Trong các tuyên bố chính thức được đưa ra, Việt Nam nêu rõ lập trường bảo đảm quyền con người, chống nạn buôn người, thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Những động thái bảo hộ công dân kịp thời của Việt Nam từ vụ Đoàn Thị Hương, thảm họa 39 người Việt chết ở Anh đến trường hợp nhiều lao động Việt (nhất là phụ nữ và trẻ em) phải đối mặt với nạn buôn người, bị bắt cóc, hành hung, lạm dụng tình dục ở nước ngoài, có thể thấy Hà Nội không bỏ rơi công dân của mình.
Gần nhất, 14 phụ nữ Việt Nam bị bán sang Myanmar đã được giải cứu. Cục Đối ngoại Bộ Công An phối hợp tiếp nhận các nạn nhân và đưa về địa phương. Các nạn nhân này trước đó đã được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và giới chức nước bạn giải cứu, đưa trở về Việt Nam.
14 phụ nữ bị bán sang Myanmar được giải cứu về Việt Nam
Thông tin từ Bộ công an cho biết, 14 phụ nữ trên là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại các tỉnh thành gồm Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương, Kiên Giang.
Các nạn nhân trước đó được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Hà Nội), Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các cơ quan liên ngành Myanmar phối hợp giải cứu, đưa về Việt Nam.
Tiếp nhận bàn giao 14 nạn nhân bị mua bán sang Myanmar về Việt Nam
© Ảnh : TTXVN phát
Các nạn nhân cũng đã hoàn tất cách ly y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Trung đoàn 247, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 21/11, Cục Đối ngoại (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ tiếp nhận bàn giao các nạn nhân.
Tham dự buổi lễ có đại diện của Cục Đối ngoại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang.
Sau đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ phương tiện đưa 14 người về địa phương.
Việt Nam đảm bảo công tác bảo hộ công dân, chống nạn buôn người
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, đầu tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã từng đề cập đến nghi vấn một cô gái ở Quảng Trị (Bùi Thị Th., 27 tuổi) bị bắt cóc bán sang Myanmar.
Người mẹ của cô gái – bà Bùi Thị Thu (45 tuổi, ngụ xã Gio Sơn, huyện Gio Linh) sau đó có đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng. Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị đã báo cáo vụ việc cho biết, nạn nhân Bùi Thị Th. Ngày 24/7/2020 rời Quảng Trị vào TP.HCM gặp người môi giới để ra nước ngoài làm việc.
Đến 29/11/2020, một nick Facebook tên N.T.M thông tin với bà Thu là chị Th. Đã bị lừa bán sang Myanmar làm vợ một người đàn ông Miến Điện.
Gia đình bà Thu đã liên hệ với N.T.M và được biết đây cũng là người lấy chồng Trung Quốc, sống ở Myanmar. M đã kêu gọi được một số người bạn góp tiền chuộc Th. Và đưa về ở tạm khách sạn Gia Bảo, Sở Wa Ang, thị trấn bang Khang, bang Shan, Myanmar nhưng tình trạng sức khoẻ của Th. không tốt.
Ngày 13/1/2021, Cục lãnh sự Bộ ngoại giao đã nhận công văn xin hỗ trợ, bảo hộ công dân của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, hỗ trợ đưa chị Th. ở bang Shan, Myanmar về nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, ngay sau khi nhận được đề nghị của Quảng Trị, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Myanmar liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách liên hệ, trao đổi trực tiếp với công dân.
Cơ quan chức năng của Việt Nam đảm bảo công tác bảo hộ công dân, tìm hiểu tình hình sức khoẻ, tình trạng an toàn và nguyện vọng của công dân Quảng Trị nói trên để có thể phối hợp với các cơ quan trong nước thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Sau các vụ việc như của Đoàn Thị Hương, thảm họa 39 người Việt chết trong thùng xe container đông lạnh ở Essex, Anh, lao động Việt Nam gặp khó khăn, thậm chí tử vong ở nước ngoài, các ngành chức năng của Việt Nam đặc biệt chú ý đến công tác bảo hộ công dân, đảm bảo quyền con người, chống nạn buôn người và nâng cao vấn đề bình đẳng giới.
Việt Nam không bao giờ bỏ rơi công dân của mình
Đầu tháng 11 năm nay, có báo cáo về việc một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập, lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Saudi Arabia làm người giúp việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã nhận thông tin phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây.
“Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Cũng theo người phát ngôn, Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam ở Saudi Arabia đã phối hợp với công ty phái cử lao động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm những tranh chấp với chủ sử dụng, bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước sở tại.
Đối với thông tin người lao động Việt Nam bị chủ nhà máy người Trung Quốc giam giữ trái phép ở Serbia, bà Hằng khẳng định, “không có chuyện hành hung hay đánh đập”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam (tại Rumania) nắm thông tin, tình hình, liên hệ cơ quan chức năng sở lại để bảo vệ quyền của công dân Việt Nam, an toàn của người lao động Việt Nam tại đất nước thuộc khu vực đông nam châu Âu này.
Cũng như Sputnik nhiều lần đề cập, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới.
Gần nhất, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2021 – sự kiện được ví như “Diễn đàn Davos của phụ nữ”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tuyên bố rằng, Hà Nội luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là chủ trương, chính sách nhất quán và xuyên suốt, vừa là một trong những ưu tiên hàng đầu tại các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Về phần mình, cùng với công tác bảo hộ công dân, bảo đảm quyền con người, thúc đẩy bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ lập trường, trong đó, chính quyền Hà Nội cam kết luôn quan tâm và chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài, thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng Việt Nam ở nước sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài.
Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012, Luật trẻ em năm 2016.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng là nước đầu tiên ở khu vực châu Á, và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về Quyền trẻ em. Ngoài ra, Hà Nội cũng gia nhập 25 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bao gồm 7/8 Công ước cơ bản, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
“Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó đặc biệt là lao động nữ, trẻ em trong trường hợp cần thiết”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.