Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Phát triển các tỉnh, thành phố trọng yếu
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, sáng 22/10, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về 4 dự thảo Nghị quyết này. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia.
Thảo luận tại tổ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cũng có ý kiến đặt vấn đề vì sao địa phương này có cơ chế đặc thù còn địa phương khác không có. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.
“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo Nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về các địa phương này.
Quỹ hiểm xã hội sẽ được thảo luận thêm
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, chiều 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đánh giá, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.
Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành, nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra, nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.