Nóng: 1200 học sinh huyện Củ Chi đang được tiêm vaccine Covid-19
10:17 27.10.2021 (Đã cập nhật: 12:37 27.10.2021)
© Ảnh : Thu Hương - TTXVNNhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng ngày 27/10, trường tiểu học Thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã bắt đầu đón những học sinh đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt này.
Từ 7h sáng, Trung tâm Y tế huyện Củ Chi đã chuyển 1.500 liều vaccine Pfizer cho đại diện Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi. Bệnh viện này sẽ thực hiện công tác tiêm chủng ngày hôm nay.
Chuẩn bị đặc biệt chu đáo công tác tiêm vaccine
Tại huyện Củ Chi, kế hoạch ban đầu là ngày 27/10 tổ chức 6 điểm tiêm tại 6 trường học trong huyện với 11.000 trẻ. Tuy nhiên, sau khi khảo sát vào chiều hôm qua (26/10), Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo huyện Củ Chi tiêm vaccine cho trẻ tại duy nhất một địa điểm với 1.200 trẻ vào sáng nay. Sau đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt tại 6 điểm tiêm khi có hướng dẫn của Sở Y tế thành phố.
Bác sĩ CKI. Lê Thị Mai, phụ trách điểm tiêm cho biết, bệnh viện huy động 35 bác sĩ, điều dưỡng cho buổi tiêm đầu tiên này.
“Ban đầu dự kiến tiêm cho 1.500 học sinh, tuy nhiên con số thực tế có thể chỉ ở khoảng 1.200 em. Chúng tôi sắp xếp, phân luồng đảm bảo an toàn phòng dịch theo duy định. Có 10 bàn tiêm sắp xếp ở 2 cổng trường, cổng 1 và cổng 2”, bác sĩ Mai thông tin.
2 xe cấp cứu được chuẩn bị sẵn, khoảng 35 tình nguyện viên hỗ trợ phân luồng, 20 tình nguyện viên hỗ trợ nhập liệu có mặt từ sớm.
Trong khi đó, sát bên cạnh là trường THPT Củ Chi, phụ huynh và các em học sinh trong danh sách tiêm sẽ làm thủ tục xác nhận đồng ý tiêm chủng.
Phụ huynh hồi hộp khi con mình tiêm vaccine Covid-19
Có mặt từ 6h45 làm thủ tục, chị Đặng Hồng Yến, 41 tuổi không giấu được cảm xúc hồi hộp. Gia đình chị có hơn 10 người cùng ở chung nhà. Hiện chỉ còn 3 cháu bé dưới 10 tuổi và con chị học lớp 12 chưa được tiêm ngừa.
“Vừa lo vừa mừng. Đây là lần đầu tiên TP.HCM tiêm cho các cháu ở tuổi 16-17. Các đợt tiêm cho người lớn đều an toàn rồi. Lo một chút xíu thôi nhưng cũng rất mong được diễn ra vì suốt mùa dịch mình không dám cho con ra ngoài đường”, chị Yến chia sẻ.
Em Hoàng Duy, học sinh lớp 12 trường THPT Củ Chi, cũng hồi hộp cả đêm khi là 1 trong số những học sinh đầu tiên của TP.HCM được tiêm ngừa vắc xin Covid-19.
“Em hơi căng thẳng vì có thể có các tác dụng phụ sau tiêm. Nhưng em khá vui và có chút hứng khởi vì thuộc nhóm đầu tiên được tiêm ngừa”, Duy vui vẻ nói.
Suốt đợt dịch thứ 4, Duy chỉ ở trong nhà vì lo ngại nguy cơ mắc bệnh khi TP.HCM là điểm nóng nhất trên toàn quốc. Toàn bộ học sinh trong lớp Duy đều tham gia tiêm đợt này.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVNPhó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức (bên trái) tới kiểm tra điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi sáng 27/10.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức (bên trái) tới kiểm tra điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi sáng 27/10.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN
8h sáng nay, buổi tiêm đã chính thức bắt đầu. Huyện Củ Chi là đơn vị tiêm thí điểm vắc xin Covid-19 đầu tiên cho học sinh từ 16-17 tuổi của TP.HCM. Trường tiểu học Thị trấn Củ Chi là điểm tiêm duy nhất.
Theo thông tin vừa mới đây, tại quận 1, TP.HCM, dự kiến ngày đầu tiên sẽ thí điểm tiêm tại 3 điểm là Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Ernst Thälmann và Bệnh viện Quận 1. Trong chiều ngày 26/10, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã khảo sát thực tế và trao đổi với Quận 1, cuối cùng, Quận 1 thống nhất sẽ chỉ tổ chức 1 điểm tiêm tại trường Lương Thế Vinh cho toàn bộ khối 12 với khoảng 310 học sinh vào chiều nay.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVNNhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm cho học sinh.
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm cho học sinh.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN
Những lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ
Theo bác sĩ (BS) Hồ Vĩnh Thắng (Viện Pasteur TP.HCM), trước tiêm cần theo dõi sức khỏe của con có ổn không, có đang sốt, nhiễm trùng hay có vấn đề khác không. Cho con ăn uống đầy đủ trước tiêm. Cán bộ y tế sẽ khai thác tiền sử tiêm chủng, dị ứng, bệnh nền..., cha mẹ cần cung cấp.
“Sau 30 phút theo dõi tại điểm tiêm, về nhà theo dõi ít nhất 24 giờ, trên 24 giờ càng tốt. Sau tiêm cho trẻ ăn uống, tắm bình thường. Theo dõi nhịp thở của trẻ có tăng không; nếu da xanh, tái hoặc phản ứng dị ứng da nổi đỏ; nếu trẻ than đau; nếu chỗ tiêm sưng to thì đưa đến cơ sở y tế. Nếu chỗ tiêm đau nhưng không sưng to thì uống giảm đau, hạ sốt...” - BS Thắng nói.
Theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sau tiêm trẻ có phản ứng từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì chủ yếu đau chỗ tiêm, sốt nhẹ và đáp ứng với thuốc hạ sốt; phản ứng vừa như sốt cao, sốt sau tiêm 12 giờ, co giật; và nặng là phản ứng độ 2 trở lên, nhiễm trùng, nhiễm độc v.v.
Về phía nhà trường, y tế địa phương, theo bà Trương Thị Thanh Lan, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), quận/huyện lên danh sách các điểm tiêm chủng trường học và phải được trung tâm y tế đánh giá đạt yêu cầu mới được tiêm. HCDC cung cấp tài liệu truyền thông tin cho trung tâm y tế để cấp về cho các trường để truyền thông cho trẻ và phụ huynh hiểu, đồng thuận tiêm. Tổ chức điểm tiêm, bố trí diện tích tương ứng với số trẻ tiêm, rộng rãi, thoáng mát, nơi tiêm bố trí khuất để trẻ không sợ.
Đặc biệt lưu ý, bố trí tiêm 1 chiều, nhờ thầy cô giám sát tránh xảy ra trẻ “bị” tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Thầy cô giáo xác nhận, phân luồng học sinh; tạo điều kiện thoải mái, thư giãn, tránh tâm lý lo sợ. Nhà trường điều động từng lớp xuống điểm tiêm, tiêm xong lớp này mới tới lớp khác. Nhà trường và thầy cô hỗ trợ giữ trật tự cũng như tổ chức cho trẻ được tiêm đầy đủ. Buổi tiêm kết thúc sau khi trẻ cuối cùng theo dõi sau 30 phút tiêm.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVNLoại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho học sinh tại TP.Hồ Chí Minh là vaccine Pfizer.
Loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho học sinh tại TP.Hồ Chí Minh là vaccine Pfizer.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN