Vì sao Việt Nam họp bất thường Quốc hội vào thời điểm này?
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Đăng ký
Quốc hội sắp có kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra trong khoảng 4,5 ngày, bàn nhiều vấn đề lớn liên quan đến “quốc kế, dân sinh” của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 ‘phủ bóng’ lên quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các nội dung tại kỳ họp bất thường đều khó, rất phức tạp, liên quan đến “quốc kế dân sinh”, tài chính, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống Covid-19, nên phải làm sớm, kỹ lưỡng, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất.
Quốc hội họp bất thường, bàn nhiều vấn đề lớn về ‘quốc kế dân sinh’
Quốc hội Việt Nam dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường, xem xét 5 nội dung quan trọng, những vấn đề trọng đại của đất nước liên quan đến “quốc kế, dân sinh”.
Chiều nay, 22/11, tại Phiên họp thứ 5, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết kỳ họp thứ hai, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường vào tháng 12 tới đây cùng những lưu ý đối với kỳ họp thứ ba trong tháng 5/2022, Quốc hội khóa XV.
Việc Quốc hội Việt Nam dự kiến có cuộc họp bất thường thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận trong nước và quốc tế. Đặc biệt là vào thời điểm này, khi càng gần đến cuối năm, trách nhiệm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch tăng trưởng kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng gần.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phải bàn quyết sách hỗ trợ nền kinh tế, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trình bày báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ về các nội dung đã thống nhất để có cơ sở xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội ngay trong tháng 12/2021 này.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNTổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Ông Cường cũng thông tin về việc chuẩn bị kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 5 nội dung đã thống nhất.
Trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Cường, sau khi có văn bản đề nghị, đến nay đã nhận hồ sơ tài liệu 4/5 nội dung phục vụ kỳ họp.
“Hiện còn thiếu hồ sơ tài liệu Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Cường cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin, hiện các ủy ban như Kinh tế, Tài chính - Ngân sách đang phối hợp với các ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra.
“Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc báo cáo Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường nói.
Vì sao Quốc hội phải họp vào thời điểm này?
Như đã biết, theo quy định, thông thường, Quốc hội Việt Nam họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.
Về hình thức kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Việc biểu quyết thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Về thời gian diễn ra, ông Cường cho rằng, theo dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 12/2021.
“Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tháng 12/2021 không còn nhiều, các cơ quan phải tiến hành rất nhiều hoạt động”, Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ.
Trong khi đó, các nội dung trình Quốc hội đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để thẩm tra kỹ lưỡng, Chính phủ cần có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ngoài ra, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất về các nội dung sẽ trình tại kỳ họp này thì cần phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổ chức kỳ họp và một số vấn đề chính của các nội dung.
Do đó, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh, nếu cả 5 nội dung trên đã được cho ý kiến trong tháng 12/2021 và đủ điều kiện trình Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận 3,5 ngày, phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, trình bày một số báo cáo và biểu quyết thông qua 1 ngày.
Ba phương án tổ chức kỳ họp
Tổng Thư ký Quốc hội trình 3 phương án. Trong đó, phương án 1, dự kiến khai mạc ngày 4/1/2022 (ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ). Quốc hội làm việc liên tục, không chia làm 2 đợt và kết thúc vào sáng 8/1.
Phương án 2, dự kiến khai mạc ngày 5/1/2022 và được chia thành 2 đợt. Trong đó, đợt 1 khoảng 4 ngày (từ 5 - 8/1) để tiến hành phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận tất cả các nội dung; đợt 2 diễn ra trong 0,5 ngày (sáng 13/1) để biểu quyết thông qua và tiến hành phiên bế mạc.
Phương án 3, dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 5/1/2022, bế mạc sáng Chủ nhật, ngày 9/1/2022. Trong đó, đề nghị Quốc hội làm việc liên tục, không chia làm 2 đợt của kỳ họp và bố trí Quốc hội làm việc 1 ngày thứ Bảy và sáng Chủ nhật để kết thúc kỳ họp bất thường sớm hơn.
Trong cả ba phương án nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 1. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
“Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh để phục vụ tốt cho kỳ họp”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5/2022 và bế mạc vào ngày 15/6/2022.
Trong đó, dự kiến sẽ không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.
Ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 8,25 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó vẫn dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ.
Về hình thức họp, Quốc hội dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên, dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.
“Dục tốc bất đạt”
Phát biểu kết luận phiên họp chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, về tổng kết kỳ họp thứ 2, các ý kiến đều thống nhất đánh giá kỳ họp thứ 2 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kỳ họp thứ 2 đã tập trung giải quyết nhiều việc trọng yếu quốc gia, nhiều việc khó như hoàn thiện khuôn khổ cho kế hoạch 5 năm về kinh tế xã hội, ngân sách, đầu tư, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch quốc gia về sử dụng đất.
Cùng với đó, kỳ họp có nhiều việc mới, khó như lần đầu tiên trình, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung; thông qua nhiều nội dung về cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố và những công việc đặc biệt khác.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây cũng là kỳ họp lần đầu tiên thực hiện biểu quyết công khai qua hình thức trực tuyến. Ngoài ra, kỳ họp còn thể hiện sự đồng thuận rất cao và đảm bảo an toàn, thông suốt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Theo ông Vương Đình Huệ, kỳ họp dù có nhiều nội dung, trong khi thời gian ngắn nhưng vẫn đạt chất lượng cao. Nhất là chất lượng các Nghị quyết, chất lượng các quyết định của Quốc hội.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay từ bây giờ đối với các nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Về dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường tháng 12/2021 hay tháng 1/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chưa khẳng định cụ thể vì “còn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị”.
Người đứng đầu Quốc hội chỉ lưu ý kỳ họp này chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Do đó, tại kỳ họp bất thường này, nhiều nhất chỉ đưa vào 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ nhưng xong nội dung nào thì làm nội dung đó.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các nội dung đều khó, rất phức tạp, liên quan tới “quốc kế, dân sinh”, tài chính, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh, do đó phải làm rất kỹ.
“Tinh thần là làm ngày, làm đêm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội sát sao, vào cuộc sớm, nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tinh thần khách quan, vô tư, công khai, minh bạch.
Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra sơ suất.
“Chúng ta biết, sai một ly đi một dặm, những việc này hết sức quan trọng, dục tốc, bất đạt. Tinh thần là xong lúc nào làm lúc đấy”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận.