Việt Nam cùng với trách nhiệm 'thu hẹp khoảng cách' tại khu vực ASEAN
Sáng 30/11/2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm. Mở đầu buổi khai mạc, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát biểu:
"Tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các nước ASEAN các đối tác bạn bè ASEAN dành cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tổ chức diễn đàn đầu tiên của ASEAN về hợp tác tiểu vùng".
Thủ tướng nêu những đặc trưng phát triển đa dạng của ASEAN là sở hữu các đô thị quy mô lớn, năng động và hàng đầu khu vực.
Các tiểu vùng còn ẩn chứa nhiều tiềm năng, trong đó phần lớn đều nằm ở những giao điểm quan trọng của khu vực, nơi các quốc gia cùng chia sẻ những nguồn sinh kế tự nhiên, to lớn như dòng sông MeKong hay eo biển Malacca.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Theo Thủ tướng, từ nhiều thập kỷ qua ASEAN và các nước thành viên luôn chú trọng vấn đề thu hẹp khoảng cách, phát triển với việc thúc đẩy triển khai sáng kiến hội nhập ASEAN.
Các nước trong khu vực có vị trí địa lý gần gũi, văn hóa giàu bản sắc, điều kiện tự nhiên tương đồng và hình thành các khuôn khổ hợp tác các tiểu vùng như hợp tác tại khu vực tăng trưởng Đông ASEAN, Tam giác tăng trưởng Indonesia – Malaysia- Thái Lan, Chiến lược hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng…
Hợp tác các tiểu vùng thông qua các cơ chế nói trên với sự trợ giúp hiệu quả của các đối tác, tổ chức khu vực và quốc tế đã đạt được những kết quả thiết thực hỗ trợ cho sự phát triển của mỗi quốc gia và của cả khu vực chúng ta.
Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Diễn đàn hôm nay là dịp để các nước trong khu vực các đối tác, tổ chức quốc tế, giới chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm phương hướng và giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội mở rộng, lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển ở các tiểu vùng.
Trong thế giới liên kết sâu rộng hiện nay, đoàn kết hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia là điều kiện thiết yếu để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
"Chúng ta cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân trong ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay nhất là đối với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng còn rộng mở tại các tiểu vùng tạo điều kiện kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp và hợp tác công tư.
Các chính phủ sẽ đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm khai thác cơ hội kinh doanh, đầu tư tại các tiểu vùng.
Việt Nam đề xuất 3 ưu tiên trong hợp tác
Tại Diễn đàn Cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, Thủ tướng nhấn mạnh:
"Chúng tôi đề nghị các chương trình hợp tác của ASEAN cũng như các kết quả hợp tác giữa ASEAN và các đối tác cần được lan tỏa đến các tiểu vùng và gắn kết nhịp nhàng với các nỗ lực hợp tác ở các khuôn khổ tiểu vùng".
Phía Việt Nam tin tưởng rằng thông qua diễn đàn đầu tiên về hợp tác tiểu vùng đợt này, các nước sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy nỗ lực hợp tác và phát triển các tiểu vùng trong ASEAN trong tương lai.
Từ đó, góp phần hiện thức hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển đồng đều bền vững, đóng góp vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thủ tướng nêu 3 vấn đề ưu tiên trong hợp tác các tiểu vùng ASEAN sau:
1.
Thứ nhất, cần lấy người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Các chính sách, kế hoạch, hợp tác phát triển giữa các tiểu vùng đều hướng về người dân và người dân phải là người chủ tham gia vào các kế hoạch này. Trong đó, tập trung quan tâm, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt nhóm người yếu thế đảm bảo môi trường sống, duy trì sinh kế bền vững và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm cho người dân, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế đầy đủ, nhất là vùng sâu vùng xa, không để ai bị bỏ lại phía sau.2.
Thứ hai, cần hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Chúng tôi kêu gọi các nước ASEAN, các đối tác, nhất là các nước phát triển, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ, giúp đỡ các nước đang phát triển và các tiểu vùng về tài chính đủ lớn có nhiều ưu đãi, thủ tục đơn giản, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh và các công nghệ phục vụ cho phát triển bền vững nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên, nâng cao năng lực đối phó, xử lý hiệu quả các thách thức đe dọa phát triển bền vững tại các tiểu vùng trong đó có dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…3.
Thứ ba, tăng cường kết nối giữa các tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là về hạ tầng chiến lược, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi di chuyển cho người dân, lưu chuyển hàng hóa. Gắn kết các vùng sâu vùng xa của các tiểu vùng với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của mỗi quốc gia và khu vực.