Đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Y tế
Như Sputnik đã đưa tin, nghị trường Quốc hội sáng 10/11 đã 'nóng lên' khi các ĐBQH liên tục đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Mà đa số các câu hỏi đều liên quan đến việc 'loạn giá kit test xét nghiệm', 'chất lượng nhân lực' ngành y tế qua những sai phạm đã bị xử lý thời gian vừa qua.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 32 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận.
Ngay sau khi phiên 'điều trần' buổi sáng kết thúc, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khoá XIII đã nhận xét về phần đăng đàn lần đầu tiên của Bộ trưởng Long:
"Người trả lời cũng trực diện. Đây là lần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, cụ thể, không vòng vo, báo cáo thành tích. Trả lời trực diện những vấn đề rất nóng, khó như đấu thầu y tế, test, giá test, thời gian test. Bộ trưởng trả lời đáp ứng mong mỏi của cử tri và các ĐBQH".
Khẳng định rằng y tế là vấn đề 'nóng' nhất trong đại dịch Covid-19, lực lượng y tế là lực lượng tuyến đầu, chính vì thế Quốc hội không thể không dành sự quan tâm , cũng như thắc mắc đến ngành y tế.
Cấm giáo viên dạy thêm, tại sao bác sĩ được làm thêm?
Tại hội trường Quốc hội, lấy dẫn chứng ngành giáo dục yêu cầu cấm dạy thêm, học thêm để đảm bảo chất lượng dạy và học trên lớp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi việc các bác sĩ liên kết xây dựng phòng khám riêng có ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện công hay không.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc hành nghề, làm thêm của bác sĩ ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố liên quan đến thu nhập, uy tín. Việc bác sĩ hành nghề vừa đảm bảo thêm thu nhập lại nâng cao năng lực chuyên môn của họ.
Ông Long nhấn mạnh không nên phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lực lượng trên, do vậy sự trao đổi và chia sẻ sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, tái tạo sức lao động của bác sĩ. Đồng thời, cơ quan này nghiêm cấm việc không hoàn thành công việc ở cơ sở y tế công lập mà đã làm ở cơ sở tư nhân.
“Các tỉnh, thành phố và sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Y tế: Loạn giá xét nghiệm do 'mải mê' chống dịch
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm là việc quản lý giá với các mặt hàng y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá.
Giá cả khác nhau do có nhiều hãng, nhiều nước sản xuất và do tính thời điểm.
"Khi cung ít cầu nhiều thì giá thành cao hơn. Như hồi đầu dịch năm 2020, khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm nên bị đẩy giá lên cao. Sau đó, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nên giá hạ", Bộ trưởng nói.
Riêng với kit test Covid-19, trước ngày 1/7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế dự báo thị trường sôi động hơn.
Bộ đã yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng "thực thanh thực chi". Để giảm giá thành, Bộ cũng liên tục có điều chỉnh về chiến lược xét nghiệm, như hướng dẫn test gộp mẫu. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị đến tháng 9 mới thực hiện.
"Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị mới nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh", Bộ trưởng Y tế cho biết.
'Bộ Y tế có chủ trương để bác sĩ kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội không'?
Cũng tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề trong thời gian dịch Covid-19, xảy ra tình trạng nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng như máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang.
Chính vì thế, một số bác sĩ kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội nhưng sau đó đã phải xóa hoặc đính chính thông tin. Trả lời câu hỏi đây có phải chủ trương của Bộ hay không, Bộ trưởng Y tế khẳng định:
“Chúng tôi chưa bao giờ có chủ trương không cho bác sĩ kêu gọi trên mạng xã hội”.
Bộ trưởng Long cũng giải trình rõ ràng,, ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và các doanh nghiệp đã chủ động vào việc mua, sản xuất máy thở.Trong năm 2020, có 2 doanh nghiệp trong nước đã sản xuất máy thở ở thể trung bình
Đến nay, về cơ bản những máy thở ở thể trung bình đã có thể đảm bảo nguồn cung trong nước. Đối với máy thở dòng cao chúng ta cũng đã cố gắng mua, huy động, hỗ trợ… Từ đó, tư lệnh ngành y bày tỏ cảm ơn, trân trọng các tổ chức, doanh nghiệp và bạn bè các nước đã hỗ trợ.
“Chúng tôi dự kiến mua 1.000 máy thở nhưng doanh nghiệp đã hỗ trợ 2.400 máy. Tại TP.HCM, doanh nghiệp đã hỗ trợ 750 máy và TP chỉ phải mua 50 máy. Đến nay chúng ta không thiếu máy thở ở cả chức năng cao và thấp”, ông Long nói.
Bộ Y tế cũng đã thành lập các kho dã chiến ở các tỉnh phía Nam và giao trách nhiệm cho bộ phận thường trực tại TP.HCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để điều chuyển.
Tại phiên chất vấn sáng nay dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội cho nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, tổng hợp lại những vấn đề đã được nêu ra, bao gồm:
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới;
Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm;
Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn;
Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.