Lũ ở Phú Yên xấp xỉ mức lịch sử năm 1993
© Ảnh : Xuân Triệu – TTXVNĐường Trần Phú (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) ngập sâu do nước lũ
© Ảnh : Xuân Triệu – TTXVN
Đăng ký
Chiều 1/12 lũ trên các sông trong tỉnh Phú Yên đang giảm chậm nhưng còn rất cao. Tại thành phố Tuy Hòa và nhiều khu dân cư ở các huyện, thị xã tỉnh Phú Yên bị ngập chìm trong lũ. Mưa lũ đã làm chết 6 người.
Nhiều nơi tại Phú Yên ngập xấp xỉ lũ lịch sử
Nước lũ dâng cao, đến sáng 1/12, thành phố Tuy Hòa vẫn chìm trong biển nước. Toàn thành phố phải di dời hơn 2.000 hộ với hơn 7.000 người đến nơi an toàn. Chiều nay, nước lũ bắt đầu rút nhiều người dân khu vực thành phố Tuy Hòa đi sơ tán đã trở về nhà. Đợt mưa lũ làm nhiều tuyến đường ở thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo bị ngập sâu, lực lượng cứu hộ phải dùng thuyền hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi cao ráo. Chợ Trung tâm thành phố Tuy Hòa được di chuyển đến khu vực ngã 5 Trần Hưng Đạo để hoạt động tạm thời.
Riêng khu vực ngoại ô thành phố thuộc xã Bình Ngọc vẫn còn ngập rất sâu. Toàn bộ diện tích rau, hoa của bà con bị hư hại hoàn toàn. Ở các vùng ngập sâu khu vực ngoại ô, người dân vẫn ở lại nơi sơ tán, chờ nước rút. Đây là đợt lũ lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây, tương đương mức lũ năm 2009 và thấp hơn lũ lịch sử năm 1993 nhưng nước lũ dâng quá nhanh bà con không kịp trở tay.
Một người dân cho biết: “Trồng hành với trồng ngò, hết 4 triệu tiền giống, nó lên ngon lắm nếu ngon lành đợt này thu cũng được vài chục triệu, giờ trôi hết rồi”.
Tại huyện Sông Hinh, có hơn 400 ngôi nhà với 1.600 khẩu của xã Sơn Giang bị chìm trong nước. Lực lượng bộ đội địa phương cùng xuồng máy chuyên dụng đã tiếp cận được khu vực bị ngập do Quốc lộ 29 bị chia cắt nhiều đoạn.
© Ảnh : Xuân Triệu – TTXVNLực lượng chức năng đưa người dân thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa) đi sơ tán
Lực lượng chức năng đưa người dân thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa) đi sơ tán
© Ảnh : Xuân Triệu – TTXVN
Ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết:
“Hầu hết thức ăn gia súc, thức ăn cho trâu bò, đặc biệt là rơm rạ dự trữ do lượng nước quá lớn cho nên bà con không chủ động được, ướt hết. Đánh giá sau mưa lũ này thiệt hại cho bà con rất là nặng”.
Mưa lũ cuốn trôi 3 xà lan trên sông Ba về phía chân cầu Đà Rằng, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã cử cán bộ chiến sỹ và ca nô tổ chức tìm kiếm và đã cứu vớt thành công 2 xà lan, 1 xà lan khác được tàu của người dân cứu vớt.
Mưa lũ khiến Quốc lộ 29 đoạn qua địa phận xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh bị trôi cống ngang với chiều dài 8 mét, cắt đôi tuyến đường khiến người và phương tiện không thể lưu thông được. Trong sáng nay, ngành giao thông vận tải tỉnh Phú Yên tập trung máy móc, thiết bị tiến hành lắp đặt cống tạm để đảm bảo giao thông.
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, hiện các Quốc lộ 25, 19C, các tuyến ĐT634, ĐT647... đã thông xe trở lại. Nước rút chậm tuyến ĐT650, ĐT642 nhiều đoạn còn ngập từ 1m- 1,2m. Đơn vị quản lý phối hợp cùng địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông lập rào chắn, cắm biển báo cấm các phương tiện qua lại.
“Tình hình hư hại trên hệ thống giao thông tỉnh tương đối nặng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp ngành chỉ đạo đơn vị bám đường để thực hiện công tác đảm bảo giao thông an toàn nhất”- ông Hoàng nói.
Chiều nay, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Tây Hòa và thị sát thực tế tại một số điểm ngập sâu ven sông Ba.
Ông Trần Quang Hoài cho biết:
"Hiện nay, nước đã bắt đầu rút. Theo đó, phải tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất. Phú Yên hiện nay quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lũ. Để đảm bảo an toàn cho dân thì phải có nhiều giải pháp đi cùng như về thông tin về các giải pháp hướng dẫn. Trong đó phải có giải pháp về thông tin cho người dân được kịp thời phải vận động, đôn đốc, phải nắm bắt được những nơi có nguy cơ, phải cho các cháu ở vùng ngập lũ nghỉ học ở những vùng thấp trũng".