Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vận hành tốt sau 1 tuần khai thác

Trong vòng 1 tuần chạy miễn phí đầu tiên, đơn vị đã thực hiện 930 chuyến tàu, chở hơn 165.000 lượt hành khách.
Sputnik
Sau một tuần khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình vận tải công cộng ưu việt, hiện đại.

Hơn 165.000 lượt khách trong tuần, vượt kế hoạch

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), sau một tuần vận hành đầu tiên (từ ngày 6/11 đến 13/11) tàu Cát Linh - Hà Đông, Công ty Hanoi Metro vừa có báo cáo về số lượng hành khách và lượt chạy tàu. Theo đó, trong tuần đầu vận hành tàu đô thị đã chở được 165.824 lượt hành khách.
“Kết quả khai thác tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh - Hà Đông) trong một tuần qua đã đạt mức khả quan nhất trong các kịch bản mà doanh nghiệp chuẩn bị”, ông Trường cho biết.
Cụ thể, theo Tổng giám đốc Hanoi Metro, đơn vị đã huy động 930 lượt tàu chạy an toàn, tất cả các lượt tàu này đều do cán bộ, nhân viên và lái tàu người Việt làm việc tại Hanoi Metro đảm nhiệm hoàn toàn.
Mối quan tâm đặc biệt: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thay xe cá nhân?
Về kế hoạch chạy tàu trong tuần tiếp theo, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, thay vì chạy 15 phút/chuyến, bắt đầu từ ngày thứ bảy (13/11), Hanoi Metro đã tăng tần suất chạy tàu lên 10 phút/chuyến.
“Việc này vừa để các lượt chạy tàu tiếp cận dần với biểu đồ chạy tàu theo kế hoạch, vừa giảm thời gian chờ đợi tàu của hành khách”, ông Trường thông tin.
Theo ông Trường, ngày đầu tiên vận hành theo thời gian chạy tàu mới, tàu Cát Linh – Hà Đông đã vận hành 203 chuyến tàu chở được 28.035 lượt hành khách, so với các ngày bình thường trước đó, số lượng này tăng 35%.
“Điều đáng mừng là trên tuyến đã xuất hiện những hành khách sử dụng tàu điện vì nhu cầu đi làm, đi học chứ không chỉ tham quan, trải nghiệm”, ông Trường cho hay.
Phân tích về biểu đồ đi tàu của người dân, theo ông Trường, tỷ lệ khách xuất phát từ ga Cát Linh là 27,3%, xuất phát từ ga Yên Nghĩa là 24,2%. Gần 50% chia đều cho 10 ga còn lại.
"Đang có sự dịch chuyển giữa tỷ lệ khách giữa các ga theo hướng cân bằng hơn", ông Trường chia sẻ.
Về chênh lệch hành khách mỗi ngày, ông Trường cho biết số hành khách đi tàu trong 5 ngày tiếp theo (thứ 2 đến thứ 6) thấp hơn so với 2 ngày đầu (thứ 7, Chủ nhật) do lượng hành khách đi tham quan, trải nghiệm đã giảm, cộng với việc báo chí phản ánh chuyện hành khách tụ tập đông người.
"Khi xuất hiện phương thức vận tải mới thì sẽ phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết. Nhưng quan trọng nhất là những người quản lý, vận hành đã nhìn ra và cải thiện để tốt hơn", ông Trường thông tin.

Đã khắc phục nhiều vấn đề

Theo ông Vũ Hồng Trường, trong 7 ngày tiếp nhận và vận hành dự án, lãnh đạo Hanoi Metro đánh giá máy móc thiết bị của tuyến Cát Linh - Hà Đông cơ bản vận hành tốt, đúng theo tiêu chuẩn. Chỉ có hệ thống phát thanh thỉnh thoảng trục trặc do lâu ngày không sử dụng.
“Ở khâu vận hành, chúng tôi đã có cơ chế phối hợp với nhà thầu trong trường hợp phát sinh trục trặc. Theo điều khoản hợp đồng, Tổng thầu Trung Quốc có trách nhiệm bảo hành công trình thêm 2 năm tính từ khi bàn giao”, ông Trường nói.
Trong những ngày đầu, Hanoi Metro bị hụt khoảng 10% lượng thẻ vé phát ra do hành khách để thất lạc trong quá trình đi tàu. Ông Trường cho biết tình trạng này đã được cải thiện trong những ngày tiếp theo.
Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 từ 20.000 người đi trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông
Về tình trạng hành khách mang đồ ăn hoặc mang theo xe đạp cỡ nhỏ lên tàu, lãnh đạo Hanoi Metro khẳng định việc này sẽ bị cấm theo quy định của tuyến tàu điện.
"Điều đáng mừng là hành khách càng đi càng quen. Hiện tượng tập trung đông người gần như không còn. Việc ăn uống trên tàu, mang đồ cồng kềnh cũng giảm rõ rệt", ông Trường cho hay.
Theo ông Trường, trong những ngày đầu vận hành, công ty phải căng người ra để hướng dẫn hành khách. Nhưng trong tuần vừa qua xuất hiện những hành khách đi nhiều lần nên đã quen, thậm chí còn hướng dẫn người khác.
Sau khi báo chí phản ánh tình trạng hành khách ùn ứ tại nhà ga, gây mất an toàn phòng dịch Covid-19, hành khách đến trải nghiệm đi tàu đã chủ động tránh giờ cao điểm, không còn hiện tượng tập trung đông người.
Bên cạnh những vấn đề mà đơn vị khai thác và hành khách có thể cùng nhau khắc phục, còn tồn tại những vấn đề cố hữu của thành phố, ít nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm đi tàu điện.
Đơn cử, người đi bộ đến ga tàu gặp phiền phức khi phải luồn lách qua những đoạn vỉa hè bị lấn chiếm; người gửi xe máy để đi tàu cũng phải chấp nhận một quãng đường đi bộ từ nơi gửi xe ra ga; việc chỉ có một tuyến tàu duy nhất cũng khiến người dân ít có lựa chọn...

Nhanh chóng thiết lập quy hoạch bãi giữ xe cho người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Nhiều hành khách lựa chọn đi tàu Cát Linh-Hà Đông để đi làm nhưng phản ánh họ vẫn phải đi xe máy ra khỏi nhà, chật vật tìm chỗ gửi xe thuận tiện rồi mới có thể lên tàu. Đã có một số bãi gửi xe tự phát mọc lên tại nhà ga lớn nhất tuyến là ga Cát Linh, song giá gửi xe lại khá cao.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng để giảm xe cá nhân vẫn còn rất khó khăn.
Hơn 25.000 khách đi trải nghiệm tàu Cát Linh – Hà Đông trong ngày đầu khai thác
“Lẽ ra người dân sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như xe buýt, đến điểm dừng đỗ rồi di chuyển lên đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đằng này vẫn phải sử dụng xe cá nhân và việc tìm được nơi để xe là vô cùng khó. Thời gian gửi xe và lấy xe cũng rất dài”, ông Thủy phân tích.
Giả sử trong một giờ, tàu Cát Linh-Hà Đông chở được mấy trăm đến 1.000 người, chỉ cần 1/3 số hành khách này đi xe máy hoặc xe đạp thì chỗ nào để họ gửi xe? Ai coi? Thời gian mất bao lâu?", PGS.TS Nguyễn Quang Toản đặt câu hỏi và thừa nhận đây là một bài toán nan giải, và nếu không giải quyết được thì chính sự bất tiện này sẽ khiến người dân không dám sử dụng đường sắt trên cao.
"Người dân vào bãi xe gửi xong rồi ra ga đường sắt trên cao cũng phải mất chừng 15-20 phút. Đến giờ tan tầm, khi tất cả hành khách đều xuống tàu, lấy được xe ra cũng lại mất thêm 15-20 phút. Thời gian ấy có khi bằng đúng thời gian người dân đi xe máy từ cơ quan về nhà.
Từ đó, ông Thủy cho rằng cần phải nhanh chóng thiết lập quy hoạch bãi giữ xe để người dân có điều kiện tiếp cận với đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức đi vào khai thác thương mại
“Hiện nay Hà Nội mới giải quyết được một phần vướng mắc khi có các xe buýt đường ngắn, đến điểm dừng đỗ là người dân có thể lên đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Tuy nhiên, sự thuận lợi này cũng chỉ dành cho một số người chuyên sử dụng phương tiện công cộng, còn những người phải chuyển từ xe đạp, xe máy sang thì hơi khó. Ngay cả vận chuyển bằng ô tô cũng không dễ dàng hơn khi chưa chắc đã tìm được chỗ gửi ở ngoài, còn vào trong TP Hà Nội thì giá gửi xe tương đối cao", ông Thủy nêu rõ.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, phương án chủ yếu vẫn là phải dùng phương tiện giao thông công cộng đường ngắn và đi bộ. Cho nên về lâu dài vẫn phải thiết kế được hệ thống taxi, xe buýt thường, xe buýt nhanh để phục vụ cho khách đi đường sắt trên cao, tàu điện ngầm.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị bốn quận trên dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Hanoi Metro rà soát các vị trí có thể lập bãi trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân đi tàu.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Hanoi Metro cùng phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời tại các ga tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Các chuyên gia giao thông góp ý, để người dân mặn mà hơn với phương tiện vận tải công cộng và tạo thói quen đi bộ, TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan kiểm tra, chấn chỉnh nhưng để tránh tình trạng tái lấn chiếm cũng như giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân, chính quyền các địa phương gần vị trí các ga tàu Cát Linh-Hà Đông.
Cần sớm bố trí các điểm gửi xe, xóa các điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè cho không gian đi bộ của người dân.
Thảo luận