Những con số lạc quan từ ngành vận tải hàng hải Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp hải Việt Nam vừa công bố báo cáo về doanh thu trong Quý III vừa qua, các chỉ số tích cực cho thấy lợi nhuận trong mảng vận tải biển đang trên đà đi lên, thậm chỉ một vài doanh nghiệp còn 'lãi đậm'.
Cụ thể, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đạt 4.127 tỷ đồng doanh thu, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận quý vừa qua đạt 760 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 30 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh đầy khả quan của VIMC đến thu về từ vận tải và khai thác cảng biển. Đáng chú ý, khối vận tải biển kinh doanh vượt kế hoạch đề ra trong 9 tháng, nhờ sự hồi phục mạnh từ thị trường tàu hàng khô.
Không những thế, các doanh nghiệp thành viên của VIMC cũng đều đàm phán cho thuê tàu với giá tốt. Tổng sản lượng vận tải biển 9 tháng đầu năm đạt hơn 18 triệu tấn, lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng.
Trong số đó, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) được xem là một hiện tượng. Quý III, Vosco đạt gần 385 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng cùng với chi phí thường xuyên được cân đối khá tốt giúp doanh nghiệp này lãi ròng gần 186 tỷ đồng, thoát khoản lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng, Vosco lãi khoảng 409 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ hơn 139 tỷ đồng.
Còn Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại (Transco) tuy chỉ lãi 9 tỷ đồng nhưng ghi nhận tăng trưởng đến 2.538% so với cùng kỳ. Quý III năm ngoái, doanh nghiệp này chỉ lãi 326 triệu đồng.
Ngoài ra, các thành viên khác của VIMC cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như Công ty Cổ phần Vận tải Biển Vinaship lãi 69 tỷ đồng sau 9 tháng. Công ty Đông Đô Marine báo lãi 6 tỷ đồng sau nhiều năm lỗ nặng.
Tương tự VIMC, đà tăng trưởng của ngành vận tải biển cũng được ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp khác. Trong quý vừa qua, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đạt doanh thu thuần 476 tỷ đồng, tăng 65%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng 370%, đạt hơn 100 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất của Hải An kể từ khi niêm yết vào năm 2014.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của HAH đạt 1.284 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 284 tỷ đồng. Hai chỉ số trên lần lượt tăng một nửa và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, doanh nghiệp này vượt 79% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm chỉ sau 9 tháng.
Nguyên nhân khiến doanh thu của ngành vận tải biển tăng 'đột biến'
Nguyên nhân chính kéo lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lập đỉnh là do giá cước tàu biển tăng cao là.
Theo ABC News, chi phí vận tải biển đã tăng cao ngoài tầm kiểm soát trong đại dịch và đạt đến đỉnh điểm. Fox Business dẫn số liệu của Freightos Index cho thấy, chi phí trung bình để vận chuyển một container tiêu chuẩn từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ đạt 20.586 USD, tăng gần gấp đôi so với chi phí của tháng 7 và gấp đôi so với tháng 1.
Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở nhiều nền kinh tế lớn cũng khiến nhu cầu giao thương tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do, vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu tương đối ổn định.
Theo số liệu từ Cục Hàng hải, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 535 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, dù một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU, tăng 15%.
Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ rõ, ngành cảng biển vẫn duy trì triển vọng khả quan nhờ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đang củng cố triển vọng thương mại và gia tăng lượng hàng hóa qua cảng.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nội địa dự báo tăng trưởng hai con số, lần lượt đạt 15% và 14% trong năm 2021 và 2022. Tăng trưởng sản lượng container vận tải còn được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.