Sáng lên chân dung bạn bè tin cậy và đối tác chiến lược của Nga ở châu Á

Sự kiện chính trong tuần lễ vừa qua đối với quan hệ Nga-Việt hiển nhiên là chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm chính thức LB Nga. Chương trình chuyến thăm làm việc dày đặc rất sôi động và Sputnik đã thông báo chi tiết cho độc giả về tất cả các cuộc gặp gỡ và hội đàm.
Sputnik
Vì vậy, trong bài tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài» tuần này, chúng tôi sẽ điểm những bài viết và thông tin nổi bật trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam ở Matxcơva, đồng thời cũng lược thuật tin tức kinh tế, du lịch và văn hóa.

Quan tâm lợi ích chung và đa dạng hóa thương mại

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, một trong những tờ báo Nga uy tín là Nezavisimaya Gazeta đã đăng tải bài viết dài của tác giả Grigory Lokshin, chuyên gia khoa học chính trị-Việt Nam học nổi tiếng của Nga, nghiên cứu viên hàng đầu tại Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga). Bài báo nói về hiện trạng quan hệ hợp tác Nga-Việt.
«Quan hệ hợp tác của chúng ta với Việt Nam không thay thế và không phải là giải pháp đối trọng cho sự hợp tác với đối tác chính của Nga ở châu Á là Trung Quốc, mà cùng với đó, hợp tác với Việt Nam là cơ hội để đa dạng hóa các mối giao lưu thương mại-kinh tế của chúng ta ở phương Đông. Đó là điều cần thiết để mối quan hệ đang phát triển của Nga với Trung Quốc không bao giờ biến thành kiểu quan hệ chư hầu-bá chủ. Tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với CHXHCN Việt Nam còn được phân định bởi quan tâm lợi ích chung, mối lo ngại trước bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay và công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương», - chuyên gia Nga nhận xét.
Báo chí nước ngoài ghi nhận những thỏa thuận chính trong các lĩnh vực khác nhau đã đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tới Matxcơva. Tờ Janes viết về hiệp định mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật, là một phần trong mục tiêu mới của Việt Nam và Nga nhằm củng cố làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ nay đến năm 2030.
Những ấn tượng được ghi nhớ qua chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam tới Matxcơva
Còn Energy Voice kể về thỏa thuận của Novatek - nhà xuất khẩu LNG từ phía Nga, với tập đoàn Việt Nam Petrovietnam nhằm thực hiện các dự án triển vọng trong lĩnh vực LNG và năng lượng. Novatek sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường điện Việt Nam đang tăng trưởng 10% một năm và trở thành một đối tác tin cậy của nước CHXHCN Việt Nam trong quá trình hoàn thành các mục tiêu đã đề ra để loại bỏ năng lượng dùng than đá.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin rằng Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, tập đoàn Binnopharm và tập đoàn T&T của Việt Nam đã ký thỏa thuận về dự án sản xuất vaccine «Sputnik V» theo chu trình đầy đủ tại Việt Nam.
Cổng thông tin Kaluga-poisk tường thuật cuộc gặp của Thống đốc vùng Kaluga Vladislav Shapsha với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thống đốc báo cáo với nhà lãnh đạo Việt Nam về công trình do tập đoàn TH Group của Việt Nam triển khai, xây dựng khu liên hợp chăn nuôi bò sữa tại vùng Kaluga và khâu chuẩn bị hồ sơ dành cho một khu liên hợp khác chuyên chế xuất các sản phẩm từ sữa.
Trang tin điện tử của Bộ Các tình huống khẩn cấp LB Nga đăng bài viết về cuộc hội đàm của người đứng đầu cơ quan chuyên trách Nga Alexandr Chupriyan với Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Quốc Tỏ, thảo luận kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực cảnh báo và loại trừ các trường hợp bất thường khẩn cấp cũng như giúp đào tạo chuyên gia cho ngành Công an Việt Nam trên cơ sở trường đại học trực thuộc Bộ Các tình huống khẩn cấp LB Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Việt Nam ký Thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật-quân sự của hai nước

Than, tàu điện trên cao và Mobile Money

Như thường khi, trên các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây và phương Đông luôn có rất nhiều bài phân tích và thông tin về diễn biến phát triển kinh tế của Việt Nam. Tờ East Asia Forum viết về sự phức tạp gắn với quyết định của Việt Nam – từ nay đến năm 2050 phấn đấu đưa phát thải CO2 về mức 0. Việt Nam cần có quyết tâm cứng rắn và tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để thực hiện cam kết này, - tác giả nhận xét.
Tờ NST đưa tin Việt Nam có kế hoạch sử dụng các nguồn tái tạo để đảm bảo thu nhận 3/4 sản lượng điện vào năm 2045.
Trong khi đó Recycling Magazine kể chuyện các nhà hoạt động đã phong toả việc đưa rác thải nhựa của Đức sang Việt Nam như thế nào.
OpenGov Asia đưa tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, động tác này có thể dẫn đến phát triển thương mại điện tử và giúp tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Bao giờ nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam vận hành?
Tờ Global Construction Review thông báo về sự kiện khai trương vận hành tuyến tàu điện trên cao đầu tiên, vốn được chờ đợi từ lâu và khá tốn kém, chạy từ Cát Linh đến Hà Đông.
Còn CNTraveler nói về kế hoạch của Vietnam Airlines và Bamboo Airways, mở đường bay thẳng đến San Francisco vào năm 2022.
Như tờ Bangkok Post cho biết, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ bảy nước châu Phi, do lo ngại về đà lây lan của biến chủng coronavirus «Omicron».
Bài viết trên tờ Financial Times bày tỏ lo ngại rằng cuộc phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ «chậm chạp hơn so với mong đợi» và tác động của việc đóng cửa các xí nghiệp trong mấy tháng ở miền Nam hồi mùa hè năm 2021 cũng sẽ gây hiệu ứng rõ rệt cả trong năm 2022. Điều đó gây ra rủi ro toàn cầu đối với chu trình cung cấp những mặt hàng liên quan cho các thị trường phương Tây, chẳng hạn như quần áo và đồ gỗ nội thất, cũng như tác động tiêu cực với công cuộc đổi mới và ứng nghiệm khi Việt Nam cố gắng tiến lên phía trên theo chuỗi giá trị.

Vẻ đẹp và vấn đề của Việt Nam

Các du khách bốn phương đang háo hức chờ đợi dịp khám phá Việt Nam vào năm 2022, và báo chí đăng tải tư liệu về những địa điểm tuyệt đẹp đáng thăm ở đất nước này. Kênh truyền hình France24 cho thấy vẻ đẹp mê hồn của ruộng bậc thang Yên Bái, trong khi Travel off Path liệt kê 5 điểm đến hàng đầu ở Việt Nam: đó là Vịnh Hạ Long, đồng bằng sông Cửu Long, đảo Phú Quốc, các đô thị Hội An và Hà Nội.
Country Scanner kể về việc tạo ra sơ đồ «Bong bóng du lịch» («Travel bubble», là kiểu «hành lang du lịch an toàn» thời Covid-19), thỏa thuận riêng với Thái Lan, tạo điều kiện cho các du khách đã tiêm phòng từ nước láng giềng này vào Việt Nam bằng «hộ chiếu coronavirus» được phép tham quan, du ngoạn tự do, không phải cách ly khi nhập cảnh.
Còn ấn phẩm Variety có uy tín trong thế giới nghệ thuật đăng bài viết dài về những bộ phim Việt Nam được chọn tham dự Liên hoan Truyền thông Singapore, là những tác phẩm điện ảnh thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Việt Nam hôm nay.
Thảo luận