Côn Minh – Viêng Chăn: Một phần của phương án 2 trong chiến lược “Vành đai-Con đường”

Trung Quốc đã tìm ra cửa mở thứ hai về logistic cho mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến logistic hàng hải qua Biển Đông. Mặt khác, đó cũng là vành đai chiến lược thứ hai của nước này khi thâm nhập xuống Đông Nam Á để thực hiện “Chiến lược Vành đai-Con đường”.
Sputnik
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào vừa chính thức đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Nó nối thủ đô Viêng Chăn, Lào với Côn Minh, Trung Quốc, có tổng chiều dài 426,5km và với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD theo tỷ lệ Lào-Trung 30-70%.
Nhìn chung, báo chí, giới chuyên gia các vấn đề quốc tế, địa chính trị Việt Nam và nước ngoài đưa ra những bình luận và đánh giá khá khác nhau về sự kiện này. Một số cho rằng, tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Viêng Chăn sẽ tạo cú huých kinh tế cho Lào, đồng thời cũng gieo lo âu về khoản nợ lớn. Những số khác lại bình luận rằng, Trung Quốc đã tiến gần hơn đến việc triển khai dự án mạng lưới đường sắt đa quốc gia kết nối Côn Minh và các nước ASEAN và nói về cái gọi là “ngoại giao đường sắt” của Trung Quốc mà các đối thủ của nước này không thể cản trở được.
Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu vấn đề này và có bài phân tích từ một góc nhìn khác.

Dự án kênh Kra và phương án thứ hai của Trung Quốc

Người Mỹ đã ra sức “ve vãn” Campuchia nhưng không thành công. Người Mỹ và cả người Singapore cũng ra sức tác động vào chính trường Thái Lan nhằm kìm hãm tiến tới vô hiệu hóa “Dự án kênh Kra”. Dự án này có vốn đầu tư ban đầu 35 tỷ USD, xuyên qua eo đất Thái Lan trên bán đảo Malacca để từ đó, “bỏ qua” vai trò của Singapore vốn giữ cửa ngõ ra vào phía Nam Biển Đông nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Dĩ nhiên “Dự án kênh Kra” chỉ là một trong hai phương án của Trung Quốc để hiện thực hóa bước đi đầu tiên của “Chiến lược Vành đai-Con đường”. Phương án thứ hai chính là đường sắt từ Côn Minh ra Vịnh Bengal với Rangoon là “ga đầu mối”. Dự án này được khởi công ngày 30/5/2011 tại Côn Minh, Trung Quốc, có tổng chiều dài 1.215km qua Lào, Thái Lan, Myanmar; khổ đường tiêu chuẩn 1,435m; tốc độ chạy tàu trung bình 140km/h.
“Với dự án thứ hai này thì Việt Nam tuy chỉ còn có ý nghĩa đối với Trung Quốc về đường biển nhưng vẫn có vai trò quan trọng, bởi vận tải biển có giá thành tấn/km rẻ nhất mặc dù tốc độ vận tải thấp nhất so với đường không, đường bộ và đường sắt. Và Malaysia, dù được Trung Quốc đầu tư rất lớn cho tuyến đường sắt phía Đông bán đảo, cũng chỉ là một dự án có tính địa phương, không ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề chiến lược mà Trung Quốc đã hoạch định”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
Lào là bàn đạp mới trong chính sách “ngoại giao đường sắt” của Trung Quốc
“Đặt giả thiết, phía Trung Quốc thuyết phục được Thái Lan, phối hợp cùng với Myanmar và Lào nối thông tuyến đường sắt từ Côn Minh qua Viêng Chăn và xuyên qua miền Bắc Thái Lan tới Yangon (Rangun) thì “Dự án kênh Kra” sẽ là “một con đường song hành” với Biển Đông giúp Trung Quốc kết nối với Ấn Độ Dương và qua đó, kết nối với Tây Nam Á, Đông Bắc Phi, Địa Trung Hải và tới Châu Âu để hiện thực hóa “Chiến lược Vành đai-Con đường”, - Nhà phân tích những vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Đòn” này của Trung Quốc cho thấy sự vô hiệu của liên minh AUKUS vừa mới hình thành cũng như âm mưu lôi kéo bộ QUAD của Mỹ vào các hoạt động quân sự hằm kiềm chế Trung Quốc.
“Có thể thấy sự “lép vế” rõ ràng của Mỹ và phương Tây khi họ lập ra khối AUKUS với mục tiêu được tuyên bố là “bảo vệ Châu Á” khỏi sự bành trướng của Trung Quốc nhưng lại không hề có một quốc gia Châu Á nào tham gia, kể các các nước Đông Nam Á. Dư luận các nước trong tầm ảnh hưởng của AUKUS cũng hầu như không quan tâm đến AUKUS, chỉ biết đó là một liên minh quân sự lập ra nhưng không biết để làm gì”, - Nhà phân tích những vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nêu bình luận của mình với Sputnik.

Trung Quốc có thể chuyển hướng “Chiến lược Tây tiến”. Mỹ đã “hết vở cạn bài”

Với dự án đường sắt xuyên Đông Nam Á này, Trung Quốc có thể chuyển hướng “Chiến lược Tây tiến” của mình từ giành ưu thế trong tranh chấp Biển Đông vốn gây nhiều “tai tiếng” sang chiến lược “gác lại vấn đề Biển Đông” (ít nhất là về logistic) hoặc thực thi cả hai hướng chiến lược cùng lúc, chỉ khác nhau là ưu tiên cho chiến lược nào ít tốn kém hơn, hiệu quả hơn và ít “gây tai tiếng” hơn mà thôi.
“Trong nhiều thập kỷ qua, người Mỹ luôn tuyên truyền rầm rộ về vấn đề “Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông”. Không ít các cơ quan truyền thông của nhiều nước đã bị “cuốn theo” trào lưu này. Nhưng người Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng trên đất liền hay ít nhất cũng không thể làm gì được ở đó. Vấn đề đơn giản là người Mỹ “mang súng” đến Biển Đông, còn Trung Quốc thì “mang tiền” đến đầu tư ở một nơi không có biển. Người Mỹ vốn mạnh về tiền. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này ở Đông Nam Á, họ lại dùng súng là chủ yếu. Đó là một sai lầm”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với với Sputnik.
Đúng là Mỹ có các hạm đội tàu sân bay vô địch thế giới, có thể kiểm soát tất cả các đại dương trên thế giới cũng như có thể phát động các cuộc tấn công từ biển, từ trên không vào bất cứ quốc gia nào mà họ coi là thù địch hay bị họ coi là “đồng minh của khủng bố”. Nhưng trên đất liền, chắc chắn người Mỹ không có ưu thế, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Việt Nam quyết làm đường sắt nối Trung Quốc, Lào và Campuchia
Nhìn vào chiến lược ứng xử của cả hai cường quốc hàng đầu thế giới ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, có thể thấy điểm khác biệt rất rõ rệt, Đó là Trung Quốc chú trọng xuất khẩu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, làm bệ đỡ cho việc tạo dựng ảnh hưởng lâu dài nhằm chi phối về kinh tế, thông qua đó chi phối về chính trị. Điều này bị các chính giới Mỹ và phương Tây quy kết rằng đó là việc “đặt bẫy nợ” và họ ra sức khuếch trương chuyện này.
Tình thế này nói lên điều gì ? Tình thế này cho thấy hoặc là Mỹ đã “hết vở cạn bài” trong cuộc chiến tay đôi với “người khổng lồ Châu Á đã trỗi dậy”; hoặc là chính giới Mỹ đã không còn đủ tỉnh táo để nhận định và đánh giá tình thế, dẫn đến mất phương hướng trong việc đối phó với Trung Quốc ở Đông Bán Cầu.
Thảo luận