Theo đó văn bản khẩn của UBND TP.HCM gửi các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, từ ngày 28/10, các hàng, quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng được các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19. Ngoài ra, các cơ sở cần tuân thủ những quy định cụ thể.
Không còn cảnh ‘mua mang về’
UBND TP.HCM cũng yêu cầu, các hàng, quán phải đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất tối đa được duy trì từ 50% trở xuống. Ngoài ra, các nhà hàng, quán ăn tại chỗ không được kinh doanh đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, các quy định trên sẽ không áp dụng đối với hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch. Đối với các cơ sở này.
Đối với việc kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn, các cơ sở tại quận 7 và thành phố Thủ Đức được thí điểm thực hiện căn cứ trên mức độ kiểm soát dịch Covid-19. Việc thí điểm do Chủ tịch UBND quận 7 và thành phố Thủ Đức quyết định.
UBND TP.HCM giao các sở, ngành, cùng chính quyền các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo việc thực hiện các quy định an toàn phòng, chống dịch. Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các địa phương để hướng dẫn cơ sở kinh doanh ăn uống thực hiện đúng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống Covid-19 đối với dịch vụ ăn uống.
Tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo trong thời gian tới, các đơn vị cần nghiên cứu việc mở lại hoạt động ăn uống tại chỗ, hoạt động bán vé số để tạo sinh kế cho người dân. Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh:
“Khi mở lại các hoạt động này, thành phố sẽ giải quyết được vấn đề việc làm của hàng triệu người sau đợt bùng phát dịch Covid-19, giúp thành phố giảm bớt gánh nặng trong công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc mở lại các hoạt động này cần đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn”.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhà hàng, quán ăn tại thành phố đã phải tạm dừng phục vụ tại chỗ từ ngày 28/5, trước thời điểm áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm cho học sinh.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN
Các F0 vẫn gia tăng tại các tỉnh miền Tây
Theo thống kê, các tỉnh miền Tây trong đó có Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang đều ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới. Nhiều F0 cộng đồng, đặc biệt tại tỉnh Bạc Liêu, trong 242 ca dương tính, có tới 157 ca cộng đồng.
Trong ngày 27/10, Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, thành phố ghi nhận 137 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó 16 ca ngoài thành phố. Số ca mắc Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 6.888 ca. Trong ngày có 46 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 6.039 người.
Trong số ca mắc mới, có 16 ca cách ly tại nhà, 27 ca trong khu cách ly, 84 ca khu phong tỏa và 10 ca tầm soát ở cơ sở y tế. Trong số ca mới, quận Thốt Nốt nhiều nhất với 72 ca; kế đến quận Ninh Kiều với 24 ca; huyện Vĩnh Thạnh 17 ca; người về từ vùng dịch 16 ca…
Chỉ trong ngày 27/10, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 242 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 157 trường hợp cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại Bạc Liêu đã ghi nhận 1.973 ca Covid-19, đã điều trị khỏi 656 ca, có 14 trường hợp tử vong.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 An Giang cho biết, ngày 27/10, tỉnh này ghi nhận 287 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (1 trường hợp nhập cảnh, 42 trường hợp trong cộng đồng), đã điều trị khỏi bệnh 87 trường hợp.
Tổng số trường hợp mắc Covid-19 từ ngày 15/4 đến ngày 27/10 là 1085 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính) đã điều trị khỏi 7.343 ca. Trong số ca mắc này có 1110 ca về từ vùng dịch.
Cùng ngày, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 160 ca mắc Covid-19, trong đó có 30 ca cộng đồng, 18 ca ở khu cách ly, 112 ca ở khu phong tỏa, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh tính từ ngày 21/6 đến ngày 26/10 lên 8.152 ca. Hiện đã điều trị khỏi 6.904 ca và 25 ca tử vong.
Cùng ngày, thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, ngày 27/10 địa phương này ghi nhận 190 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 144 trường hợp là F1 chuyển thành F0; 16 trường hợp về từ vùng dịch; 28 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng; 2 trường hợp phát hiện tại khu vực phong tỏa.
Địa phương có số ca mắc mới cao nhất vẫn là huyện Trần Đề (66), Kế Sách (61), huyện Long Phú (34)…Tính đến nay, Sóc Trăng có 4.845 trường hợp mắc Covid-19; đã có 2.583 trường hợp được chữa khỏi bệnh; hiện còn 2.899 trường hợp đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế.
Trà Vinh ghi nhận trong 82 ca mắc mới, trong đó 32 ca là người ngoài tỉnh về địa phương, 28 ca phát hiện trong cộng đồng, 15 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 5 ca phát hiện tại cơ sở y tế và 2 ca phát hiện trong khu phong tỏa. Tính đến chiều 27/10, Trà Vinh đã ghi nhận 2.546 ca mắc Covid-19 (có 42 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi 1.712 trường hợp, có 22 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 127 ca mắc Covid-19, trong đó có 39 ca cộng đồng, 84 ca trong khu cách ly, 4 ca trong khu phong tỏa. Như vậy đến thời điểm hiện tại Tiền Giang đã ghi nhận 15.985 F0, đã điều trị khỏi 14.364 ca và 394 ca tử vong.