Tư lệnh và loạt tướng lĩnh Cảnh sát Biển Việt Nam rốt cuộc đã làm gì?
© Ảnh : TTXVNTrung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
© Ảnh : TTXVN
Đăng ký
Vụ kỷ luật chấn động chưa từng có trong lịch sử lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Hết Trung tướng Nguyễn Quang Đạm bị cảnh cáo, đến lượt Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam – Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị cách hết tất cả mọi chức vụ trong Đảng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, sĩ quan cấp cao trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, hiện là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, kế nhiệm Trung tướng Nguyễn Quang Đạm.
Cùng với đó, hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao nhất của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng hay thậm chí là bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Ban Bí thư khẳng định, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 rất nghiêm trọng, gây tổn hại đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Biển, Quân đội, đến mức phải kỷ luật nghiêm minh.
Loạt lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam vi phạm “rất nghiêm trọng”
Những sai phạm chấn động của lãnh đạo cấp cao lực lượng Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam tiếp tục làm ‘nóng’ dư luận trong và ngoài nước.
Chiều 1/10, thông tin về việc kỷ luật Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam – Trung tướng Nguyễn Văn Sơn được công bố rộng rãi.
Cụ thể, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 cùng một số cá nhân (là loạt tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao của lực lượng Cảnh sát Biển).
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nghe đại diện Quân ủy Trung ương phát biểu, Ban Bí thư đã quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Theo thông cáo phát đi, Ban Bí thư đánh giá, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy chế làm việc, Quy định của Trung ương.
Hậu quả là để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Ban Bí thư xác định, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
“Các vi phạm này nằm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng”, Ban Bí thư khẳng định.
Đương kim Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam bị cách hết tất cả chức vụ trong Đảng
Xét thành tích của tập thể; cống hiến và sự thành khẩn, cầu thị, tự giác nhận, khắc phục vi phạm, khuyết điểm, hậu quả và tự nhận hình thức kỷ luật của mỗi cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Ngoài cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Bí thư ra quyết định khai trừ Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh (Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3), Thiếu tướng Lê Văn Minh (Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4).
Cùng với đó, Ban Bí thư nhất trí cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, đương kim Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam hiện nay.
Ban Bí thư nêu rõ, với cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Cảnh sát Biển, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn đồng thời cũng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Bộ Tư lệnh và đơn vị trực thuộc...
Bên cạnh đó, tướng Sơn còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
© Ảnh : TTXVNTrung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
© Ảnh : TTXVN
Trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Cảnh sát biển, Trung tướng Hoàng Văn Đồng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung ương cũng cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chính uỷ; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Đảng uỷ viên, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp (Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2).
Ban Bí thư cũng giao Quân ủy Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các tổ chức Đảng, cá nhân liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Tổn hại nghiêm trọng hình ảnh Cảnh sát Biển và Quân đội Việt Nam”
Ban Bí thư xác định rõ ràng sai phạm và trách nhiệm của từng cá nhân.
Theo đó, trên cương vị là Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chính ủy Cảnh sát biển, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Với trọng trách là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cũng chịu trách nhiệm cá nhân khi đã báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Trong thời gian giữ chức Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển (từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 3/2020), Thiếu tướng Bùi Trung Dũng đã vi phạm quy định pháp luật trong phê duyệt một số kế hoạch mua xăng dầu.
Ngoài ra, ở vị trí Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư, phê duyệt thanh, quyết toán xăng dầu, tướng Dũng đã thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Trong cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Trần Văn Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020 (từ tháng 02/2020 đến tháng 8/2020).
Trong vai trò Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Tướng Nam đã ký phê duyệt nhiều kế hoạch và đề nghị thanh toán tiền thuê phương tiện vượt thẩm quyền, không đúng quy định, để các đơn vị trực thuộc vi phạm trong lập hồ sơ thuê phương tiện, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Thiếu tướng Trần Văn Nam cũng được xác định “thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm; xử lý vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Trong vai trò Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp đã vi phạm quy định của pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hợp đồng để đề nghị và được thanh toán chi phí bắt giữ, xử lý vụ việc, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Tướng Đào Hồng Nghiệp cũng chịu trách nhiệm khi đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xử phạt một số vụ việc vi phạm không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh đã vi phạm pháp luật khi ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Tướng Lê Xuân Thanh cũng được xác định đã có hành vi nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Thiếu tướng Lê Văn Minh đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước. Tướng Minh cũng đã được xác định có hành vi nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Như đã nêu, theo kết luận của Ban Bí thư, vi phạm của Ban thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng.
Một số cán bộ cấp tướng, trong vai trò người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước.
“Những vi phạm này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng”, Ban Bí thư khẳng định.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, còn gọi là Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của lực lượng lại phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân.
Cảnh sát Biển thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của đất nước.
Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 5 tháng 2 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển quốc tế, vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có nhiệm vụ chính như kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền.
Cảnh sát Biển cũng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng thời, Cảnh sát Biển Việt Nam cũng có nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển.