Nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ
Như tờ Financial Times lưu ý, kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chính sách hạt nhân của Mỹ vẫn "mơ hồ một cách có chủ ý." Về lý thuyết, Washington có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, vì vậy các đồng minh của họ cảm thấy được bảo vệ dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.
Ấn phẩm Financial Times nhắc nhở rằng hiện nay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phân tích chính sách liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Dự kiến việc xem xét này sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.
Theo các nguồn tin thân cận, Washington đã gửi một thông điệp cho các đồng minh để tìm hiểu lập trường của họ về những thay đổi trong chính sách hạt nhân của Mỹ. Hầu hết các nước NATO đều đánh giá tiêu cực trước mọi thay đổi trong lĩnh vực này.
Theo tờ Financial Times, các nước Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Australia phản đối việc sửa đổi chính sách. Nhiều người lo ngại rằng Biden đang xem xét việc chuyển sang áp dụng nguyên tắc "mục tiêu duy nhất", theo đó Mỹ chỉ có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp cụ thể. Theo một số nhân vật, nguyên tắc này sẽ không làm tăng sự ổn định, mà chỉ “tiếp thêm dũng khí” cho Moskva và Bắc Kinh.
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức châu Âu: "Đây sẽ là món quà rất lớn dành cho Trung Quốc và Nga".
Đại diện NATO nhiều lần cáo buộc Nga đang phát triển kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, là thành viên NATO, Mỹ không từ bỏ khái niệm tấn công phủ đầu.
Moskva nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là phương tiện phòng vệ. Ngoài ra, học thuyết hạt nhân của Nga không quy định về tấn công phủ đầu.