"Chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta"
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Vấn đề nổi trội nhất về giáo dục trong buổi nghị sự sáng nay là về tình trạng học sinh phải học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
"Chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta".
Đây là câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) về bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Qua đó, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Dạy học theo văn mẫu ảnh hướng xấu đến tư duy phát triển của trẻ
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng chỉ đạo không dùng bài văn "văn mẫu" soạn thảo trong dạy và học môn Ngữ Văn. Điều này rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ trưởng chỉ đạo thế nào để thúc đẩy chất lượng hơn?
Về việc dạy văn theo mẫu, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, cần chấm dứt vì việc dạy theo văn mẫu, giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn bài văn mẫu cho học sinh học thuộc.
Điều này rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, tình cảm, cảm xúc chân thực, chân thành của học sinh.
"Việc không được dùng lối đọc chép, văn mẫu cho học sinh học thuộc được chúng tôi coi là điều chỉnh mang tính chuyên môn và tới đây Bộ sẽ có giải pháp triển khai. Nhưng đây là việc lâu dài và phải có nhiều động tác, giải pháp. Việc chấm dứt văn mẫu cũng là nhân tố chuyên môn để hạn chế dạy thêm, học thêm", ông Sơn nhấn mạnh.
Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.
'Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã xảy ra' khi học online
Nhiều vấn đề nóng của ngành được các đại biểu đặt ra và tranh luận với Bộ trưởng như thực trạng dạy thêm, học thêm; chất lượng sách giáo khoa; học sinh thiếu thiết bị học tập; thiếu giáo viên; học sinh không thích học lịch sử...Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ:
"Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết”.
Về vấn đề này, Sputnik cũng từng đưa tin về vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An học online ở nhà thì chiếc điện thoại phát nổ, học sinh này đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Với vấn đề tăng cường chất lượng dạy và học trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Bởi trong 716 quận, huyện trực thuộc, hiện có 350 quận, huyện áp dụng dạy học trực tiếp và 316 đã đi học trực tiếp.
"Nhóm đang học trực tiếp bình thường thì cần giải pháp tăng chất lượng riêng, nhóm chuẩn bị đưa học sinh quay lại trường, nhóm có thể phải tiếp tục học trực tiếp cần có những giải pháp khác" - Bộ trưởng nói và cho biết thêm, đây là chủ đề lớn nên sẽ trả lời lồng ghép vào câu hỏi của các đại biểu tiếp theo.
Trả lời đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh về vấn đề chương trình học trực tuyến không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay:
"Chương trình cốt lõi là giải pháp chuyên môn ứng phó với việc dạy học đa dạng. Dạy trực tuyến được xây dựng bám trên chương trình cốt lõi, bao gồm cả việc học và kiểm tra, không phải bê nguyên chương trình bình thường vào dạy trực tuyến".
Trong bối cảnh mới, Bộ đã ban hành văn bản xác định chương trình học cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.
Các địa phương đang dạy trực tiếp sẽ dạy theo chương trình cốt lõi, sau đó quay lại củng cố mở rộng thêm. Với những nơi học trực tuyến, giáo viên bám theo chương trình cốt lõi và sẽ củng cố mở rộng thêm khi trở lại học trực tiếp.