Theo chuyên gia, việc phải “trảm tướng” những lãnh đạo cao nhất lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam chỉ trong một thời gian rất ngắn, với đơn vị tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát Biển là điều vô cùng nghiêm trọng và đau xót.
Tuy nhiên, thực tế này cũng chứng minh, ở Việt Nam chống tham nhũng, tiêu cực – không có vùng cấm, không có ngoại lệ và càng không có việc hạ cánh an toàn.
Vụ kỷ luật lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam gây chấn động
Như Sputnik đã thông tin, những ngày qua, Việt Nam đã tiến hành kỷ luật thêm một loạt tướng lĩnh, lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển, đồng thời điều động nhiều tướng, tá từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng sang chỉ huy.
Cần nhấn mạnh rằng, việc lãnh đạo Chính phủ ra loạt quyết định thi hành kỷ luật nhiều lãnh đạo chủ chốt của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, trong đó có cách chức Tư lệnh, xóa tư cách nguyên Chính ủy, là diễn biến gây “rúng động”. Hiểu cách khác, phần lớn dàn lãnh đạo, cựu lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam những thế hệ đầu đều được Trung ương xác định có “nhúng chàm”.
Cụ thể, hôm 22/10, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã ký ban hành các quyết định thay Thủ tướng Chính phủ về nhân sự Cảnh sát Biển Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng – tại Quyết định số 1784 ngày 22/10/2021.
Trước đó, Ban Bí thư cũng quyết định cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam. Ban Bí thư nêu rõ, với cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Cảnh sát Biển, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn đồng thời cũng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Bộ Tư lệnh và đơn vị trực thuộc.
“Ngoài ra, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, Ban Bí thư kết luận.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển cũng bị Phó Thủ tướng ký Quyết định số 1776 ngày 22/10/2021 thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam. Ông Hậu được xác định đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Ban Bí thư trước đó khẳng định Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cũng chịu trách nhiệm cá nhân khi đã báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tại Quyết định 1783, Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đối với Đại tá Nguyễn Văn Hưng, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng ký Quyết định 1782 thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát Biển đối với Thiếu tướng Trần Văn Nam, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Trong vai trò Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Thiếu tướng Trần Văn Nam đã ký phê duyệt nhiều kế hoạch và đề nghị thanh toán tiền thuê phương tiện vượt thẩm quyền, không đúng quy định, để các đơn vị trực thuộc vi phạm trong lập hồ sơ thuê phương tiện, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, theo ban Bí thư, Thiếu tướng Trần Văn Nam cũng được xác định “thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm; xử lý vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 1778. Ông Quyết cũng cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam do những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Tại Quyết định 1781, lãnh đạo Chính phủ kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đối với Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Ông Dũng trong thời gian giữ chức Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển (từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 3/2020), đã vi phạm quy định pháp luật trong phê duyệt một số kế hoạch mua xăng dầu. Ngoài ra, ở vị trí Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư, phê duyệt thanh, quyết toán xăng dầu, tướng Dũng đã thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Loạt tướng, tá Biên Phòng, Hải quân sang làm lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam
Chính phủ đã ký quyết định điều loạt sĩ quan chỉ hủy từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sang làm lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển thời gian tới.
Theo đó, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ Quốc phòng) theo Quyết định số 1789 ngày 22/12/2021.
Ông Lê Quang Đạo sinh năm 1971 quê quán xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tốt nghiệp Đại học Biên phòng và từng trải qua nhiều cương vị, vị trí công tác tại cá đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (từ lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đến khi tham gia vào Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tham mưu, Phó Tham mưu trưởng và sau này là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. Tháng 6 vừa qua, ông được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố trúng cử ĐBQH khóa XV.
Cũng trong ngày qua, Chính phủ công bố loạt quyết định bổ nhiệm các Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam như điều động, bổ nhiệm đồng chí Đại tá Lê Đình Cường, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.
Đại tá Đàm Xuân Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) giữ chức Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Đại tá Vũ Trung Kiên, Cục trưởng Cục Trinh sát, Bộ đội Biên phòng giữ chức Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát Biển.
Đại tá Trần Văn Xuân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị, giữ chức Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.
Bộ Quốc phòng cần cuộc chỉnh huấn và chống tiêu cực “không vùng cấm”
Như Ban Bí thư kết luận, vi phạm của Ban thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các cá nhân như tướng Nguyễn Văn Sơn, tướng Lê Quang Đạm hay cả chục tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam là “rất nghiêm trọng”.
Hai tướng bị khai trừ Đảng, 7 tướng lĩnh khác bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng và nhiều người bị xóa tư cách nguyên lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển vì đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc, quy định của Quân ủy Trung ương…
Các cơ quan kỷ luật của Đảng, Quân ủy Trung ương cho rằng, số cán bộ cấp tướng, trong vai trò người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước.
“Những vi phạm này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng”, Ban Bí thư nêu rõ.
Lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội Việt Nam từ năm 1944 đến nay, và suốt trong chỉ 23 năm hình thành, xây dựng và phát triển của lực lượng Cảnh sát Biển, Việt Nam phải kỷ luật số lượng tướng lĩnh cao cấp nhiều như vậy.
Cũng như ý kiến nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn, lại đều là lãnh đạo chủ chốt, trong một thời gian ngắn, với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát Biển là điều ai cũng cảm thấy đau xót nhưng là việc làm cần thiết nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
“Có đến 11 tướng lĩnh cùng bị kỷ luật là số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử quân đội Việt Nam và đây đều là lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu từ trên xuống dưới của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Đây là điều vô cùng đau xót và rất nghiêm trọng”, ông Lê Việt Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, lĩnh vực Quốc phòng vốn nhạy cảm, đòi hỏi phương thức xử lý khéo léo, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, việc xử lý nghiêm minh, công khai kỷ luật các lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển một lần nữa thể hiện rõ quan điểm chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm cán bộ, bất kể người đó là ai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam từng tuyên bố.
“Việc Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Bí thư công khai các vi phạm, xử lý đã cho thấy rõ, việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, bình đẳng trước pháp luật đối với các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng”, ông Lê Việt Trường cho biết.
Vụ việc nêu ra hồi chuông cảnh tỉnh, cũng như nhiều bài học để Bộ Quốc phòng Việt Nam có cuộc “chỉnh huấn” nghiêm túc, không chỉ đối với lực lượng Cảnh sát Biển mà còn trong toàn quân, ở tất cả các lực lượng, đơn vị của mình.
Sao một lực lượng quan trọng như Cảnh sát Biển lại ra nông nỗi này?
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, ông thấy “rất đau” khi chứng kiến hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam là sĩ quan chỉ huy cấp cao nhưng lại có sai phạm, khuyết điểm đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng như quan điểm của ông Lê Việt Trường, ông Vũ Quốc Hùng nêu rõ, vụ kỷ luật này cũng đã thể hiện được sự quyết tâm cao của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc và làm một cách cẩn trọng, tìm ra những thông tin chính xác để xử lý những cán bộ vi phạm vốn thuộc lĩnh vực hết sức nhạy cảm như an ninh quốc phòng.
“Kỷ luật dân chủ, công khai, minh bạch là phương châm hành động của Đảng và cũng là quy luật chung của phương châm quản lý con người, cán bộ, không thể úp úp, mở mở”, ông Hùng nói.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ với Tuổi trẻ, ông mừng nhưng không vui sướng gì khi có những sự việc chấn động như thế xảy ra. Thời gian tới, cần tiếp tục xử lý các sai phạm nhằm rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đóng góp cho sự phát triển của lực lượng Cảnh sát Biển, cán bộ Quốc phòng nói chung.
Theo vị chuyên gia, trong vấn đề này, Đảng ủy Quân sự trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đơn vị có những tướng lĩnh vi phạm cần phải trả lời rằng tại sao lại để ra nông nỗi này? Các cơ quan này cần tiếp tục trả lời các vấn đề liên quan nhằm rút kinh nghiệm, chứ không phải để làm mọi chuyện trở bị thổi phồng, thành to tát hơn.
“Bài học kinh nghiệm ở đây là vì sao một lực lượng rất quan trọng như vậy mà lại để ra nông nỗi này? Nếu như công tác kiểm tra giám sát theo các quy định của Đảng làm đến nơi đến chốn, làm kịp thời, thường xuyên thì không đến nỗi mất mát lớn như vậy”, ông Vũ Quốc Hùng lưu ý.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cần phải thực hiện tốt Quy định 22 của Đảng, cần chủ động chứ không bị động, phải đấu tranh với các tiêu cực, cần có dũng khí. Từ đó răn đe, cảnh cáo, giáo dục những người vi phạm.
“Phải cho những "củi" xấu vào lò, chứ không phải mục đích là để có thành tích đưa càng nhiều "củi" cho vào lò càng tốt”, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Đây không chỉ là nguồn sinh kế cho cư dân ven bờ, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa. Đồng thời, đây là không gian sinh tồn để Việt Nam phát triển bền vững các ngành kinh tế mũi nhọn, như: thủy hải sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch, vận tải biển.
Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Đồng thời, Cảnh sát Biển cũng thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân quản lý hơn 1 triệu km2 biển, một phần về quyền chủ quyền, quyền tái phán quốc gia của Việt Nam.
Cùng với đó, không chỉ duy trì việc tuân thủ pháp luật Việt Nam trên biển, Cảnh sát biển còn duy trì việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong lĩnh vực kinh tế, với vai trò là lực lượng chấp pháp trên biển, Cảnh sát biển tham gia, phối hợp cùng các lực lượng Hải quân, Biên phòng tạo thành tấm “lá chắn” vũng chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo, kinh tế biển, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quyền lợi kinh tế, tài nguyên, vận tải hợp pháp của Việt Nam.