Từ vụ ông Nguyễn Quang Tuấn: Thầy thuốc giỏi hay một nhà quản lý tồi?
21:08 22.10.2021 (Đã cập nhật: 21:51 22.10.2021)
© Ảnh : TTXVNÔng Nguyễn Quang Tuấn
© Ảnh : TTXVN
Đăng ký
Vụ GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, đương kim Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim bị khởi tố gây rúng động dư luận. Nhiều người tiếc nuối cho một Thầy thuốc giỏi, “bàn tay vàng” trong làng tim mạch Việt Nam.
Chuyên gia y tế trong nước cho rằng, ở Việt Nam có một quan điểm “rất tệ”, đó là, nếu Giám đốc Bệnh viện tay nghề không giỏi, chuyên môn không cao, thì nhân viên không phục. Người ta cũng hay nghĩ về thực tế - thầy thuốc càng giỏi thì càng khó làm lãnh đạo, quản lý.
Bởi giỏi chuyên môn, không đồng nghĩa với việc anh sẽ thành một nhà quản lý tốt, một lãnh đạo tài ba. Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Và trong cơ chế tự chủ bệnh viện chưa rõ ràng như hiện nay, trường hợp của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn là một ví dụ điển hình.
Giám đốc bệnh viện không “cứng” chuyên môn thì nhân viên không phục?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 21/10/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Đồng thời, vụ khởi tố GS.TS Nguyễn Quang Tuấn gây rúng động dư luận tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn là một bác sĩ giỏi, chuyên gia tim bạch hàng đầu Việt Nam, từng tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Toulouse, Pháp, từ chối làm việc ở nước ngoài để về nước cống hiến. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (phương pháp đặt stent)”.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), ông Nguyễn Quang Tuấn đã “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngay sau đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp, thống nhất và Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 4897/QĐ-BYT ngày 21/10/2021 về việc đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Quang Tuấn cho đến khi có kết luận của Cơ quan Điều tra.
Trước đó, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cũng bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan đến vụ nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, cũng như việc GS.TS Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố, hay nguyên Giám đốc Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt giam, tại Việt Nam, gần đây, ngày càng xảy ra nhiều vụ việc lãnh đạo bệnh viện được cho là mắc sai phạm trong quản lý.
© Ảnh : TTXVNÔng Nguyễn Quang Tuấn
Ông Nguyễn Quang Tuấn
© Ảnh : TTXVN
Nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu việc các lãnh đạo bệnh viện tại Việt Nam giỏi chuyên môn hơn quản lý có phải càng khiến cho sai phạm dễ xảy ra hơn, hoặc làm thất thoát nhân tài hay không.
Theo một cựu cán bộ có thâm niên hơn 30 năm làm công tác quản lý ở Bộ Y tế chia sẻ với Tổ quốc, việc quản lý một bệnh viện, dù lớn hay nhỏ, đều rất khó. Đặc biệt, sự khó khăn càng nhân lên với những bệnh viện tuyến trung ương với hàng ngàn nhân sự.
Do cơ chế tự chủ bệnh viện còn chưa rõ ràng, người lãnh đạp bệnh viện càng có nhiều gánh nặng như kiếm tiền để lo cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên làm việc tại bệnh viện…
“Việc tự chủ tự thu tự chi, tổ chức đấu thầu theo những quy chế phức tạp nếu không làm tốt, không nắm vững các quy định có thể mắc phải sai lầm. Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ, bán trang thiết bị có nhiều mánh khóe nếu người lãnh đạo không tỉnh táo, không am hiểu về quản lý tài chính thì có thể xảy ra vi phạm quy chế đấu thầu”, vị này cho biết.
Trước thông tin các bác sĩ giỏi phải bị khởi tố, bị xử lý hình sự, nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho tài năng của những bác sĩ đó. Nhất là với các bệnh nhân từng được chính bác sĩ đó cứu chữa khỏi lưỡi hái tử thần.
Theo vị cán bộ này, nếu lãnh đạo bệnh viện vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý thì sai phạm càng khó tránh khỏi. Trong khi đó, ở nước ngoài, giám đốc bệnh viện thường là người có chuyên môn cao về tài chính – quản trị, trong khi bác sĩ giỏi thường đảm nhận vai trò giám đốc chuyên môn.
Ngược lại, giám đốc bệnh viện lớn ở Việt Nam thường phải là bác sĩ có bằng cấp ít nhất là tiến sĩ hoặc thạc sĩ về chuyên môn, sau đó trang bị thêm bằng cấp về quản lý hành chính, chính trị.
Có một quan điểm tồn tại lâu năm trong hệ thống ngành Y ở Việt Nam là giám đốc bệnh viện mà không có chuyên môn cao hoặc tay nghề giỏi thì nói nhân viên không phục. Vì thế, lãnh đạo bệnh viện sẽ phải lựa chọn hoặc chuyên tâm làm quản lý, hoặc tập trung cho chuyên môn khám chữa bệnh.
“Tôi còn nhớ thầy Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách và một số giáo sư giỏi của ngành y tế khi được đưa lên hoặc gợi ý đưa lên làm lãnh đạo Bộ Y tế đều đã từ chối không làm để tập trung tốt cho công tác chuyên môn. Hay như GS Trịnh Hồng Sơn cũng đã từ chối làm giám đốc bệnh viện Hữu Nghị để ở lại Việt Đức làm chuyên môn”, vị cán bộ chia sẻ.
Khi lên làm quản lý, người bác sĩ phải học thêm các kiến thức về quản lý bệnh viện, đồng thời phải đánh đổi chuyên môn yêu thích của mình để tập trung quản lý.
Tất nhiên, vẫn có những trường hợp, vi phạm về quản lý tài chính bệnh viện do chính người lãnh đạo không vượt qua được những cám dỗ về vật chất.
Tóm lại, Việt Nam nên có cơ chế quản lý bệnh viện rõ ràng hơn, đặc biệt quy định người điều hành bệnh viện phải có chuyên môn quản lý bệnh viện mà không nhất thiết phải giỏi khám chữa bệnh. Có thể nói, mô hình bệnh viện có giám đốc điều hành và giám đốc chuyên môn là điều nên được hướng tới.
Ông Nguyễn Quang Tuấn có thể phải đối diện với mức phạt nào?
Như đã biết, ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, cho tại ngoại đối với ông Nguyễn Quang Tuấn về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Công an hiện đang làm rõ hai gói thầu mua sắm thiết bị vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội, gây thất thoát lên đến 40 tỷ đồng, trong đó, cơ quan điều tra xác định, ông Tuấn có ký một số giấy tờ, văn bản liên quan.
Cùng với việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị Y tế Hoàng Nga, đây được xem là một trong những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trước đó, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam nhiều cuộc cấp của ông Nguyễn Quang Tuấn gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Thị Dung Hạnh (nguyên Kế toán trưởng); Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế.
Cũng về vụ án này, 3 bị can khác cũng bị khởi tố là Trần Phú Hưng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư định giá AIC - Việt Nam) và Nguyễn Hồng Dũng (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định giá Công ty AIC).
Kết quả điều tra đến nay xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thiệt hại 40 tỷ đồng.
Về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222, BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này, gây thiệt hại từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Nếu phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội thông tin với An ninh Thủ đô cho rằng, cấu thành tội phạm này gồm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, xâm phạm vào việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước và hoạt động bình thường của các cơ quan. Đối tượng tác động là hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nhà nước theo các quy định của pháp luật.
Hành vi khách quan của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu gồm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.
“Hậu quả, thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác”, theo Luật sư Lê Hồng Vân.
Chuyên gia cũng lưu ý, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.
“Tội phạm này thường có động cơ, mục đích là vụ lợi. Các hành vi phạm tội thường có sự cấu kết, thông đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, nhà tư vấn, giám sát nhằm nâng giá thầu, lựa chọn nhà thầu không đúng, không đủ năng lực sau đó chuyển nhượng thầu…từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước”, luật sư Vân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm: Những vụ án như Bệnh viện Tim, Bạch Mai có tác dụng răn đe
Trước đó, trong báo cáo trình Quốc hội của Chính phủ về công tác phòng chống, tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (tính từ tháng 10/2020-30/9/2021), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có đề cập đến những vụ án điển hình như sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Báo cáo của Bộ Công an, Chính phủ cho thấy, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đẩy mạnh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi chỉ đạo.
Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, qua công tác phòng ngừa đấu tranh cho thấy, tội phạm tham nhũng, kinh tế buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát lớn tài sản. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Như vụ án vi phạm hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các công ty liên quan, đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can, trong đó có nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng, Phó trưởng phòng của Bệnh viện và bước đầu xác định 2 gói thầu gây thất thoát trên 40 tỷ đồng. Mới nhất là ngày hôm qua, 21/10, cả nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội đồng mua sắm cơ sở này, đương kim Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong báo cáo của mình, Chính phủ nêu rõ, giai đoạn từ 1/10/2020-30/9/2021, các cơ quan đã phát hiện 8.081 vụ (tăng 1,87%), 7.032 đối tượng (giảm 8,69%), 73 tổ chức (tăng 231,82%), trong đó có 10 pháp nhân thương mại phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 371 vụ (tăng 22,44%), 687 đối tượng (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện các vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương phâm - xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.
Trong đó, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, việc phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế như vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt TP.HCM, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La, hay trong lĩnh vực giáo dục như Vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh là những vụ án điển hình như thế.
“Qua đó, có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Vụ án ở Bệnh viện Tim liên quan GS.TS Nguyễn Quang Tuấn vẫn tiếp tục được mở rộng điều tra. Vai trò, trách nhiệm, động cơ các sai phạm làm thiệt hại 40 tỷ đồng của nhà nước sẽ dần được cơ quan Công an làm sáng tỏ. Trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ y học, rất nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân, vẫn mong GS. Tuấn, một chuyên gia đầu ngành về tim mạch, một bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam, một giảng viên gương mẫu của Đại học Y Hà Nội, sẽ không phạm phải sai lầm của những cán bộ thoái hóa phẩm chất, đạo đức - không chịu được sức cám dỗ của đồng tiền, quyền lực.
Người ta mong GS. Tuấn sẽ có thể trở lại với giá trị cao cả nhất sứ mệnh cuộc đời của một lương y – tiếp tục đem bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim mạch cứu chữa cho những bệnh nhân theo đúng lời thề Hipocrates mà ông từng tuyên thệ.