'Bất cứ ai cũng đều có thể tự bỏ tiền sản xuất một bản ghi Tiến quân ca riêng'?
Thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam xôn xao về việc Công ty BHMedia bị tố là tự nhận nắm bản quyền bài hát Tiến quân ca, cũng là Quốc ca của Việt Nam.
Tuy nhiên khi bị truyền thông nghi vấn, phía BHMedia cho rằng họ không nhận mình nắm bản quyền tác phẩm Quốc ca mà họ chỉ đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube.
Theo BHMedia, ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức có thể tự bỏ tiền sản xuất một bản ghi Tiến quân ca riêng.
"Khi đó các tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Bất kỳ ai, kể cả Đài truyền hình quốc gia, muốn sử dụng những bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu. BHMedia đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Do đó, bất kỳ ai sử dụng bản ghi này của Hồ Gươm mà chưa xin phép, đều vi phạm bản quyền”, đại diện BHMedia cho hay.
Vụ việc này khiến công chúng đặt câu hỏi, vậy hiện tại bản quyền tác phẩm 'Tiến quân ca' thuộc sở hữu của ai?
Tiến quân ca đã được tặng 'phi lợi nhuận' cho Nhà nước Việt Nam
Trước đó ngày 15/7/2016, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao và con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho Nhà nước Việt Nam. Văn bản trong Lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca ghi rõ:
“Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”.
Cũng tại buổi lễ tiếp nhận Tiến quân ca này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên khi đó cho biết Bộ VH-TT-DL được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến quân ca.
Theo đó, cơ quan này có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ VH-TT-DL cũng cho biết đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài Tiến quân ca cho Cục Bản quyền tác giả.
Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc phải nộp tiền tác quyền nếu hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước. Về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng cho biết:
“Theo tôi hiểu là gia đình hiến tặng ca khúc thì nó thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa có quy định về việc phải sử dụng thế nào. Vì như đất đai, nhà nước quản lý thì vẫn có luật về đất đai. Chứ những tài sản hiện do nhà nước quản lý dạng vô hình này vẫn chưa có quy định cụ thể”.
Cũng theo ông Dũng, Bộ VH-TT-DL đã có Hướng dẫn 3420 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ban hành năm 2012. Tuy nhiên, trong đó vẫn chưa có quy định cụ thể về bản quyền.
Quốc hội có nên ban hành bản quyền cho Quốc ca?
Nếu liên kết sự việc trên có thể thấy rằng, gia đình nhạc sĩ Văn Cao chuyển giao quyền sở hữu toàn bộ các quyền tài sản bài hát đó cho nhà nước. Trong đó, đại diện quản lý quyền đó là Bộ VH-TT-DL, và hiện Bộ VH-TT-DL lại giao quyền đó cho Cục Bản quyền tác giả.
Tuy nhiên trong quyền tài sản bao gồm quyền biểu diễn, quyền truyền đạt tới công chúng, có quyền làm bản sao. Như vậy, Bộ VH-TT-DL là chủ sở hữu nhưng chỉ sở hữu các quyền tài sản thôi.
Ngoài ra, quyền nhân thân của tác phẩm vẫn tiếp tục thuộc về người thừa kế của nhạc sĩ Văn Cao. Bởi, các quyền nhân thân là quyền tuyệt đối của tác giả, kể cả khi tác giả đã mất, khi thời hạn bảo hộ bản quyền đã hết thì quyền đó vẫn còn.
Nếu tác giả đã mất thì người thừa kế sẽ hưởng. Chính vì thế, việc thay đổi nội dung tác phẩm hay cụ thể là đặt lời mới cho Tiến quân ca liên quan đến quyền nhân thân này.
Nghĩa là hiện tại Tiến quân ca chỉ có bản quyền về việc biểu diễn ở đâu và phần lời của tác phẩm. Còn phần giai điệu và ca từ thuộc sở hữu của Nhà nước và Nhân dân, cũng như mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tự tạo phần hòa âm, phối khí chỉ cần không thay đổi lời của tác phẩm là được.
Điều này cũng dẫn đến những câu hỏi pháp lý liên quan đến tác quyền khi sử dụng Quốc ca.
Ví dụ như việc, một dàn nhạc nước ngoài muốn hòa tấu bản Tiến quân ca hay một bộ phim nước ngoài về Việt Nam, trong đó có sử dụng bản Tiến quân ca, họ có phải xin phép hay không và xin phép ai, thủ tục thế nào?
Một cuộc thi muốn đặt thêm lời mới trên nền nhạc Tiến quân ca liệu có được phép hay không và phải xin phép ra sao?
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho rằng phải có từng trường hợp cụ thể mới có thể trả lời được.
Liên quan đến những câu hỏi trên, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng có những vấn đề liên quan đến sử dụng Quốc ca mà thực tế có thể đặt ra.
“Nếu luật chưa bao quát thì cần phải có một văn bản, thay vì một tập thể thì giao cho ai đó chịu trách nhiệm. Bộ VH-TT-DL đứng ra quản lý bài hát đấy. Ai hát thì tiền tác quyền có thể không thu nhưng phải xin phép, điều đó cũng cần quy định”.
Cũng theo ông Sơn, quy định đó có thể còn cần có ý kiến của Quốc hội vì các vấn đề như Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca đều do cơ quan đại diện nhân dân này quyết định.