PGS. Nguyễn Lân Hiếu: Chưa vội tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVNNhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân quận Hoàn Kiếm, chiều 15/9/2021.
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - “Trên thế giới hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 18 tuổi đã thống nhất, có bằng chứng khoa học rõ ràng, an toàn và hiệu quả. Nhưng dưới 12 tuổi vẫn phải nghiên cứu, chúng ta cũng không vội”.
Ngày 25/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ ý kiến như trên với báo chí xung quanh kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em bên hành lang kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV.
Học sinh THPT nên được ưu tiên tiêm trước
Theo PGS. Nguyễn Lân Hiếu, từ thực tiễn chống dịch tại tỉnh Bình Dương vừa qua cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi nhiễm Covid-19 nặng là rất ít. Trong đó, tỷ lệ học sinh THPT mắc bệnh tương đương với người trên 18 tuổi do cơ thể các em đã phát triển hoàn chỉnh.
“Lộ trình tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi là cần thiết nhưng khi triển khai phải dựa trên yếu tố khoa học và điều kiện điều kiện xã hội. Khi chúng ta đã tiêm đủ cho các đối tượng được ưu tiên theo hướng dẫn thì nên tính đến tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người trẻ, mà trước hết là đối tượng từ 16 đến 18 tuổi, tức là học sinh cấp 3” - PGS. Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ.
Hơn nữa, tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 16 - 18 tuổi để các em sớm đi học trở lại, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Ngoài ra, đối với nhóm trẻ trên 12 tuổi, nên ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ có đối tượng có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì. PGS. Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc tiêm theo yêu cầu và sự đồng thuận của gia đình, không nên bắt ép.
Hiện tại nên giữ kế hoạch học trực tuyến
Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành y tế Việt Nam trong triển khai tiêm vaccine cho trẻ em nằm ở nguồn cung. PGS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã đàm phán và triển khai mua nhưng không phải cứ nói là làm được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhà sản xuất và chuỗi cung ứng.
Bản thân Bộ Y tế cũng đã có lộ trình. Tuy nhiên, nếu thông báo lộ trình mà không có vaccine để tiêm thì cũng khó thực hiện. Đặc biệt, các tỉnh của Việt Nam hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Chính vì vậy, PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nếu chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vaccine thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh thì nên đi học tại trường. Nêu ý kiến về việc này, PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết:
“Ví dụ trường hợp như ở tỉnh Phú Thọ, trong lớp học chỉ có vài ca mà lây nhiễm đến cả lớp, khiến trường học lại phải đóng lại. Vì thế, không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của các cháu. Do đó, tôi cho rằng, cần có lộ trình tiêm gắn với việc đi học trở lại là như vậy. Chúng ta chưa có vaccine cho trẻ em thì chưa nên mở cửa trường học trực tiếp mà nên học online”.
“Vùng xanh” nhưng vẫn học online?
Bình luận trước thực trạng, một số huyện ngoại thành Hà Nội là “vùng xanh” nhưng học sinh vẫn học trực tuyến như “vùng đỏ”, PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, khi đã mở cửa với chiến lược sống chung với dịch Covid-19 vì thế nguy cơ lây nhiễm là luôn thường trực.
“Chiến lược nếu nhiễm ngoài cộng đồng thì sẽ điều chỉnh, cách ly khoanh vùng ở diện nhỏ, nhưng môi trường học rất khó vì học tập trung các em với nhau. Tôi mong là ta tiêm sớm và triển khai học. Khi có vaccine dồn sức tiêm thì chỉ 1 tuần là tiêm xong cho học sinh THPT để đi học trở lại” – ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời lưu ý vấn đề bây giờ là phải tập trung đẩy nhanh các kênh để có vaccine.
PGS. Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, chưa cần tiêm nhắc lại mũi vaccine thứ 3 trong năm nay. Thay vào đó, cần đẩy nhanh độ phủ vaccine với 2 mũi, trong đó mũi thứ 2 có tác dụng ít nhất trong 6 tháng.