Theo chuyên gia Việt, với sự chuyển hướng chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden - ưu tiên, hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Việt Nam rất có thể trở thành ‘đối tác quan trọng’ nhất nhờ vị trí địa chính trị thuận lợi.
Cùng với đó, gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung - dài hạn ở Việt Nam, theo khảo sát mới nhất của AmCham.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 11, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tromg tháng 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%.
Xuất khẩu sang EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%, trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10/2021 đạt 26,13 tỷ USD, thấp hơn 67 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 11/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như thường lệ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam nhập từ thị trường Hàn Quốc 50,3 tỷ USD hàng hóa, tăng 20,3%. Đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhập khẩu trường vào khoảng 37 tỷ USD, tăng 36,1%. Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Việt Nam nhập từ Mỹ 14,2 tỷ USD hàng hóa, tăng 14,6%.
Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại trong tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.
Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sắp cán mốc gần 100 tỷ USD
Đáng chú ý, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, gần cán mốc 100 tỷ USD.
Theo báo cáo, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ đã đạt 99 tỷ USD. Dự kiến, có thể vượt mốc 100 tỷ đô la năm nay.
Năm 020, lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 90 tỷ USD, hiện đang hướng tới 100 tỷ USD.
Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ.
“Rất nhiều cơ hội đầu tư thương mại giữa hai nước sẽ được mở ra khi có đường bay thẳng thường lệ của Vietnam Airlines kết nối giữa hai nước”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI thông tin tại diễn đàn Thúc đẩy giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới.
Ông Phòng cũng thông tin, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tập trung vào nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Do đó, mặc dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Hoa Kỳ trong năm 2020 vẫn tăng mạnh ở mức 3 con số, đạt 12,2 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019.
Gộp chung giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường này tăng bình quân 54,8%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Hoa Kỳ cũng tăng từ 21% năm 2016 lên 44,9% năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.
Hợp tác kinh tế - thương mại trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương Hà Nội – Washington. Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ như nền chính trị ổn định, thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng tiềm năng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ hệ thống các FTA đã ký.
Cùng đánh giá về triển vọng tăng trưởng thương mại song phương, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Vượng cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong năm 2021, bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ cán mốc 100 tỷ USD.
“Với sự chuyển hướng chính sách của chính quyền dưới thời Tổng thống Joe Biden lựa chọn ưu tiên, hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Việt Nam rất có thể trở thành đối tác quan trọng nhất nhờ vị trí địa chính trị thuận tiện”, ông Nguyễn Thắng Vượng tin tưởng.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, việc kim ngạch thương mại song phương sắp cán mốc 100 tỷ USD đạt được không chỉ nhờ “sự mềm mỏng” trong chính sách của chính quyền Biden – Harris đối với Việt Nam. Đó là quá trình nỗ lực tổng hòa của tất cả các cơ quan hữu quan song phương nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Hà Nội và Washington.
Lĩnh vực nào hưởng lợi?
Việc kim ngạch thương mại Việt – Mỹ, sắp cán mốc 100 tỷ USD mang lại lợi nhuận cho rất nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội sang Hoa Kỳ.
Các chuyên gia đánh giá, các lĩnh vực hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đi Mỹ như dệt may, điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, giày dép, đồ gỗ (kim ngạch trên 1 tỷ USD) được cho là hưởng lợi từ những thành tựu tích cực đạt được trong quan hệ song phương.
Đối với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), cứ một người Mỹ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm thì 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam.
Trong những năm qua, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Theo bà Xuân, xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Trong khi đó, đối với mặt hàng gỗ, thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, ngành gỗ Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trước đó đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam. Đây là tin hết sức rất vui.
Các ngành hàng mũi nhọn khác như linh kiện điện tử, sản phẩm công nghệ, kỹ thuật có giá trị cao và ngành hàng may mặc cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam
Khảo sát mới đây của AmCham Việt Nam cho thấy, có đến gần 80% doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng trung - dài hạn ở Việt Nam.
Theo đó, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã thực hiện cuộc khảo sát từ 15-17/11, với hơn 550 công ty thành viên và 2.000 đại diện cá nhân của AmCham Việt Nam tham gia, bao gồm cả chi nhánh Đà Nẵng.
Kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 29% doanh nghiệp Mỹ tin tưởng khả quan về triển vọng trung - dài hạn và có kế hoạch đầu tư thêm. Có 49% doanh nghiệp đánh giá khả quan về triển vọng phục hồi, dự tính tiếp tục ở lại hoặc cân nhắc đầu tư thêm. Có 18% doanh nghiệp đánh giá khá tích cực, dự định ở lại nhưng sẽ chuyển mục tiêu đầu tư vào nơi khác.
Hiện có hơn 60% thành viên tham gia khảo sát đã hoạt động trở lại ở mức 80% công suất bình thường trở lên, 85% thành viên hoạt động ở mức 60% công suất bình thường trở lên.
Có 25% công ty dự kiến hoạt động trở lại 100% vào cuối năm, hơn 60% trở lại bình thường vào quý 1 năm 2022 và hơn 90% vào quý 2.
“Các thành viên của AmCham Việt Nam đang trên đà trở lại với công việc kinh doanh và họ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam”, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam Mary Tarnowka cho biết.
Đại diện AmCham cũng nhấn mạnh, việc triển khai vaccine của Việt Nam rất ấn tượng, điều đó đã cho phép tái mở cửa và phục hồi diễn ra một cách an toàn.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ cho biết, yếu tố chính hạn chế hoạt động hiện nay là trở ngại trong đi lại quốc tế. Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí cũng góp phần khiến cho tình hình trở nên khó khăn hơn.
Thêm một vấn đề khác là tình trạng thiếu lao động. Có đến 41% doanh nghiệp đang phải đối mặt vấn đề này. Việc người lao động về quê, trường học đóng cửa và phụ huynh phải lo toan vấn đề quản lý công việc và học tập trực tuyến của con cái là những nguyên nhân khiến cho số lượng lao động giảm sút. Ngoài ra, thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài phức tạp cũng là một trở ngại.
Trước tình hình đó, có 80% doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chính quyền trung ương và địa phương triển khai vaccine để người lao động quay lại làm việc. Trong khi đó, 61% doanh nghiệp đề xuất giảm bớt các thủ tục cho chuyên gia nước ngoài.
Theo khảo sát, có 83% ý kiến cho rằng bao phủ vaccine nhiều hơn và miễn dịch cộng đồng là yếu tố quan trọng để phục hồi. Đặc biệt, có đến 92% ý kiến nhấn mạnh rằng “các chính sách cần nhất quán trên toàn quốc” để cho phép “chung sống an toàn với virus” thay vì chính sách “không Covid”.
Liên quan vấn đề này, có gần 80% ý kiến cho rằng các địa phương đã không nhất quán chính sách liên quan đến F0 và F1. Việc cô lập hoặc cách ly bắt buộc đối với F1, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không có triệu chứng và có kết quả xét nghiệm âm tính là mối quan tâm của 61% người trả lời khảo sát.
Trong khi đó, 60% ý kiến lo ngại về các yêu cầu cách ly tập trung đối với các F0 đã tiêm 2 mũi, không có triệu chứng.
TP.HCM được các doanh nghiệp Mỹ chấm điểm cao nhất về tỷ lệ tái mở cửa và phục hồi (3,6/5 điểm). Tiếp theo là Hà Nội với 3,5 điểm, Hải Phòng và Bắc Ninh đồng hạng 3 với 3,4 điểm.
Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam đánh giá, các chính sách nhất quán hơn trên khắp đất nước trong vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với virus sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế.
“Tự do hóa yêu cầu đi lại quốc tế của các chuyên gia nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới”, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam chia sẻ.