Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa cho biết, số người chết và mất tích do mưa lũ ở Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên đã tăng thêm 6 người so với chiều tối ngày 1/12. Tính đến 8 giờ sáng nay, mưa lũ đã làm 18 người chết và mất tích. Trong đó, Bình Định 3 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 2 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 2 người.
Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ đã làm hư hỏng, thiệt hại hàng nghìn ha lúa và hoa màu, gia cầm, gia súc của người dân. Mưa lũ cũng làm gần 3.000 ngôi nhà ngập sâu gần 1 mét, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn; phá hỏng hơn 1.500 bờ kè và 23.800 m kênh mương ở Bình Định, Gia Lai; 9.300 bờ sông, bờ suối bị sạt lở.
Trước diễn biến trên, từ sáng 1/12, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương này.
Mưa tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện đã ngớt, nước đang rút nhanh. Tại Phú Yên chỉ còn 150 nhà bị ngập sâu từ 0,5-1 m và hơn 2.800 nhà bị ngập từ 0,3-0,5 m. Bình Định còn 1.800 nhà bị ngập từ 0,2-0,4 m, hơn 25.000 học sinh chưa thể đến trường do ảnh hưởng của mưa lũ. Nhiều hộ dân đã trở về nhà vệ sinh môi trường, ổn định đời sống. Các địa phương đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.
Cũng theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cơ quan này đã có báo cáo số 137/BC-QGPCTT gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với mưa lũ khu vực miền Trung – Tây Nguyên từ 27/11 đến 1/12, trong đó đề xuất lãnh đạo Chính phủ chủ trì hội nghị đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng, chống lũ tại khu vực.
Những ngày qua, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa một số nơi tới trên 800 mm. Đồng thời, các hồ thủy lợi, thủy điện phải xả nước điều tiết lũ để bảo đảm an toàn; nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện số 1659/CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi, chia buồn đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Hệ thống thủy nông Đồng Cam tại tỉnh Phú Yên bị sạt lở nghiêm trọng
Sáng 2/12, trực tiếp đi kiểm tra hệ thống thủy nông Đồng Cam, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho khẳng định, đợt lũ vừa qua rất lớn, hàng chục năm gần đây không có thiệt hại nào bằng.
“Thời điểm xảy ra lũ lụt gần với mùa vụ gieo trồng. Do vậy, phải khẩn cấp khắc phục thiệt hại, không để ảnh hưởng lịch thời vụ đến sản xuất vụ Đông Xuân của người dân”, ông Hổ nói.
Từ ngày 29 đến 30/11 vừa qua, Phú Yên có mưa rất to, nhiều nơi lượng mưa đo được trên 450 mm cùng với việc các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ gây ngập lụt lớn trên diện rộng, sạt lở nghiêm trọng nhiều hệ thống kênh mương và công trình do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý. Thống kê ban đầu cho thấy, có hàng chục điểm sạt lở trên các kênh của hệ thống thủy nông Đồng Cam.
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, hệ thống thủy nông Đồng Cam đảm bảo nước tưới cho gần 15.000 ha lúa thuộc các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa và một phần các xã phía Nam huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa.
Được biết, chỉ còn hơn 2 tuần nữa Phú Yên sẽ bước vào gieo cấy vụ Đông Xuân (lịch gieo sạ ngày 20/12/2021 đến 1/1/2022). Hệ thống kênh Đồng Cam bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do vậy, công ty đang khẩn trương khơi thông các vị trí bị đất, đá bồi lấp dẫn nước tạm thời cho nông dân làm đất; kiến nghị với các cấp chính quyền khắc phục cấp bách đập đầu mối và các vị trí hư hỏng nặng.