cho biết các chuyên gia của cả hai nước đã thống nhất sử dụng bản đồ tỷ lệ 1/100.000. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa biên giới được mô tả trên bản đồ và tình hình thực địa trong thực tế.
“Ở một số nơi trên bản đồ giữa hai nước, được xét hoặc thuộc Việt Nam, hoặc thuộc Campuchia. Do đó, đôi khi chúng tôi cần đàm phán với các chuyên gia về phân định biên giới của Việt Nam để đề nghị người dân Việt ở đó đồng ý chuyển đến sinh sống trên phần đất liền thuộc lãnh thổ đất nước Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia (CBAC) nhấn mạnh.
Như Sputnik đã đưa tin, các cuộc đàm phán phân định cắm mốc biên giới giữa Campuchia và Việt Nam được tạm dừng kể từ tháng 12 năm ngoái, khi hai nước tuyên bố rằng 84% của đường biên giới dài 1.270 km đã được phân giới cắm mốc hoàn thiện.
Bộ Ngoại giao Campuchia cho hay, các vấn đề biên giới còn lại nằm ở 6 tỉnh - Ratanakiri, Mondulkiri, Svay Rieng, Kampot, Takeo và Kandal. Hiện hai bên đã cắm được 315 cột mốc biên giới hoàn chỉnh.
Lãnh đạo Ủy ban Biên giới của cả Việt Nam và Campuchia đều nhất trí tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong công tác quản lý đường biên, mốc giới, từng bước giải quyết phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền còn tồn đọng (khoảng 16%), đồng thời, cùng nhau nghiên cứu các hình thức trao đổi linh hoạt để giải quyết tốt các vấn đề biên giới, góp phần củng cố và xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững.
Việt Nam thay đổi Đại sứ tại Campuchia
Ngày 25/10, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Quốc vương Norodom Sihamoni.
Như Sputnik đã đưa tin, ông Nguyễn Huy Tăng là tân Đại sứ của Việt Nam tại Campuchia. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh khi bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Tăng, rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đóng góp toàn diện vào thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng được kỳ vọng tiếp tục nâng cao tin cậy chính trị giữa hai nước, trong đó có việc chuẩn bị tốt các chuyến thăm cấp cao song phương. Đặc biệt là thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Campuchia, giúp bà con hòa nhập và thực hiện tốt pháp luật nước sở tại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nước sở tại và là cầu nối gắn kết quan hệ hai nước.
Cùng với đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cũng góp phần vào việc hoàn thành việc phân giới cắm mốc hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước đề xuất các biện pháp hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực.
Quốc vương Campuchia đã hoan nghênh Đại sứ Tăng được bổ nhiệm, đồng thời, tái khẳng định ý nghĩa của tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Người đứng đầu Vương quốc Campuchia cũng bày tỏ vui mừng được chứng kiến quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển thông qua trao đổi các chuyến thăm cấp cao, quan hệ giữa các bộ ngành, hợp tác trên các lĩnh vực được mở rộng.
Ông Norodom Sihamoni cũng mong muốn hai bên duy trì và phát huy các thành quả đã đạt được nhằm đem lại lợi ích cho cả Hà Nội lẫn Phnom Penh.
Phát biểu với Quốc vương Norodom Sihamoni, Đại sứ Tăng cho biết, ông vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, cảm ơn sâu sắc về tình cảm và sự quan tâm của Quốc vương Sihamoni dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam, cũng như mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai nước.
Vui mừng trước thực tế quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng phát biểu bày tỏ khâm phục và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà nhân dân Campuchia đã đạt được, đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân Campuchia vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
“Dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Sihamoni, sự lãnh đạo sáng suốt của Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ Campuchia, nhân dân Campuchia sẽ tiếp tục đạt được những thành công to lớn hơn nữa trên con đường xây dựng Vương quốc Campuchia hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng tin tưởng.
Trên cương vị Đại sứ, ông Nguyễn Huy Tăng cam kết nỗ lực làm hết sức mình vun đắp cho quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai nước và hai dân tộc, góp phần đưa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và có hiệu quả.
Quốc vương Sihamoni cũng đánh giá cao sự phát triển toàn diện của Việt Nam, tin tưởng Đại sứ Nguyễn Huy Tăng sẽ có nhiệm kỳ thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho quan hệ song phương Campuchia -Việt Nam.
Ông Nguyễn Huy Tăng là chuyên gia Việt Nam vô cùng am hiểu về Campuchia. Ông từng là phiên dịch của Văn phòng Tổng Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia giai đoạn 1980-1987.
Ngoài ra, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cùng từng công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương từ 1987 với nhiều vị trí khác nhau. Trước khi làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.