Việt Nam quyết làm đường sắt nối Trung Quốc, Lào và Campuchia
© Depositphotos.com / Prostock Đường sắt
© Depositphotos.com / Prostock
Đăng ký
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa công bố, đường sắt Việt Nam sẽ kết nối với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đầu tư đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến Lào Cai – ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) để hàng hóa Việt Nam đi thẳng sang châu Âu, đầu tư kết nối cảng biển, cảng hàng không.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt mới, Bộ GTVT cũng tham mưu với Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam để vận chuyển hành khách, cạnh tranh với hàng không.
Có gì trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam?
Việt Nam vừa công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ngày 1/11, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì sự kiện mang tầm chiến lược quan trọng đối với tương lai ngành đường sắt Việt Nam.
Mở đầu buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông thông tin, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 đã được Bộ GTVT chỉ đạo lập tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.
Từ tháng 2/2020, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức lựa chọn Tư vấn và tiến hành lập quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.
“Đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, Quy hoạch xác định.
Theo ông Đông, hơn 1 năm qua, Bộ GTVT, cơ quan lập kế hoạch đã tiến hành khảo sát thực địa, điều tra, thu thập số liệu nhằm đánh giá thực trạng kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước. Đồng thời, làm việc trực tiếp và lấy ý kiến thống nhất với các địa phương có liên quan về một số định hướng lớn của quy hoạch cũng như tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia.
“Kết quả nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt đã đánh giá thẳng thắn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đến ngày 19/10/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định số 1769/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được thực hiện công phu, nghiêm túc, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục Luật Quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho hay, Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có.
“Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km”, đại diện Bộ GTVT thông báo.
Cụ thể, Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27 %; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40 % (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87 %).
Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%).
Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%
Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch đường sắt mới của Việt Nam đề cập cụ thể đến việc thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài khoảng 2.440km, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.
Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Quy hoạch, như đã nêu ở trên, xác định đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Bộ GTVT cũng nêu về chủ trương tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa…
Bộ trưởng Thể: Đường sắt vận chuyển hành khách cạnh tranh với hàng không
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông luôn là lĩnh vực đi trước mở đường, trong đó công tác quy hoạch giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Bộ GTVT hoàn thành 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Cụ thể, theo Tư lệnh ngành giao thông vận tải, trong bối cảnh khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện trong thời qua, nhất là nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai nhưng Bộ GTVT vẫn nỗ lực hoàn thành 5 quy hoạch quốc gia về giao thông của 5 lĩnh vực giao thông trọng điểm là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển và hàng không.
“Điều này mang đến nhiều thuận lợi cho việc đánh giá thế mạnh, tiềm năng của cả 5 lĩnh vực, là nền tảng để hình thành thêm các quy hoạch khác thường lệch nhau 1-2 năm như trước”, Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá, chưa bao giờ ngành giao thông hoàn thành được 5 quy hoạch của 5 lĩnh vực cùng lúc như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Việt Nam có bờ biển dài, đường sắt chạy song song với bờ biển. Do đó, đối với vận tải hàng hóa Bắc - Nam, vận tải biển ven bờ sẽ được ưu tiên nhất vì có thể vận chuyển được khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, chi phí thấp.
Cùng đó, Nhà nước cũng sẽ tiến hành nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn để vận tải hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương.
“Đối với vận tải hành khách, chúng tôi tham mưu với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ là sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để vận chuyển hành khách, cạnh tranh với hàng không”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Vốn từ đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc triển khai quy hoạch, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng lộ trình, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng, đề xuất cơ chế huy động vốn. Ông Thể nhấn mạnh, đây là những bước rất quan trọng, cần có sự ủng hộ, đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương để tạo ra tiếng nói chung trước Quốc hội.
Với mong muốn có được nguồn ngân sách hợp lý để phát triển ngành đường sắt Việt Nam, Bộ đề xuất với Chính phủ có cơ chế huy động được nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn tư nhân, ODA nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu quy hoạch đề ra theo Quy hoạch.
“Về nhu cầu vốn, Bộ GTVT sẽ cố gắng tham mưu để bố trí cho ngành đường sắt 240.000 tỷ giai đoạn 2021-2030. Số tiền còn lại sẽ bố trí sang các giai đoạn tiếp theo đến khi hoàn chỉnh hệ thống đường sắt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm, sau quy hoạch, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao còn hàng hóa thì ưu tiên cho vận tải biển. Trong đó, việc xác định phải xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của quy hoạch đường sắt lần này.
Kỳ này, liên quan đến đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT sẽ báo cáo Bộ chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để kỳ tới sẽ tập trung thiết kế, giải phóng mặt bằng nhằm hướng tới năm 2028 - 2029 có thể khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng cho hay, quy hoạch đề ra sẽ đầu tư đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó trước tiên sẽ đầu tư đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Việt Nam đi thẳng châu Âu.
© Depositphotos.com / VinhdavTàu hỏa tại ga Lào Cai
Tàu hỏa tại ga Lào Cai
© Depositphotos.com / Vinhdav
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đầu tư đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không...
“Với Quy hoạch đường sắt này, chúng ta có được bức tranh toàn diện, không chỉ cải tạo đường sắt hiện hữu, mà còn xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối để làm sao khai thác tốt vận tải hàng hóa, hành khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Cũng theo Quy hoạch mới này, Việt Nam sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn, đồng thời, phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài.
Bộ GTVT cũng muốn hướng đến việc từng bước đa dạng hoá nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, vận tải đường sắt, tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt, tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện, kinh doanh đường sắt.
“Xây dựng nền tảng để phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại, đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị cho lĩnh vực đường sắt”, Quy hoạch đề cập.
Việt Nam cũng sẽ khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chủ động, tích cực liên doanh, chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp đường sắt. Bảo đảm phát triển đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng với công nghiệp đường sắt, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trong nước.
Ngoài ra, để phát triển ngành đường sắt của cả nước, Chính phủ xác định nguyên tắc chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.