Theo ông Liu Shijin, cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, một kịch bản như vậy có thể xảy ra nếu nhu cầu vẫn yếu và giá sản xuất ở mức cao, trong trường hợp này cần phải áp dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.
Liệu có cơ sở để khẳng định rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ thay đổi?
Lạm phát kèm suy thoái (tiếng Anh: Stagflation) là một hiện tượng khá âm ỉ trong nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí nền kinh tế thu hẹp, trong khi lạm phát đang trên đà tăng trưởng. Trước hết, hiện tượng này làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân – mức sống dân cư giảm sút. Thứ hai, rất khó chống lại hiện tượng lạm phát đình trệ bằng những biện pháp truyền thống. Ví dụ, nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt, thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể giảm mạnh hơn nữa. Và nếu kích thích tăng trưởng kinh tế, quá trình lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn.
Tất nhiên, còn quá sớm để nói về hiện tượng lạm phát đình trệ ở Trung Quốc. Xét cho cùng, lạm phát ở Trung Quốc giữ được mức ổn định, và đây không phải là mức cao. Tuy nhiên, một số tín hiệu đáng lo ngại vẫn đáng chú ý. Ví dụ, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 chỉ tăng 1,5%, nhưng chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng hơn 13%. Đây là mức cao kỷ lục kể từ năm 1995. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 của nước này là 4,9%, chậm lại đáng kể so với mức 7,9% của quý II/2021.
Chuyên gia Liu Shijin, cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, lưu ý rằng, để "chẩn đoán" được tình trạng lạm phát đình trệ, cần phải thấy rõ sự biến động theo hai vecto không cùng phương của chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng GDP. Hiện tại thì không phải như vậy, nhưng, xét cho cùng, chỉ số giá sản xuất tăng mạnh sớm hay muộn sẽ làm tăng giá tiêu dùng, bởi vì cuối cùng người tiêu dùng phải chi trả khi mua hàng. Do đó, các cơ quan quản lý cần chú ý kỹ lưỡng diễn biến tình hình để kịp thời kiểm soát mọi rủi ro, ông Liu Shijin nói.
Về nguyên tắc, nền kinh tế Trung Quốc không có vấn đề cơ bản nào, - Bian Yongzu, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại Đại học Thanh Hoa, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. Tuy nhiên, theo ông, lạm phát toàn cầu và giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đang gia tăng ảnh hưởng đến chỉ số giá sản xuất. Chuyên gia Bian Yongzu giải thích rằng, vì Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất nên các yếu tố này tác động khá mạnh tới các chỉ số trong nước.
Kể từ khi khủng hoảng COVID-19 bùng phát, Trung Quốc thực thi chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, đồng thời tránh các biện pháp kích thích ồ ạt. Không giống như nhiều quốc gia, Trung Quốc có thể kiểm soát dịch bệnh khá nhanh, góp phần khôi phục nhanh chóng hoạt động kinh doanh bình thường. Ngoài ra, Trung Quốc rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năm 2008. Khi đó, mức hỗ trợ của nhà nước tương đương 12,5% GDP đã giúp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng với tăng trưởng GDP dương, nhưng đồng thời đã tạo ra nhiều vấn đề dài hạn như mất cân đối cơ cấu trong ngành, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, tác dụng của đòn bẩy quá mức trong nền kinh tế, v.v. Do đó, hiện nay Trung Quốc chỉ áp dụng một số biện pháp khuyến khích tài khóa và các biện pháp có mục tiêu để hỗ trợ một số ngành dễ bị tổn thương nhất, chuyên gia Bian Yongzu cho biết.
Cuộc thảo luận về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc trở nên đặc biệt sôi nổi vào tuần trước, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý. Trong báo cáo đã loại bỏ một số cụm từ về hạn chế chính sách, không có cụm từ “cơ quan quản lý sẽ tuân thủ một chính sách tiền tệ bình thường”, ngân hàng trung ương sẽ không tham gia vào các biện pháp kích thích quy mô lớn. Thay vào đó, Ngân hàng PBoC cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa nhu cầu duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và chống lại rủi ro tài chính. Đồng thời, họ cũng thừa nhận rằng, việc đạt được tăng trưởng mạnh đang trở nên khó khăn hơn bởi vì Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức lớn, những hạn chế về mặt định kỳ, cấu trúc và chu kỳ.
Tuy nhiên, những biện pháp kích thích tiền tệ tích cực như chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ hay chính sách của EU duy trì lãi suất âm khó có thể xảy ra. Những biện pháp như vậy sẽ giúp kích thích hoạt động kinh doanh, nhưng sẽ tạo ra áp lực lạm phát mạnh nhất. Có tính đến các ưu tiên của chính quyền Trung Quốc - đóng góp vào chất lượng tăng trưởng, cải thiện mức sống của người dân - thì lạm phát mạnh khó có thể đáp ứng các mục tiêu chiến lược dài hạn. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ngày càng chịu đựng được tốc độ tăng trưởng chậm lại. Và nếu có nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm tốc vượt quá mức bình thường (năm nay, chỉ số này sẽ không xuống dưới 6%), chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp khuyến khích tiền tệ.