Luận thuyết xưa vẫn phù hợp cho ngày nay
«Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai bản dịch chuyên luận này sang tiếng Việt. Cuốn đầu tiên nhan đề «Binh pháp của ông Tôn Tử», được thực hiện vào năm 1945, trước Cách mạng Tháng Tám, còn thứ hai - «Binh pháp Tôn Tử» - được công bố dưới dạng những bài báo riêng đăng trong 18 số của tạp chí «Cứu Quốc» năm 1946, - GS Vladimir Kolotov kể. – Hai bản dịch này có sự khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch sách với những mục đích khác nhau. Năm 1945, chuyện nói về việc giành chính quyền, còn năm 1946 - về giữ chính quyền, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ tự do và độc lập của nước Việt Nam DCCH non trẻ. Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này, cần có những cán bộ được đào tạo bài bản, có tư duy chiến lược và chiến thuật, và các chỉ huy của QĐND Việt Nam đã nghiên cứu những quy luật chiến tranh vạch ra trong Binh pháp Tôn Tử và được Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch một cách sinh động, giầu hình ảnh mà dễ hiểu. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thuần tuý dịch luận thuyết của Tôn Tử cổ xưa sang tiếng Việt hiện đại, mà Người còn bình luận về từng mục của binh pháp Tôn Tử, dẫn ra các ví dụ từ lịch sử, hơn nữa, không chỉ lịch sử cổ đại, mà cả hiện đại, đề cập đến những tướng lĩnh tiêu biểu như Napoléon, Đô đốc Nelson, giới thiệu những khái niệm mới, nói về các trận ném bom nguyên tử, cho thấy tầm nhìn xa khoa học và hơn thế nữa. Tức là, cuốn sách không phải là một bản dịch đơn thuần, mà là sự sáng tạo cách tân hóa luận thuyết kinh điển, thích ứng nó với điều kiện thời hiện đại. Tôi đã dịch cả hai văn bản, kiểm tra không chỉ bản gốc tiếng Trung của Tôn Tử, mà còn so sánh với các bản dịch sang các ngôn ngữ châu Âu khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Cần lưu ý rằng tôi đã chỉnh lý tiêu đề của cuốn sách từ cách diễn đạt «Nghệ thuật chiến tranh» quen thuộc của người Pháp, người Anh và người Nga thành «Các đạo luật chiến tranh». Chuyện ở đây nói về những định luật không do con người nghĩ ra mà tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, và tri thức từ những đạo luật đó sẽ giúp đánh bại cả kẻ thù hùng mạnh nhất. Chẳng hạn, một trong những luật quan trọng nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến là «Biết mình, biết người». Chỉ khi tự hiểu rõ năng lực của chính mình và khả năng cũng như ý đồ của đối phương thì mới có thể giành chiến thắng. Đạo luật này không chỉ có tác dụng đối với chiến tranh, mà còn cả trong chính trị và đối với bất kỳ mối quan hệ nào với mọi người».