Sáng 26/10, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát Cơ động; chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) do Bộ Công an chủ trì xây dựng gồm 5 chương, 31 điều. Dự thảo Luật có một số quy định mới so với Pháp lệnh CSCĐ trên cơ sở 4 chính sách đã xác định và đánh giá tác động được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua.
Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát Cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ cho Cảnh sát Cơ động.
Thứ nhất là huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với Cảnh sát Cơ động và cán bộ, chiến sỹ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai là phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh sát cơ động sử dụng súng MP5 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ
© Ảnh : 24h
Theo Bộ Công an, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà CSCĐ đang thực hiện.
Dự thảo Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát Cơ động, trong đó bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát Cơ động.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sửa đổi Luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn đang còn những bất cập, vướng mắc. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, hướng tới thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ còn nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ hai điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.