Theo đó, xu hướng tâm lý người Việt thích sinh con trai hơn con gái, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam khiến tỷ lệ dư thừa nam giới, thiếu hụt phụ nữ trở nên rõ rệt.
Thực tế chênh lệch giới tính ở Việt Nam ngày càng tăng theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khoảng 4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ không thế lấy được vợ vào năm 2050 do mất cân bằng nghiêm trọng tỷ lệ sinh.
Thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam
Chủ đề mất cân bằng giới tính, trai nhiều hơn gái và tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam thu hút sự chú ý rất lớn từ chuyên gia, các nhà làm chính sách cũng như chuyên gia trong và ngoài nước.
Ngày 26/10 vừa qua, báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021 công bố, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao. Riêng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất của cả nước.
Báo cáo do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp công bố.
Phát biểu tại sự kiện này, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam khẳng định, đây là lần đầu tiên có một bản báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam.
Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021 tham chiếu lăng kính rộng hơn về bình đẳng giới bao gồm các thảo luận về tính đa dạng giới, xu hướng tình dục, đồng thời nhấn mạnh dữ liệu liên quan đến các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi.
Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nêu rõ, chính những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới, hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”, bà Elisa Fernandez Saenz khuyến nghị.
Cũng theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, từ năm 2000, Việt Nam đã tiến hành đánh giá quốc gia về giới 5 năm một lần. Nỗ lực liên ngành này nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được đối với các dữ liệu chính về bình đẳng giới cũng như đưa ra các phân tích, khuyến nghị để giải quyết các rào cản đối với tiến bộ cũng như thu hẹp khoảng cách về giới.
Mỗi báo cáo riêng lẻ đã xác định các vấn đề hoặc chênh lệch về giới trong các lĩnh vực báo cáo điều tra - từ quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư, biến đổi khí hậu.
“Từ báo cáo hằng năm này, rõ ràng bình đẳng giới là cốt lõi của bình đẳng thực sự, bền vững và tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Báo cáo được đánh giá là một nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ lồng ghép giới trong quá trình chuẩn bị Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDCF) cho giai đoạn 2022-2027.
Đối với các đối tác phát triển khác và các bên liên quan làm việc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bản Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một kim chỉ nam hữu ích để giám sát tiến độ thực hiên Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua lăng kính đáp ứng giới.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho rằng các đơn vị nghiên cứu đã đầu tư vào việc thu thập dữ liệu này với niềm tin vào sức mạnh của bằng chứng. Đây là công cụ hữu ích để thúc đẩy các thảo luận, định hướng chính sách, các dịch vụ và cơ hội.
“Đối với Australia, 16 khuyến nghị chính trong báo cáo thể hiện vị trí trọng tâm của quan hệ đối tác về bình đẳng giới của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam và cách mà Chính phủ Australia có thể hỗ trợ các nhóm gặp bất lợi phức tạp và đan xen”, Đại sứ Úc nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB nhận định, việc đẩy nhanh tiến độ về bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hoạt động của ADB theo Chiến lược toàn khu vực 2023.
“Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng báo cáo này đặc biệt đề cập việc phân tích giới trong các lĩnh vực hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam, chẳng hạn như môi trường, và phát triển đô thị và nông thôn”, ông Andrew Jeffries bày tỏ.
ADB đóng góp tài trợ cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ để chúng dễ tiếp cận hơn, giá cả phải chăng và an toàn hơn cho người dùng và người thụ hưởng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các đối tác phát triển để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, Giám đốc Quốc gia của ADB cam kết.
Vì sao tỷ lệ sinh con trai nhiều hơn con gái?
Theo báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái được sinh ra. Trong khi đó, tỷ số thông thường của thế giới đang ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái.
Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch cao nhất, khoảng 115,5; tăng nhẹ so với mức 115,3 vào năm 2009. Bên cạnh đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 10 năm giảm từ 109,9 xuống còn 106,9.
Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở miền Bắc, gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.
Báo cáo cũng chỉ rõ, để đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ là thách thức rất lớn.
Theo các nhà nghiên cứu của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra những nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Trong đó, có một số nguyên nhân chính như tâm lý ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai, để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền.
“Việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai, hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi, dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính. Đồng thời, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh”, báo cáo chỉ rõ.
Báo cáo cũng cho biết, tháp dân số của Việt Nam trong 10 năm qua, đã có sự thu hẹp dần của nhóm từ 10 đến 24 tuổi. Cả nước dù vẫn trong giai đoạn dân số vàng, song tỷ trọng dân số các nhóm tuổi già đang tăng dần, phản ánh quá trình già hóa dân số.
GS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra ba nguyên nhân, yếu tố tác động đến mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, trong đó, nguyên nhân sâu xa do ảnh hưởng của Nho giáo, bất bình đẳng giới ở Việt Nam.
Theo GS. Cử, Nho giáo có quan điểm "trọng nam, khinh nữ" rất rõ ràng và cực đoan. Nho giáo đặt phụ nữ ở địa vị thấp kém, "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", thậm chí còn cho rằng, "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Một trai là có, mười gái coi như không).
“Sợi dây tâm thức xã hội vô hình nhưng có sức mạnh bền bỉ, buộc nhiều người Việt vào mục tiêu phải có con trai, tạo thành một áp lực suốt đời không chỉ là của bản thân mà còn của gia đình, họ hàng và cộng đồng, xã hội”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thứ hai, theo nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp. Trong nền sản xuất phổ biến là nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và trình độ thủ công, sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, đi biển và khai thác rừng...
GS. Cử phân tích cụ thể, khi năng suất lao động khu vực nông nghiệp thấp nên cha mẹ thường không có tích luỹ để dành cho tuổi già, đại đa số không có lương hưu, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển. Vì vậy, khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con trai.
Nguyên nhân thứ ba, theo ông Cử, đó là việc lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Ngày nay, có thể chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và việc phá thai ngày càng thuận tiện, an toàn.
“Nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ, người ta có thể phá thai”, chuyên gia Việt Nam nói.
Cùng với đó, sự ra đời của công nghệ hiện đại, khiến việc lựa chọn giới tính khi sinh trở nên khả thi với nhiều gia đình. Công nghệ mới một mặt hỗ trợ phát hiện và giảm thiểu tai biến trong quá trình mang thai và sinh con. Mặt khác nó cũng hỗ trợ việc xác định giới tính của em bé trước khi chào đời, và tạo điều kiện cho việc lựa chọn giới tính trước sinh.
Tình trạng dư thừa nam giới dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là sức ép hôn nhân, tức nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Điều này làm mất cân bằng cấu trúc dân số, từ đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình...
“Hiện nay mức sinh ở Việt Nam giảm tương đối nhanh và số con mà một cặp vợ chồng có thể sinh đang ít đi. Điều này tạo ra áp lực khiến các cặp vợ chồng phải sử dụng những biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh để sinh được con trai”, ông Cử cho biết.
Khoảng 4 triệu đàn ông Việt sẽ ế vợ?
Trước đó, tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo, khoảng 4 triệu đàn ông Việt sẽ không thể lấy vợ vào năm 2050.
Nghiên cứu của Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam cũng dự báo, đất nước sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, dư thừa 2,5 triệu nam giới vào năm 2059.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do tỷ số giới tính khi sinh hiện nay ở Việt Nam đang mất cân bằng nghiêm trọng.
Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng lại dẫn đầu cả nước về sự chênh lệch này. Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, tình trạng các thanh niên đến tuổi lập gia đình khó lấy vợ cũng đã xảy tại quốc gia Đông Nam Á này nhưng chưa phải mức báo động.
Tuy nhiên, trong khoảng 20 - 25 năm tới, Việt Nam sẽ thấy rõ được hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì hậu quả của việc này sẽ không đến ngay lập tức.
Các chuyên gia lưu ý, giả sử năm nay mất cân bằng giới tính khi sinh thì hậu quả chưa xảy ra ngay mà phải từ 20 - 25 năm tới, khi họ đến tuổi xây dựng gia đình thì mới thấy rõ hệ lụy từ việc này. Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam Naomi Kitahara đề cập đến việc Việt Nam thiếu phụ nữ.
“Mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 45.900 bé gái, tức là 45.900 bé gái không có cơ hội chào đời chỉ vì các em là con gái. Đây là minh chứng rõ cho thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại hiện nay”, chuyên gia của UNFPA thừa nhận.
Theo bà Kitahara, trên thế giới khoảng 10 nước đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ba nước điển hình là Hàn Quốc, Singapore, và Tunisia đã thành công trong việc đảo ngược xu hướng này, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong cuộc chia sẻ với VnExpress, Trưởng Đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam cho biết, một trong những chính sách mà cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đã ban hành là cấm tiết lộ giới tính thai nhi khi khám thai. Trong đó, Hàn Quốc có những chính sách giáo dục hết sức tiến bộ cho phụ nữ, trẻ em gái và cho mọi người về vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái.
Theo bà Naomi Kitahara, điều quan trọng là cần có các biện pháp truyền thông để thay đổi nhận thức của xã hội và cộng đồng về vấn đề này. Đồng thời, các khung pháp lý cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực như sở hữu và thừa kế tài sản.
Việt Nam cũng cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, trong đó có việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, không tiết lộ giới tính thai nhi. Cùng với đó, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, để người cao tuổi nói chung và đặc biệt là người cao tuổi có hai con gái an tâm khi tuổi già.