Tại Phiên họp thứ 5 sáng 23/11, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) đã được đưa ra bàn luận trước phiên họp. Cụ thể là phía Chính phủ đề nghị đề xuất mang Luật này trở lại vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Giải quyết các bất cập, tồn tại của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
Trước đó vào năm 2020, Chính phủ từng trình lên Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Tuy nhiên sau đó, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3571/TB-TTKQH thông báo Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 44 (đợt 1) (tháng 4/2020):
"Tạm thời rút dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi Chương trình kỳ họp thứ 9 để Chính phủ, ngành y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19", Kết luận ghi rõ.
Trong phiên họp sáng nay, Chính phủ một lần nữa trình lên UBTVQH xem xét về dự án Luật sửa đổi cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho năm 2022.
Tờ trình nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, cụ thể như sau:
"Chỉnh lý lại nội dung Tờ trình Quốc hội theo hướng làm rõ lý do phát sinh các chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng như làm rõ định hướng giải quyết các bất cập, tồn tại của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009".
Đồng thời, trong Tờ trình của Chính phủ có thêm các nội dung sau:
Chỉnh lý Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng bổ sung, phân tích làm rõ các tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Chỉnh lý báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với các nội dung đã nêu trên.
Chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật (nội dung chi tiết kèm theo).
Bổ sung danh mục và dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch bệnh là vô cùng cấp thiết.
Quốc hội 'chưa quyết vội', đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung hồ sơ
Việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đề nghị xây dựng Luật do Chính phủ trình đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Trong báo cáo thẩm tra đầy đủ, các cơ quan của Quốc hội đã phân tích, đánh giá cụ thể về 8/15 nhóm chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội cũng như tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Đặc biệt là các nội dung liên quan đến bổ sung quy định chức danh chuyên môn, cụ thể:
Phải có giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề;
Vấn đề thi đánh giá năng lực hành nghề;
Đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh;
An ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề;
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh;
Chính sách liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của nhà nước với cơ sở y tế tư nhân;
Vấn đề bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật.
Kết luận tại phiên họp sáng nay, Quốc hội đề nghị UBTVQH chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 mà yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình UBTVQH xem xét chậm nhất tại phiên họp tháng 3/2022.
Phía UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật, quyết định việc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) đồng thời với việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.