Nga và Việt Nam cần có những dự án chung quy mô lớn

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới chính trị, kinh tế, xã hội hai nước phân tích, thảo luận trong thời gian dài. Cộng đồng khoa học Nga cũng tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về chủ đề này.
Sputnik
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam, Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức cuộc gặp bàn tròn “Trao đổi ý kiến về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam”. Đây thực sự là một cuộc thảo luận sôi nổi có nhiều ý kiến có giá trị với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Nga trong nhiều lĩnh vực tương tác giữa hai nước, đại diện cho các cơ sở khoa học như Viện Viễn Đông và Viện nghiên cứu nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg và Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Trường Kinh tế Cao cấp (HSE) và Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA) trực thuộc Tổng thống LB Nga và Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu ý tưởng Á - Âu. Các chuyên gia tập trung luận giải thực trạng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, các vấn đề xã hội và giáo dục, khoa học và văn hóa, đồng thời xác định những vấn đề cấp bách nhất. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko tuyên bố, “hiện nay, điều kiện tương tác giữa các nước khác hẳn so với thời Liên Xô. Nhưng, thực tế này là động lực để tăng cường khả năng cạnh tranh và tìm kiếm các điểm tăng trưởng mới”.
Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn thực chất, hiệu quả

Ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam đang suy giảm

Sau khi ghi nhận rằng, hai nước đang phát triển đối thoại chính trị sâu rộng ở cấp cao và cao nhất, các nhà khoa học thảo luận về vấn đề giảm vai trò của Nga trong đời sống kinh tế chính trị của Việt Nam. Trưởng bộ môn Lịch sử Viễn Đông, kiêm Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov cho rằng, điều này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thay đổi ở giới tinh hoa, sau khi những người có quan hệ với Nga và biết tiếng Nga rời khỏi ban lãnh đạo của CHXHCN Việt Nam.

“Các nhà lãnh đạo mới được đào tạo ở phương Tây đang hình thành xung quanh mình những nhóm ảnh hưởng mới: trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, thông tin và chính trị, v.v. Ảnh hưởng của những nhóm này phụ thuộc vào khối lượng thương mại với các quốc gia tương ứng, và Nga thậm chí không vào top 10 theo chỉ số này. Mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi việc Việt Nam định hướng lại chính sách an ninh đối ngoại, ưu tiên cho Hoa Kỳ”.

Còn Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu ý tưởng Á - Âu Grigory Trofimchuk chú ý đến thực tế là xã hội Nga biết rất ít về những thành công của Việt Nam hiện đại, và đây là lỗi chính của giới truyền thông trong nước.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đặt hoa tại mộ Chiến sĩ vô danh

Hợp tác kỹ thuật quân sự bước vào giai đoạn mới

Hợp tác kỹ thuật quân sự là một trong những trụ cột trong sự tương tác giữa Nga và Việt Nam. Và lĩnh vực này mở ra cho hai nước những tiềm năng hợp tác to lớn.

Theo ý kiến ​​của chuyên gia Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về Châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp (HSE) cho biết rằng, “Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới trong quá trình phát triển lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng. Nước này đã đặt ra cho mình một nhiệm vụ đầy tham vọng là tạo ra một tổ hợp công nghiệp-quân sự hiện đại, bố trí trên lãnh thổ nước mình càng nhiều dây chuyền sản xuất quân sự càng tốt, để sau đó sử dụng chúng như một chất xúc tác để sản xuất các sản phẩm dân dụng công nghệ cao. Nga có thể hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam trong việc chuyển giao các công nghệ quân sự. Một ví dụ nổi bật của sự hợp tác trong lĩnh vực này là việc Việt Nam bắt đầu sản xuất phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa chống hạm Uran-E của Nga mà Việt Nam đang trang bị cho cả chiếm hạm và hệ thống phòng thủ bờ biển”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Việt Nam ký Thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật-quân sự của hai nước

Những vấn đề kinh tế

Nga và Việt Nam có một lịch sử tương tác phong phú và đa dạng. Tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước đã trải qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và tái thiết sau chiến tranh ở Việt Nam. Trong những chiến thắng của người Việt Nam trên chiến trường, trong các trận không chiến và trong rừng rậm, trên các công trường xây dựng, trong hầm mỏ và các cơ sở sản xuất có phần đóng góp không nhỏ của các chuyên gia quân sự và dân sự của Liên Xô và Nga, các giáo viên đại học và các nhà khoa học Nga. Và điều này luôn được các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao. Nhưng, mối quan hệ đối tác chiến lược không thể chỉ được xây dựng trên những kỷ niệm tồn tại trong quá khứ.
Hợp tác kinh tế Nga-Việt kém hơn mười lần so với sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác hàng đầu: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Từ năm 2015 đến năm 2020, kim ngạch thương mại giữa các nước đã tăng 1,5 lần và đạt gần 6 tỷ USD, mà 72% kim ngạch là hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga”, - chuyên gia Maxim Golikov, Vụ trưởng Vụ hoạt động kinh tế đối ngoại của Hội đồng tư vấn trực thuộc Tổng thống Nga, cựu đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam, cho biết. - Nga xuất khẩu than, dầu mỏ, kim loại sang Việt Nam, trong những năm gần đây nguồn cung nông sản tăng mạnh, nhưng nguồn cung máy móc thiết bị lại giảm. Một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là điện thoại di động, thiết bị vô tuyến và linh kiện, Việt Nam cũng cung cấp quần áo và giày dép, thủy sản, cà phê và hạt tiêu đen. Hai nước có thể tăng trưởng thương mại song phương chỉ khi dựa vào các dự án chiến lược chung quy mô lớn, các dự án này sẽ trở thành chất xúc tác cho thương mại. Hiện có nhiều lĩnh vực để triển khai những dự án như vậy: dầu khí, năng lượng, quốc phòng an ninh, công nghệ thông tin".

Nga và Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định kinh tế
Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của IFES RAS, người điều hành hội thảo bàn tròn, đồng ý với ý kiến ​​này, ông báo cáo về chủ đề hợp tác đầu tư giữa Nga và Việt Nam. Giáo sư Mazyrin lưu ý rằng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Nga lớn gấp ba lần so với vốn đầu tư của Nga vào Việt Nam, và các khoản đầu tư của Việt Nam tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Chính các dự án quy mô lớn trong nền kinh tế thật có thể giúp chuyển biến theo chiều hướng tốt lên.
Chuyên gia Marina Khromova, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã nói về việc giảm tất cả các loại hình di cư của người Việt Nam sang Nga cũng như về sự cần thiết phải làm mềm chính sách di cư của Nga đối với người Việt Nam. Và chuyên gia Natalya Shafinskaya, Trợ lý Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA) trực thuộc Tổng thống LB Nga, cựu Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, đã nói về các chương trình nghiên cứu tiếng Nga ở Việt Nam và tiếng Việt ở Nga, bà lưu ý rằng, những người tham gia vào việc quảng bá tiếng Nga tại Việt Nam hoạt động riêng lẻ và không thể đạt được hiệu quả mong muốn, và những chuyên gia tiếng Việt ở Nga không phải lúc nào cũng tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình.
Cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và phu nhân cán bộ cơ quan ngoại giao đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay
Để tiến lên phía trước cần phải phân tích chi tiết tình hình một cách khách quan. Các chuyên gia Nga nghiên cứu về Việt Nam luôn sẵn sàng giúp nhà nước giải quyết các vấn đề trong quan hệ với đất nước anh em, đối tác chiến lược lâu đời - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thảo luận