Thứ nhất, ASEAN cần một cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ và linh hoạt để quản lý COVID-19, với sự tham gia của toàn bộ cộng đồng, giải quyết những thách thức do đại dịch gây ra trên tinh thần "lợi ích được chia sẻ, được chia sẻ rủi ro ”.
Thứ hai, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của ASEAN trong việc phát huy vai trò của mình trong các quan hệ kinh tế - xã hội đang thay đổi trên thế giới và tăng cường vai trò nòng cốt của các quá trình đối thoại, hợp tác và hội nhập kinh tế đa phương, đa cấp ở khu vực.
Sputnik đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam về đề xuất của Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam đã đề cập đến vấn đề trụ cột thứ nhất của ASEAN
Theo đánh giá chung, ý kiến đề xuất của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính về phòng, chống đại dịch COVID-19 được đưa ra tại Hội thị thượng đỉnh ASEAN 38 cũng chính là quan điểm chiến lược mới của Việt Nam về phòng chống bệnh COVID-19, không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai; không chỉ với Việt Nam hay ASEAN nói riêng mà còn với toàn thế giới.
“Quan điểm này xuất phát từ tư duy của Việt Nam về phòng, chống COVID-19 đã chuyển biến từ “chống phá và triệt tiêu bệnh tật” sang “quản lý và kiểm soát bệnh tật”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
“Ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến vấn đề trụ cột thứ nhất của ASEAN: Đó là an ninh mà trực tiếp là an ninh sức khỏe cộng đồng đang bị đại dịch COVID-19 đe dọa”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị quốc tế Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
Theo các chuyên gia Việt Nam trả lời phỏng vấn cho Sputnik, ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn bao hàm cả một trụ cột khác của ASEAN. Đó là vấn đề kinh tế. Hợp tác kinh tế là một trong ba trụ cột cơ bản của ASEAN và là trụ cột có tính cơ sở. Ở vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 38 và 39, vấn đề hợp tác kinh tế gắn liền với vấn đề an ninh sức khỏe, khi đại dịch COVID-19 đang bị đẩy lùi và được kiểm soát, các nước trên thế giới và trong khu vực dần đi đến trạng thái bình thường mới sau “khủng hoảng COVID-19”, dần mở lại giao thương và các quan hệ kinh tế vốn có.
“Quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” ông Phạm Minh Chính nêu ra lần đầu tiên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương được tổ chức ngày 8/8/2021. Chủ đề của hội nghị đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông ta nêu rõ quan điểm của chính phủ Việt Nam là Nhà nước, Doanh nghiệp và Người lao động đều là và phải là chủ thể trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19”, - TS Hoàng Giang nói với phóng viên Sputnik.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, mặc dù trải qua những khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt chống dịch trước đó nhưng những kết quả bước đầu của phòng chống dịch COVID-19 đợt thứ tư ở Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn của phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
“Chúng ta ngược dòng thời gian một chút: Trong tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 14/4/2021, Hội nghị đã chấp thuận đề xuất của Việt Nam về việc thành lập “Quỹ ứng phó đại dịch COVID-19 của ASEAN” cũng như thành lập “Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực”. Đó chính là những bước khởi đầu cho việc hình thành tư duy “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nó không chỉ của Nhà nước Việt Nam với các doanh nghiệp, doanh nhân mà còn đối với các quốc gia trong khối ASEAN. Đó là một cuộc cách mạng về nhận thức cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, giữa cạnh tranh và hợp tác mà nói theo cổ nhân Việt Nam thì đó là việc “phúc đức cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Việt Nam đề nghị tận dụng các động lực mới nổi để phục hồi các quan hệ kinh tế nội khối
Nói về nhiệm vụ thứ hai trong đề xuất ông Phạm Minh Chính nêu ra thì quan điểm của Việt Nam thực chất là thúc đẩy sớm phục hồi các quan hệ kinh tế nội khối. Các nước ASEAN không nên chờ tới khi đại dịch COVID-19 kết thúc hoặc bị đẩy lùi hẳn mới tính đến chuyện phục hồi kinh tế. Đây thực sự là nhiệm vụ rất cấp bách vì cho đến nay, việc phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP hay còn được gọi là ASEAN + 5) vẫn chưa được hầu hết các nước đã ký kết phê chuẩn.
“Tôi cho rằng, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát thì việc sớm phê chuẩn hiệp định này sẽ tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN và các đối tác của mình, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch và hạn chế những ảnh hưởng xấu sau đại dịch như khan hiếm nguồn năng lượng, sự suy giảm lực lượng lao động, sự gia tăng nợ công, việc sớm phục hồi các đứt gãy của những chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
“Thủ tướng Việt Nam đề cập tới việc tận dụng các động lực mới nổi để giải quyết nhiệm vụ thứ hai mà ông ta nêu ra. Đó là chuyển đổi kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế chu kỳ, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đồng thời tăng sức hấp dẫn của thị trường ASEAN. Đó là một cách tiếp cận sáng suốt”, - TS Hoàng Giang phát biểu đánh giá của mình, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Việt Nam đề cập tới vấn đề Biển Đông như là một vấn đề trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 38 và 39 diễn ra trong những ngày 26-28/10 Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh: ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Ông Phạm Minh Chính đã nêu rõ ràng, thẳng thắn vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị này như một vấn đề trọng tâm và cho rằng ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông.
Theo ý kiến chung của các chuyên gia, Biển Đông luôn luôn đã, đang và sẽ là sự quan tâm hàng đầu của ASEAN nói riêng và thế giới nói chung trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nêu quan điểm rằng, ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông; thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình.
“Trong điều kiện cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc ngày càng căng thẳng ở Biển Đông, nếu ASEAN giữ được lập trường kiên định của mình, gắn kết chặt chẽ và thích ứng linh hoạt như đã thống nhất với nhau trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 thì sẽ tạo được một sức mạnh mà không đối tượng nào có thể bẻ gãy được”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Chính phủ Việt nam đề nghị các nước ASEAN tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982). Theo đó, UNCLOS-1982 là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để bảo vệ chủ quyền biển của các nước ASEAN trước các thế lực bên ngoài.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 39 còn đề cập đến nhiều vấn đề quốc tế có liên quan đến toàn thể khu vực như tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình Myanmar. Đó đều là những vấn đề thu hút sự chi phối và cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn.
“Kinh nghiệm của Việt Nam về kiên định phát huy tính độc lập tự chủ là rất cần thiết. Chính vì vậy mà tại Hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam nêu ra định hướng “phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ quốc tế”. Đây là bài học quý báu mà Việt Nam đã đúc rút từ kinh nghiệm của chính bản thân mình trong suốt hơn 75 năm qua và luôn phát huy tác dụng mỗi khi phải xử lý các mâu thuẫn chồng chéo trong quan hệ quốc tế”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Giải quyết được vấn đề “độc lập về ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ quốc tế” là chìa khóa để ASEAN có thể vượt qua các cuộc đàm phán rất khó khăn với Trung Quốc nhằm thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bảo đảm công bằng, thực chất và tuân thủ các công pháp quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS-1982).
“Việc thúc đẩy đàm phán để cho ra đời một COC với các tiêu chí nói trên luôn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Việt Nam, không chỉ của các quốc gia ASEAN có liên quan trực tiếp hay gián tiếp mà còn của cả tất cả các nước mong muốn một Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn. Nhưng COC khó có thể đạt được, nếu như ASEAN không đồng thuận cao, không giữ vững lập trường, không tự chủ”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.