Vậy tại Việt Nam, Công an được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại di động trong trường hợp nào?
Công an có được quyền thu giữ điện thoại của người dân?
Sau vụ việc nữ diễn viên Vũ Thị Anh Thư (Thư Vũ Gemini) phim Về nhà đi con bị lộ clip nóng, hình ảnh nhạy cảm cùng bạn trai, rất nhiều người quan tâm đến việc, liệu Công an có quyền thu giữ và kiểm tra thông tin cá nhân của người dân hay không. Nếu có thì trong trường hợp nào.
Bộ Công an mới đây đã thông tin phản hồi, trả lời câu hỏi của công dân có tên Nguyen Thanh Trung.
Ông Trung cho biết, điện thoại di động là thiết bị cá nhân, lưu trữ những thông tin cá nhân do cá nhân người dùng quản lý và sử dụng. Vừa qua, xuất hiện vụ việc một cô gái bị Công an mời về trụ sở làm việc, sau đó thu giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu.
“Qua đây, tôi muốn hỏi Bộ Công an, Công an có được quyền thu giữ điện thoại của người dân không? Nếu được thì được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại trong trường hợp nào?”, công dân hỏi.
Thông cáo của Bộ Công an cho biết, điện thoại di động là thiết bị cá nhân, lưu trữ những thông tin cá nhân do cá nhân người dùng quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết câu hỏi trên không nêu rõ tình huống cụ thể trong trường hợp cụ thể nào nên Bộ Công an không thể trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, đối với câu hỏi: “Công an có được quyền thu giữ điện thoại không? Nếu được thì được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại trong trường hợp nào?”, Bộ Công an khẳng định cơ quan chức năng “có quyền” tạm giữ, thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân.
Cụ thể, cơ quan Công an có quyền tạm giữ, thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân nếu điện thoại đó là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính; là vật chứng của vụ án hình sự; liên quan đến việc vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự).
“Việc tạm giữ, thu giữ điện thoại phải có căn cứ và tuân theo các quy định của pháp luật. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu việc tạm giữ, thu giữ điện thoại không đúng pháp luật”, Bộ Công an nhấn mạnh.
Khi nào Công an có thể thu giữ, kiểm tra điện thoại của dân?
Bộ Công an cũng chỉ rõ những trường hợp điện thoại của công dân có thể bị thu giữ, kiểm tra.
Cụ thể, theo điều 87; 99 Bộ luật Tố tụng hình sự thì điện thoại di động là dữ liệu điện tử vì điện thoại là phương diện lưu trữ chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
Dữ liệu điện tử là một trong bảy nguồn của chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Cơ quan Công an có quyền thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) theo Điều 88; 89; 90; 107, 196 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm: Phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội; thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; thu thập các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo thi hành án, xử phạt.
Theo Điều 196, Bộ luật Tố tụng hình sự thì quá trình thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) có thể thu giữ thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan nên việc yêu cầu người chủ thiết bị điện tử cung cấp mật khẩu dữ liệu điện tử là hoàn toàn hợp pháp nhằm khai thác, kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, dữ liệu có liên quan đến vụ việc đang giải quyết.
Cũng theo Bộ Công an, ngoài việc thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan Công an có thể thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp ngăn chặn hành vi vi phạm, ngăn chặn việc tẩu tán, tiêu hủy tang vật; xác minh hành vi vi phạm hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư: Dữ liệu cá nhân phải được tôn trọng
Trước đó, như đã thông tin, sau vụ lộ clip nóng của nữ diễn viên phim về nhà đi con, nhiều người quan tâm đến việc bảo mật thông tin, clip, hình ảnh, dữ liệu cá nhân và thắc mắc khi nào thì công an có quyền thu giữ, kiểm tra điện thoại.
Theo lời kể của nữ diễn viên bị lộ clip nhạy cảm, cô cho biết, 2 ngày trước khi đoạn video bị đăng tải và lan truyền trên mạng, Vũ Thị Anh Thư có cùng bạn bè tụ tập ở nhà, có dùng “bóng cười”. Sau đó họ bị công an phường mời về trụ sở làm việc, tạm giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu điện thoại để phục vụ công tác điều tra.
Ở góc độ pháp luật, các luật sư cho rằng, Việt Nam đã có quy định chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải được tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật.
Theo ông Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đối với cơ quan công an phường, xã, theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì chỉ được tạm giữ điện thoại khi có căn cứ xác định đây là tang vật hoặc để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.
Đồng thời, khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.
Luật sư cũng nêu cụ thể, trưởng công an phường, xã có thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
“Trường hợp cán bộ cấp dưới là người lập biên bản thì trong 24 giờ phải báo cáo với trưởng công an phường, xã để xem xét ra quyết định tạm giữ”, luật sư khẳng định.
Nhiều luật sư khác cũng cho biết, về nguyên tắc, Công an được quyền kiểm tra những thông tin có liên quan đến hành vi vi phạm, nhưng nếu tùy tiện sử dụng dữ liệu cá nhân để phát tán lên mạng thì rõ ràng đây là việc làm vi phạm pháp luật.
Đối với trường hợp của nữ diễn viên Anh Thư, theo ông Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ với Tuổi trẻ, người tung video clip riêng tư của nữ diễn viên lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Bộ luật hình sự hiện hành.
Với hành vi phát tán clip nhạy cảm này, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Thậm chí người phát tán đoạn clip còn có thể bị xem xét, xử lý về tội làm nhục người khác với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp cùng Phòng cảnh sát hình sự vào cuộc và tìm ra nguồn phát tán video.
Đại diện lãnh đạo Công an Hà Nội cũng bác bỏ, phủ nhận việc nguồn phát tán clip của diễn viên Anh Thư là từ một Đại úy Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).
“Xác định máy của chiến sĩ với mạng xã hội này và cô Anh Thư, không có truy cập vào mạng này. Như vậy có thể trước mắt loại trừ mối liên hệ của cán bộ chiến sĩ công an”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung khẳng định.
Giám đốc Công an Hà Nội cũng nhấn mạnh, vụ việc nhạy cảm nên các đơn vị nghiệp vụ đều làm hết sức khách quan và thận trọng.