Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2021

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế.
Sputnik

Nhanh chóng triển khai khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng trong năm. Đồng thời, phiên họp cũng chuẩn bị một số nội dung cho Hội nghị Chính phủ với địa phương trong tháng 12, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
“Thời gian ít, công việc nhiều, đòi hỏi cao, đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ để thảo luận chất lượng, đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, kinh tế – xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Thủ tướng gửi công điện khẩn trong đêm về việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Trong khi đó, cùng thời điểm này, tình hình có những diễn biến đột xuất như mưa lũ lớn tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tương đối phức tạp. Thay mặt Đảng, Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai và chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện về ứng phó với mưa lũ vừa được ban hành.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vào sáng 1/12, mưa lũ kéo dài trong những ngày qua từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đã khiến hơn 59.000 nhà dân bị ngập, 4.700 hộ dân ở Tuy An (Phú Yên) bị chia cắt, có nơi ngập sâu 1-2 m. Mưa lũ khiến 10 người chết và mất tích, trong đó có 6 người ở Phú Yên. Các địa phương đã phải sơ tán tại chỗ hơn 6.000 hộ. Hơn 640 ha lúa và 188 ha hoa màu, hơn 2.800 gia cầm cũng thiệt hại trong mưa lũ.
Về giao thông, hiện tượng ngập và sạt lở gây ách tắc các tuyến quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, đợt mưa lớn tại miền Trung kết thúc trong ngày 1/12. Trước đó, mực lũ trên một số sông ở miền Trung đã trên báo động 3. Trong đó, 2 điểm đạt xấp xỉ lũ lịch sử năm 1993 và 2013 là sông Kôn ở Bình Định và sông Ba ở Phú Yên.
“Trong 10 ngày tới, khu vực miền Trung không có dấu hiệu xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện đợt mưa cực đoan như những ngày qua là rất thấp”, ông Khiêm nói.
Lũ ở Phú Yên xấp xỉ mức lịch sử năm 1993
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định, đợt mưa vừa qua kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt ở nhiều nơi, vượt quá sức chịu đựng của người dân.
“Đất đai mệt mỏi, người dân mệt mỏi và chính quyền cũng mệt mỏi nhưng nếu chủ quan thì sẽ xảy ra những điều đáng tiếc”, ông Hoan chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, những ngày tới, người dân và chính quyền địa phương sẽ bắt tay vào dọn dẹp, khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Ông Lê Minh Hoan yêu cầu ngành chức năng phối hợp với từng địa phương, sớm đưa cuộc sống của người dân bình thường trở lại.

Nhiều điểm sáng tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong tháng 11, các bộ, cơ quan, địa phương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 128, nắm chắc tình hình, chủ động phương án phỏng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Theo Bộ KH&ĐT, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Tính chung 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ. Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19
Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi mở cửa trở lại.
Cùng với đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân nhìn chung ổn định. Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, các địa phương đã hỗ trợ hơn 28.400 tỷ đồng cho trên 28 triệu người. Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân tiếp tục được triển khai quyết liệt.
Thảo luận