Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng mới nhất Omicron của virus SARS-CoV-2. Nhằm chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng Omicron, Việt Nam đã đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 7 quốc gia phát hiện biến thể mới trên.
Du lịch thực sự chạm đáy?
Diễn biến phức tạp, kéo dài, hy vọng chưa kịp le lói đã vội tắt do cơn “siêu bão” Covid-19 lần thứ 4 đã giáng đòn chí mạng vào ngành du lịch Việt Nam vốn đã “thoi thóp” nay rất có thể bị đốn gục. Kịch bản hồi phục nào cho ngành công nghiệp không khói này vẫn đang khiến các chuyên gia và nhà quản lý đau đầu.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa, cụ thể trong tháng 4/2021, khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, thì đến tháng 5 giảm xuống còn 3,5 triệu lượt, tháng 6 là 1,5 triệu lượt và tháng 7 chỉ có 0,5 triệu lượt.
Khách du lịch đeo khẩu trang đi ngang qua một bãi biển đóng cửa giữa lúc dịch coronavirus bùng phát tại thành phố nghỉ mát Nha Trang, Việt Nam
© Sputnik / Sergei Rusanov
/ Nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 4/2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng 5 chỉ còn 1,8 triệu lượt, tháng 6 còn 0,9 triệu lượt và tháng 7 chỉ là 0,3 triệu lượt. Tháng 8, tháng 9 du lịch còn thảm hại hơn nữa, các chỉ số có thể sẽ trở về 0, du lịch đã thực sự chạm đỉnh đáy.
Nếu nhìn theo góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 không hoàn toàn phủ màu xám lên ngành du lịch. Đại dịch chính là “phép thanh lọc” giúp cơ cấu lại ngành, loại bỏ những công ty, đơn vị làm ăn chụp giật, tạo điều kiện để những công ty du lịch “sạch” khẳng định thương hiệu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ý kiến người trong cuộc
Trả lời Sputnik về việc phát hiện ra chủng Covid-19 Omicron sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Viết Long, Product Manager, Công ty TNHH Thương Mại & Du Lịch Trọng Điểm (Focus Travel) cho biết:
“Các nhà khoa học còn đang tìm hiểu về chủng mới Covid-19 Omicron thì còn qua sớm để nói đến sự ảnh hưởng của nó đến du lịch. Nhưng hiển nhiên điều chúng ta có thể thấy đó là người dân sẽ thận trọng và cân nhắc hơn trong việc di chuyển. Đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua”.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Long, Việt Nam nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng đã có những kịch bản để ứng phó với những thách thức mới của biến thể này.
Bà Đặng Linh Chi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Color of Viet Co.,Ltd (Sắc Việt)
© Ảnh : Đặng Linh Chi
Về phần mình, bà Đặng Linh Chi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Color of Viet Co.,Ltd (Sắc Việt) cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành nên tập trung vào việc lấy “con người là trung tâm” trong triết lý kinh doanh hiện nay.
“Thế giới khá quen thuộc với Covid-19 và các biến chủng mới, trong đó có Omicron. Các doanh nghiệp vẫn phải sống và kinh doanh bền vững. Chúng ta nên sáng tạo ra các biện pháp kinh doanh linh hoạt cũng như biện pháp tăng cường sức khỏe thú vị để hoạt động. Thời gian qua, các nhà khoa học và doanh nghiệp đều tư duy theo cách thức bớt đám đông, giảm lợi nhuận để phát triển bền vững, tránh mất mát. Trước kia có motel, hotel 2-3-4-5 sao thì giờ có thêm resort and spa, retreat, cruises, homestay, farmstay, trainstay, camping. Sản phẩm luôn thay đổi cho phù hợp với thời vận. Kế hoạch con người vạch ra vô cùng đa dạng và đáng ưu tiên nhất và song hành với phát triển trí huệ, chọn con người làm trung tâm” - Bà Đặng Linh Chi chia sẻ với Sputnik.
Kịch bản nào để du lịch “sống chung” với dịch?
Với tình hình dịch bệnh kéo dài, chưa có hồi kết như hiện nay, các công ty lữ hành chọn cách linh hoạt, sống chung với dịch, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng mới Omicron. Ông Nguyễn Viết Long, Product Manager, Công ty TNHH Thương Mại & Du Lịch Trọng Điểm (Focus Travel) đưa ra quan điểm của mình:
“Chúng ta nên làm theo một số nước phương Tây đó là tạm thời hạn chế nhập cảnh với người đến từ vùng dịch có chủng mới Omicron để chờ các thông tin cụ thể và các hướng dẫn của WHO. Đồng thời, chúng ta vẫn phát triển các chương trình điểm đến an toàn cho các du khách đến từ các vùng không có dịch (ví dụ như chương trình tại Hội An, Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang... vừa qua ta đã làm) cũng như kích cầu cho các chương trình du lịch khép kín trong nước vì tôi nghĩ thị trường du lịch nội địa sẽ là bàn đạp cho sự tái khởi động lại toàn ngành. Chúng ta cũng nên ký kết, hợp tác với các quốc gia khác để vận hành tour du lịch và công nhận các chứng chỉ y tế cũng như các quy chế nhập cảnh của nhau nhắm từng bước nới lỏng rào cản và thúc đẩy du lịch”.
Theo ông Nguyễn Viết Long, Nga luôn là thị trường du lịch tiềm năng đối với Việt Nam. Vì vậy, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả song hành cùng phát triển kinh tế linh hoạt vẫn là mấu chốt “phục hồi” ngành du lịch hiện nay.
“Tôi mong nước Nga sẽ có những hợp tác với Việt Nam để đưa du khách Việt sớm trở lại Nga và du khách Nga sớm trở lại Việt Nam” - Ông Long tin tưởng.
Khách du lịch đeo khẩu trang đi xe máy ở Nha Trang, Việt Nam
© Sputnik / Sergei Rusanov
/ Là doanh nghiệp lữ hành có chi nhánh tại Canada, Công ty TNHH Color of Viet Co.,Ltd (Sắc Việt) chủ động trong chiến lược kinh doanh của mình. Bà bà Đặng Linh Chi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Color of Viet Co.,Ltd (Sắc Việt) cho biết:
“Sắc Việt có giấy phép in/outbound và kinh nghiệm trong việc tổ chức tour riêng cho các đoàn khách Việt Nam, ít người mỗi lần tại khắp các châu lục. Đồng thời chúng tôi cũng chuyên nhận các đoàn khách từ thị trường nói tiếng Pháp về du lịch ở Việt Nam và Châu Á. Khi dịch bùng phát, chúng tôi chuyển sang setup các homestay cho thuê dài hạn. Ngoài ra còn dành thời gian sửa chữa cơ sở hạ tầng đã đầu tư và cho khách tới trải nghiệm kiểu giãn cách”.
Khách du lịch đeo khẩu trang bảo vệ tại thành phố nghỉ mát Nha Trang tại Việt Nam
© Sputnik / Sergei Rusanov
/ Theo bà Linh Chi, với cách quản lý tài chính trong thời khủng hoảng, giữ vốn để duy trì sức sống tối thiểu tốt và chậm cho doanh nghiệp là cách làm hay.
“Không đi thuê mặt bằng, không vay vốn ngân hàng, không thuê nhân công dài hạn mà cộng tác để nhân viên có thời gian lo cho gia đình, làm thêm online, dịch chuyển về vùng an toàn vẫn làm việc từ xa khi có việc” - Bà Linh Chi cho biết thêm.
30 Tháng Mười Một 2021, 18:17
Cũng theo đề xuất của chủ doanh nghiệp lữ hành trên, ngành du lịch nên tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp/cá nhân sáng tạo hơn như sử dụng công nghệ, mạng xã hội truyền tải cách giữ sức khoẻ, nâng cao tinh thần bằng các tour liệu pháp yoga, thể thao trị liệu, cải thiện sức khỏe bằng thực phẩm xanh sạch, tour hướng dẫn riêng ngoài trời…
“Cần phải làm việc và tư duy mới thì không lạc hậu. Ngoài ra, nên từ bỏ các loại hình tour đông người, tour 0 đồng, tour MICE lãng phí. Nâng cao nhận thức của khách hàng về du lịch xanh, hạn chế túi nilon, phân loại rác thải như các nước trên thế giới” - Bà Linh Chi nhấn mạnh.
Hy vọng vào sự hồi sinh của ngành du lịch tuy mong manh nhưng không phải là không có. Khoảng lặng giữa dịch bệnh hiện nay, những mất mát của ngành du lịch lúc này là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để những người làm du lịch nhìn lại mình, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân để đón đầu sự trở lại mới của ngành công nghiệp không khói.