Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối và đêm nay (30/11), Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk tiếp tục có mua vừa, mưa to, có nơi mưa rất lo với lượng mưa phổ biến từ 50 – 70mm, có nơi trên 100mm, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Báo cáo ban đầu về thiệt hại mưa lũ: Đã có 4 người chết
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai công bố báo cáo cập nhật cho thấy, tính đến 18h chiều nay, 30/11, mưa lũ đã làm 4 người chết.
Các nạn nhân được phát hiện ở Bình Định 3, Kon Tum 1. Có 8 ngôi nhà bị sập, hơn 23.605 căn nhà tại Bình Định bị ngập, hàng trăm hecta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Liên quan đến giao thông, Ban Chỉ đạo cho hay, tại Quảng Nam, QL14H, 40B, Đông Trường Sơn ngập, sạt lở. QL1 (tuyến tránh An Nhơn) ở Bình Định ngập cục bộ. Trong khi đó, các quốc lộ như QL29, QL27, QL19C, ĐT641, ĐT642, ĐT645 tại Phú Yên bị ngập, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương, cứu hộ, xử lý hậu quả sau lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn trong ngày 30/11 đã khiến trên 23.000 ngôi nhà ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Lão, Hoài Ân và các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn cùng thành phố Quy Nhơn bị ngập trong nước.
Báo cáo của địa phương cho thấy, trên địa bàn đã có 3 người chết và mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ gây ra.
Chiều 30/11, ông H.V.D. (46 tuổi, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích. Trước đó, tối 29/11, bà L.T.B. (79 tuổi, ở thôn Lý Tây, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) bị hụt chân, té ngã tử vong khi bước xuống giường, lúc này đang có nước lũ ngập trong nhà. Trước đó, chiều 29/11, bà Đ.T.Đ. (ở thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão, Bình Định) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Toàn tỉnh có 8 ngôi nhà bị sập, 1,5 km kè và 17 km kênh mương bị hư hỏng, 5 km đường giao thông bị sạt lở, 26 đập tạm bị phá hủy, gần 250 ha lúa và hoa màu bị hư hại, 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính là khoảng 124 tỷ đồng.
Hiện tất cả 163 hồ chứa nước tại Bình Định đã qua tràn, trong đó có 91 hồ đã đầy nước. Dự báo, đêm 30/11, toàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 50-70 mm, có nơi gần 100mm. Trong ngày 1/12, nước lũ các sông có khả năng tiếp tục dâng cao. Sông Hà Thanh tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) có thể trên báo động 3 và đạt đỉnh.
Tại Phú Yên, mưa lớn liên tục từ chiều 28/11 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số nơi của 2 huyện Đồng Xuân và Tuy An bị ngập lụt.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhiều hộ dân sinh sống tại xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) bị cô lập, không thể di chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ.
Các hộ dân ở khu vực các xã An Định, An Nghiệp (huyện Tuy An) bị ảnh hưởng do có khoảng 3km đường từ Tuy An sang Đồng Xuân bị ngập sâu khiến giao thông khó khăn, chia cắt.
Nhằm đề phòng nước lũ tiếp tục lên, địa phương đã lắp các biển cảnh báo người dân tại các khu vực, tuyến đường ngập sâu, bố trí các địa điểm để di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Địa phương cho biết, dự kiến có khoảng 300 hộ với hơn 900 nhân khẩu ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam phải di dời.
Ngày 30/11, các địa phương tỉnh Phú Yên ở vùng hạ du sông Ba gồm huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa đang khẩn trương di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Ở Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm ngập khoảng 600 ngôi nhà ở các phường Phổ Văn, Phổ Ninh (thị xã Đức Phổ) từ 0,7 - 1m. Báo cáo sơ bộ cho thấy, ở huyện Nghĩa Hành, mưa lũ cũng làm ngập đường giao thông từ 0,3 - 0,5m ở các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện.
Địa phương đã chủ động di dời 42 hộ dân tại thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây đến nơi ở an toàn đề phòng lũ lên cao. Mưa lũ cũng làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá tại các tuyến Quốc lộ 24, 24 C, đường Dung Quất - Sa Huỳnh và các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn, sạt lở các tuyến kênh mương nội đồng, bờ sông và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn.
Riêng ở Ninh Thuận, mưa lớn liên tục khiến một số địa phương vùng trũng thấp bị ngập lụt, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước.
Tại vùng trũng thấp xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), mưa lớn khiến hơn 200 ha lúa gieo vụ Đông Xuân sớm bị ngập trong nước.
Lũ dâng cao, tràn vào khu chợ thôn Văn Lâm 3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời tràn qua nhiều đoạn đường liên xã nối hai xã Phước Nam với Phước Dinh (huyện Thuận Nam) gây không ít khó khăn cho việc lưu thông của người dân.
Có 439 căn nhà của người dân ở xã Ninh Hải đã bị ngập từ 40 cm trở lên. Địa phương đã di dời 65 hộ/138 nhân khẩu ở khu vực thấp trũng đến nơi an toàn.
Mưa lũ đã làm hơn 600 ha lúa và hoa màu bị ngập trong nước, nhiều đoạn kênh mương ở xã Xuân Hải bị sạt lở. Hàng trăm nhà dân tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập trong nước từ 20 - 50cm, có nơi ngập sâu gần 1m.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khoảng từ 3-6 giờ tới, lũ trên các sông ở Phú Yên và Khánh Hòa tiếp tục lên nhanh.
Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Kôn, sông Kỳ Lộ, hạ lưu sông Ba (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) dao động ở mức cao (trên BĐ3), các sông khác từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống.
Trung tâm khí tượng cảnh báo ngập lụt diện rộng tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Trung tâm cũng lưu ý cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Đến 21 giờ ngày 30/11, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện Định Quán (Đồng Nai), Dầu Tiếng (Bình Dương), Dương Minh Châu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh (Tây Ninh).
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, chịu khổ, khát.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Công Thương được yêu cầu chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.